Theo BBC, kem làm trắng da từ lâu trở thành một ngành công nghiệp lớn ở Ấn Độ, với hàng triệu nam nữ có nhu cầu sử dụng các biện pháp tẩy trắng. Những năm gần đây, ngày càng nhiều sản phẩm mới ra đời, với quảng cáo làm sáng vùng nách, thậm chí là làm trắng chỗ kín của phụ nữ. Các nhà sản xuất bán hàng dựa trên nỗi sợ hãi của con người, bằng cách khiến người tiêu dùng tin rằng chỉ cần có làn da sáng hơn một đến hai tông màu, họ sẽ có việc làm tốt hơn, cuộc sống vợ chồng cũng vui vẻ hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn.
"Tôi đang nghĩ về những người khó lấy chồng, vì bản thân tôi cũng không lấy làm trắng trẻo gì", Charu Smita, một sinh viên người Ấn Độ, giải thích tại sao nhiều phụ nữ nước này phải khốn khổ vì áp lực có làn da trắng sáng.
Nhiều năm qua, các nhà vận động ở Ấn Độ đã cố gắng thay đổi nhận thức này. Họ tuyên truyền rằng vẻ đẹp không nằm ở làn da trắng hay đen, da đen cũng có nét đẹp riêng.
Ba sinh viên đại học Texas ở Austin, thủ phủ bang Texas, Mỹ đang phát động một chiến dịch truyền thông khắp thế giới. Chiến dịch do Pax Jones, 21 tuổi, một sinh viên da màu ở đại học Texas, bắt đầu hồi tháng 12 năm ngoái.
Cô đã chụp hàng loạt ảnh của mình với những người bạn cùng lớp đến từ Nam Á là hai chị em Mirusha và Yanusha Yogarajah.
"Mục tiêu của chúng tôi là chống lại tư tưởng phân biệt đối xử màu da đã ăn sâu bén rễ trong đời sống của chúng ta", Jones nói.
Loạt ảnh có tên "Unfair & Lovely - Không trắng và Khả ái" lập tức gây tiếng vang, tạo ra làn sóng sử dụng cụm từ #unfairandlovely trên mạng xã hội. Cụm từ này xuất phát từ nhãn hiệu làm sáng da Fair and Lovely nổi tiếng của Ấn Độ.
Chiến dịch đề nghị những người có làn da sẫm màu đưa ảnh lên mạng truyền thông xã hội, đã tạo ra các cuộc tranh luận sôi nổi trên Twitter và Facebook, thu hút gần 1.000 người đăng ảnh lên Instagram.
Mirusha Yogarajah cho biết, cô muốn tham gia chiến dịch vì nạn kỳ thị màu da đang tràn lan trong cộng đồng Nam Á.
"Hầu hết mọi người được khuyên rằng không nên ra ngoài tắm nắng vì da sẽ đen hơn. Mà không ai thích người da đen cả", Yogarajah nói.
"Ở đại học, tôi từng bị một sinh viên Nam Á bắt nạt, người này có làn da sáng hơn tôi. Còn có người ném bóng nước vào tôi nữa", cô chia sẻ, cảm thấy vô cùng tổn thương.
"Lúc chuyện đó xảy ra, tôi đã rất buồn, cảm thấy mình chẳng đáng xu nào. Thật là khó hiểu, tại sao mọi người lại đối xử vô nhân đạo với người khác, chỉ vì vẻ bề ngoài của họ. Tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc", Yogarajah nói.
Jones, người thường xuyên bị nhạo báng vì mái tóc xù và chiếc mũi to, đồng ý với cô bạn.
"Chúng tôi muốn lên tiếng, và tôi cho rằng chúng tôi đã thành công", Jones nói.
Hồng Hạnh