Vài ngày nay, hơn 400 phụ huynh học sinh Tiểu học Dân lập Nguyễn Huệ đã tập trung tại trường với tâm trạng hoang mang, bức xúc trước thông báo giải thể của Ban giám hiệu. Thậm chí, những phụ huynh ngoại tỉnh, trái tuyến lại lo sợ con mình sẽ bơ vơ, không biết học ở đâu, bởi thời điểm này, hầu hết các trường đều tuyển sinh xong.
"Trong 10 phút gặp gỡ phụ huynh, trường thông báo, toàn bộ học sinh sẽ không được học bán trú, các cháu lớp 1 đến lớp 4 sẽ chuyển sang học trường Nguyễn Du. Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Huệ từ nay giải thể", một phụ huynh cho biết.
Sắp tới, đây sẽ là trụ sở của Tiểu học Nguyễn Du. Ảnh: Tiến Dũng. |
Theo nhiều phụ huynh, giải thể trường trong khi trẻ đang học là chuyện vô cùng hệ trọng, nhưng họ chỉ nhận được thông báo trước ngày khai giảng năm học chừng một tháng. Hơn nữa, trường cũng mới chỉ thông báo miệng chứ chưa có văn bản pháp lý nào đề cập tới sự việc này.
Ngày 21/7, Ban phụ huynh của trường làm đơn kiến nghị gửi UBND quận Hoàn Kiếm. Bản kiến nghị có một số nội dung chính như: cho các cháu lớp 1-4 hiện nay được học và bán trú tại địa điểm 11B Hàng Tre đến khi tốt nghiệp tiểu học. Mức học phí tối đa bằng mức do trường Nguyễn Huệ đang áp dụng, sĩ số học sinh mỗi lớp không vượt quá 40-50 cháu...
Sáng 22/7, tại buổi làm việc với báo chí và đại diện phụ huynh học sinh, Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm Đào Nguyệt Thu đã lý giải nguyên nhân giải thể Tiểu học dân lập Nguyễn Huệ. Theo Luật Giáo dục năm 2005, ở bậc phổ thông không còn mô hình dân lập, các trường có thể giải thể để chuyển sang tư thục hoặc công lập.
"Quỹ đất của quận rất thiếu, hiện còn 6 trường chung địa điểm: THCS Hoàn Kiếm - Tân Trào, THCS Trưng Vương - Nguyễn Du, Tiểu học Trưng Vương - Nguyễn Du. Quy định đến năm 2010, mỗi trường phải có một địa điểm riêng biệt đang làm 'đau đầu' chính quyền quận bởi thiếu quỹ đất. Do đó, việc giải thể trường Nguyễn Huệ, dành đất, cơ sở vật chất đầu tư thành trường công lập hoàn toàn phù hợp với sự phát triển giáo dục và quy hoạch mạng lưới của quận", bà Thu lý giải.
Theo bà Thu, quận Hoàn Kiếm đã thực hiện việc giải thể Tiểu học dân lập Nguyễn Huệ theo lộ trình chặt chẽ. Ngày 1/7, Chủ tịch UBND quận họp với đại diện cổ đông và Ban giám hiệu trường; Ngày 27/5, phòng đã thông báo, năm nay trường Nguyễn Huệ không tuyển sinh lớp 1 để chờ hướng dẫn của quận về giải thể.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm làm việc với đại diện phụ huynh và phóng viên sáng 22/7. Ảnh: Tiến Dũng. |
Nhằm giải quyết bức xúc của phụ huynh, Phòng Giáo dục Hoàn Kiếm đã đề xuất 3 phương án. Theo đó, những phụ huynh không có nhu cầu cho con học ở quận thì có thể rút học bạ. Những cháu có hộ khẩu ở quận, có nhu cầu học đúng tuyến, các trường trong quận sẽ có trách nhiệm tiếp nhận. Hoặc phụ huynh có thể tiếp tục cho con học tại cơ sở của Tiểu học Nguyễn Du ở địa điểm cũ của trường Nguyễn Huệ.
"Như vậy, chúng tôi giải quyết thỏa mãn tất cả nhu cầu của phụ huynh. Con em họ muốn học ở đâu chúng tôi cũng chấp nhận. Tất cả giáo viên trong độ tuổi lao động đang làm việc tại trường, nếu có nguyện vọng, đều được quận nhận về các trường trên địa bàn", bà Thu đưa ra hướng giải quyết cho học sinh và giáo viên của ngôi trường 10 năm tuổi này.
Tuy nhiên, theo bà Thu, thông tin giải thể trường Nguyễn Huệ vẫn đang được bàn tính và mới chỉ là kế hoạch của quận. "Quận đang báo cáo thành phố, khi nào được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền thì mới ra quyết định giải thể trường Nguyễn Huệ", bà Thu nói.
Hiện Tiểu học DL Nguyễn Huệ có 13 lớp với 415 học sinh. Sau khi giải thể, trừ một số học sinh chuyển đi, dự kiến từ 13 lớp sẽ còn lại 9 lớp, từ lớp 2 đến lớp 5. Học sinh có nhu cầu sẽ tiếp tục được học bán trú tại cơ sở ở 11B Hàng Tre. Sĩ số học sinh sẽ giữ ở mức 40 em một lớp. |
Trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Cao Bích Lan cũng cho biết, việc giải thể trường được triển khai khá nghiêm túc.
"Chúng tôi khẳng định, nếu học sinh không có hộ khẩu Hà Nội, vẫn tiếp tục được học tại trường, không để ảnh hưởng tới học tập của các cháu", bà Lan nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lan, quận Hoàn Kiếm hiện có 6 trường bán công và 3 trường dân lập (Văn Hiến, Nguyễn Hiền và Nguyễn Huệ). Sáu trường bán công và dân lập Nguyễn Hiền đã có chỉ đạo chuyển đổi mô hình. Riêng hai trường Văn Hiến và Nguyễn Huệ phải giải thể vì không đủ điều kiện chuyển sang tư thục.
Sau khi giải thể, trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường Nguyễn Huệ sẽ được mua lại, quận sẽ lập dự án đầu tư trang thiết bị để đầu tư nhằm đưa chất lượng của trường tốt hơn.
Tiến Dũng