Đưa con đi thi cả ba ngày tại điểm trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hiền, 47 tuổi, thấy yên tâm về công tác phòng dịch tại điểm thi. Ngày đầu đưa con tới, bà được công an và thanh niên tình nguyện yêu cầu di chuyển ngay để tránh tụ tập đông người trước cổng.
Đưa xe sang bên kia đường, người mẹ dõi theo vào trong trường, thấy việc đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn được thực hiện nghiêm túc. Loa phát thanh trong trường liên tục phát lời nhắc nhở của lãnh đạo điểm thi về chú ý phòng dịch.
"Con đi thi vào thời điểm này khiến tôi rất lo lắng nhưng cũng không muốn phải lùi lại thêm nữa. Tôi đã chuẩn bị cho con bình nước cá nhân, khẩu trang y tế và nước rửa tay khô mang theo, nhưng có lẽ hơi thừa vì điểm thi chuẩn bị rất chu đáo", bà Hiền nói.
Các buổi thi sau, thực hiện đúng nhắc nhở về việc phụ huynh đưa con đến phải đứng cách khu vực thi 50 m, bà đưa con đến điểm thi rồi về nhà, khi trở lại đón thì đứng ở cổng phụ của trường, vừa để giãn cách, vừa để con dễ tìm thấy mình.
Con gái bà Hiền năm nay thi Toán, Văn, tiếng Anh và tổ hợp Khoa học xã hội, xét tuyển vào trường Đại học Kinh tế quốc dân. Được con chia sẻ lại đề vừa sức, làm bài tốt nhất môn Tiếng Anh, bà vui nhưng rồi lại hơi lo. Đa số học sinh làm tốt như con mình, khả năng đỗ vào trường top đầu như Kinh tế quốc dân không cao.
"Nhưng quan trọng nhất là con tôi và các thí sinh đã thi xong rồi. Thực lòng tôi rất biết ơn thầy cô làm công tác tổ chức để các cháu hoàn thành kỳ thi mà không gặp vấn đề lớn nào", bà Hiền nói.
Tại TP HCM, nhiều phụ huynh cũng cảm thấy hài lòng sau ba ngày đồng hành cùng con trong kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm học. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, phụ huynh điểm thi THPT Ernst Thälmann, quận 1 thấy nhẹ nhõm sau giờ thi tiếng Anh chiều 10/8. "Trước mắt là thấy kỳ thi an toàn là vui rồi, kết quả điểm cao hay thấp thì tính sau", ông Sơn nói.
Theo sát con gái từ hôm làm thủ tục dự thi đến môn thi cuối cùng, ông Sơn nhận xét cách bố trí điểm thi những năm gần đây tương đối khoa học, việc xáo trộn thí sinh ở một điểm thi chỉ trong 2-3 trường THPT cùng một quận huyện. Ngoài việc đưa đón dễ dàng, đi thi cũng giống như đi học, nguồn lây bệnh phần nào cũng dễ kiểm soát hơn.
Công tác tổ chức thi cũng được phụ huynh này đánh giá cao khi một kỳ thi cho hơn 74.000 thí sinh nhưng không có sự cố nào đáng kể. Ngày thi đầu tiên, Hội đồng thi ở thành phố đã xử lý rất nhanh một số tình huống bất thường, như cho các em sốt cao, đang bị bệnh thủy đậu thi riêng.
"Cháu nào cũng đeo khẩu trang, điểm thi sẵn sàng các phòng y tế, phòng cách ly. Điều này tạo ra sự yên tâm lớn từ phía phụ huynh và tâm lý vững cho thí sinh", ông Sơn nói.
Về phía thí sinh, đa số hài lòng vì hầu hết đề thi vừa sức, bám sát chương trình. Nhiều em vui vì kết thúc một năm học nhiều "sóng gió" khi bị gián đoạn việc học nhiều tháng, kỳ thi tốt nghiệp bị lùi và diễn ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.
Ra khỏi điểm trường sau bài thi tiếng Anh chiều 10/8, Phạm Thu Hiền, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy thoải mái nghe những bài hát yêu thích trong lúc đợi mẹ đến đón. Hiền đăng ký khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), đặt mục tiêu 23-24 điểm để vào Đại học Kinh tế quốc dân. Sau hai ngày thi, nữ sinh đánh giá mỗi môn làm khoảng 8, trong đó chắc chắn Toán trên 8.
