"Tôi bị mắng vì uống rượu quá nhiều", cô kể. Mẹ yêu cầu cô cho nhân viên nghỉ một ngày để phục hồi sau cơn say.
Hur không phải là trường hợp hiếm ở Hàn Quốc nhận được những cuộc gọi kiểm soát từ bố mẹ, kể cả khi họ đã là người trưởng thành.
Lee, giáo sư đại học, cũng từng nhận được nhiều cuộc gọi từ phụ huynh sinh viên, yêu cầu ông giảm tải bài giảng để con họ dễ tiếp thu hoặc mở rộng các chương trình ngoại khóa. "Thậm chí đồng nghiệp của tôi còn bị phụ huynh đề nghị nâng điểm", Lee nói. Hiện tượng phụ huynh thay mặt sinh viên đại học đưa yêu cầu đang gia tăng bất thường.
Họ được gọi là những helicopter parents - phụ huynh trực thăng, những người đang giám sát và can thiệp sâu vào cuộc sống con cái. Thuật ngữ này phổ biến ở thập niên 1990 nhằm để chỉ các phụ huynh nuông chiều quá mức với con là trẻ vị thành niên.
Phụ huynh trực thăng đã phát triển thành hình thức mới ở Hàn Quốc, họ kiểm soát cuộc sống của con cái đã trưởng thành.
Khảo sát của nền tảng nhân sự Opensurvey ở 100 công ty hàng đầu của Hàn Quốc cho thấy 35% nhân viên đã nhận hoặc chứng kiến đồng nghiệp nhận cuộc gọi, tin nhắn kiểm soát của phụ huynh.
Trong đó, 79% là các câu hỏi liên quan đến công việc trong khi 29% khác gọi đến công ty, thay mặt con mình phàn nàn.
Cuối năm 2023, các nền tảng mạng xã hội ở Hàn Quốc đã lan truyền bức ảnh chụp bài giảng ở trường Đại học. Trong đó, giảng viên chú thích Vui lòng thắc mắc trực tiếp, không thông qua bố mẹ. Hãy tin vào khả năng của bạn.
Các chuyên gia phân tích hiện tượng trên liên quan đến tỷ lệ sinh, khả năng độc lập muộn của thế hệ trẻ và nền kinh tế trì trệ.
Giáo sư xã hội học Huh Chang-deog ở Đại học Yeungnam (Daegu) cho rằng gia đình Hàn Quốc ngày nay thường chỉ có một đến hai con. Do đó, họ đầu tư tài chính, cảm xúc và năng lượng cho con cái nhiều hơn thế hệ trước.
"Tỷ lệ sinh giảm làm họ dồn tập trung vào con", ông nói. Từ đó, việc tiếp tục chăm sóc con cái trưởng thành đã trở thành hiện tượng xã hội ở Hàn Quốc.
Đồng thời, số lượng phụ huynh Hàn xem thành tích học tập và sự nghiệp của con cái là thành công của chính họ, cũng đã tăng lên.
Khảo sát của Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình năm 2023 cho thấy 58,9% phụ huynh tin thành công của con cũng được xem như của họ. Tỷ lệ này tăng so với mức 46,9% của năm 2020.
Giáo sư tâm lý học Kwak Keum-joo ở Đại học Seoul nói văn hóa gia đình cũng là yếu tố cốt lõi. Ở Hàn Quốc, gia đình thường đặt trên cá nhân, họ đặc biệt quan trọng việc con cái phải vâng lời bố mẹ. Điều này khiến việc phụ huynh can thiệp vào cuộc sống con cái không bị xem là vấn đề.
"Phụ huynh Hàn đã quen với việc có tiếng nói trong hầu hết các quyết định liên quan đến tương lai con họ", ông Kwak nói.
Do đó, những người trưởng thành sẽ "lớn" chậm hơn.
Ngọc Ngân (Theo Korea Herald)