Nhiều người đùa với nữ sinh "số con ngựa nên khổ" vì việc học năm nay vất vả. Nhưng Hiền lại không coi việc bị ảnh hưởng bới dịch là xui xẻo hay đáng thương. "Đối với em, việc lùi lịch thi là một may mắn, giúp em có nhiều thời gian ôn tập hơn", Hiền nói.
Để phòng dịch, Hiền đeo khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách. Nhiều lúc tập trung làm bài, nữ sinh còn quên mất và không có cảm giác mình đang đeo khẩu trang. Em đánh giá các điểm thi đã triển khai biện pháp phòng dịch nghiêm túc, tạo tâm lý an tâm cho thí sinh. "Dù nhìn theo hướng tích cực hay tiêu cực, Covid-19 vẫn mang đến cho lứa học trò sinh năm 2002 chúng em một năm học đặc biệt và đáng nhớ", nữ sinh nói.
Tại Khánh Hòa, Dương Việt Hùng, điểm thi THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang, tỏ ra thoải mái, khi đã hoàn thành 4 bài thi trong hai ngày khá tốt. Hùng dồn toàn lực ba môn Toán, Lý, Hóa với nguyện vọng vào Học viện Hải quân. Ban đầu, em lo lắng khi phải thi trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, đi thi thì tập trung đông người. Hôm làm thủ tục, nghe thông tin phổ biến buộc đeo khẩu trang và giãn cách trong phòng thi cùng lực lượng y tế giám sát, Hùng mới yên tâm.
Nam sinh đánh giá đề thi khá "dễ thở", không khó so với năm trước và đề minh họa. Chẳng hạn, môn Toán có đến 70% số câu sát chương trình học, thí sinh nắm vững kiến thức có thể làm được, các câu còn lại đòi hỏi phải tư duy. Tương tự, môn Hóa học, Vật lý cũng khá nhẹ nhàng so với năm trước hay đề thi tốt nghiệp Hùng từng giải.
"Bây giờ, em có thể thở phào, chờ kết quả thi", Nguyễn Thị Thùy An, học sinh THPT Lý Tự Trọng nói sau khi kết thúc môn tiếng Anh chiều 10/8. Thi tốt nghiệp diễn ra chậm hơn một tháng rưỡi so với năm trước khiến An có phần lo lắng. Sử dụng Toán, Lý và tiếng Anh để xét tuyển đại học, An tập trung ôn vào tháng cuối trước kỳ thi.
Theo An, đề thi năm nay khá vừa sức. Đề tiếng Anh với 50 câu, kiến thức dàn đều trong chương trình và không quá khó. Với môn Toán, An làm tròn trịa, nhưng khi về kiểm tra lại thì sai vài câu. "Hy vọng kết quả sẽ tốt để em vào được ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM", nữ sinh chia sẻ.
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá kỳ thi này rất đặc biệt khi lần đầu tiên tổ chức vào tháng 8, thời tiết không thuận lợi, nhiều nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, Covid-19 bùng phát trở lại.
"Dù là một năm có nhiều vất vả trong tổ chức thi, các địa phương đều có phương án chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức kỳ thi, đảm bảo được cả hai mục tiêu an toàn sức khỏe cho thí sinh, cán bộ làm thi, phụ huynh học sinh và an toàn quy chế thi", ông Độ nói.
Thứ trưởng Độ cho biết quan điểm của Bộ là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đặt quyền lợi thí sinh lên cao nhất. Việc tổ chức thi đợt một của kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc nhưng vẫn còn các khâu tiếp theo như chấm thi, công bố điểm thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho thí sinh.
Năm nay lần đầu tiên trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT bị lùi một tháng rưỡi và chia làm hai đợt do ảnh hưởng của dịch bệnh. Khoảng 880.000 thí sinh thi đợt một ngày 9-10/8. Những địa phương thực hiện cách ly xã hội như Đà Nẵng, một số nơi ở Quảng Nam, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và thí sinh F0, F1, F2 sẽ dự thi đợt hai, số lượng hơn 26.300.