Việt Nam đang trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Một tuần qua, 4 học sinh ở Bắc Giang phản vệ sau tiêm vaccine, một em tử vong; một học sinh ở Hà Nội và một bé trai 12 tuổi ở Bình Phước cũng mất sau một ngày tiêm. Các trường hợp này được hội đồng chuyên môn đánh giá là do phản vệ độ 4 (cơ thể phản ứng quá mức với vaccine).
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thanh Hoá ghi nhận hơn 120 học sinh nhập viện sau tiêm vaccine, có 17 em dấu hiệu nặng song hiện không nguy kịch.
Nhận thông tin con có lịch tiêm trong bối cảnh này, chị Phan Thu Trang ở Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội không khỏi do dự. Chị vốn hy vọng con được tiêm vaccine để có thể sớm trở lại trường, tránh tình trạng chơi điện tử nhiều hơn học trong quá trình học trực tuyến như hiện nay.
Tuy nhiên, những sự cố sau tiêm khiến chị thận trọng và bắt đầu tự tìm hiểu thông tin kỹ càng hơn. Nhưng càng đọc, chị càng thấy rối vì vấn đề đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao, chưa kể tình trạng nhiễu thông tin khiến chị không biết rõ nguồn tin nào mới thực sự chính xác.
Chị tìm đến bác sĩ tư vấn và được biết vaccine nào cũng có tỷ lệ sốc phản vệ nhất định. Là một người mẹ, tỷ lệ này dù nhỏ cũng khiến quyết định tiêm hay không tiêm cho con trở nên rất khó khăn với chị. Nhưng bác sĩ cho biết, nếu không tiêm, khi nhiễm Covid-19, người béo phì, mang bệnh nền có nguy cơ trở nặng. Con trai chị lại thuộc diện thừa cân. Cậu bé học lớp 7, cao 1,6 m nhưng nặng gần 70 kg.
Cuối cùng, vợ chồng chị Trang bàn bạc và thống nhất cho con tiêm để tránh dịch bệnh trước mắt. "Đồng ý cho con tiêm nhưng chúng tôi vẫn run. Không tiêm thì nguy cơ cao, còn tiêm lại sợ phản ứng", chị Trang nói.
Chị mong muốn được thông tin rõ ràng về lô vaccine sắp tiêm cho con, tình trạng, hạn sử dụng, những khuyến cáo. Bà mẹ này cho rằng phụ huynh nên được biết đầy đủ và sớm các thông tin về vaccine trước khi đăng ký để có thêm cơ sở cân nhắc.
Trước Hà Nội, TP HCM đã hoàn thành tiêm hai mũi vaccine cho học sinh 12-17 tuổi từ cuối tháng 11. Hiện Sở Y tế thành phố đang lên danh sách, đề xuất Bộ Y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn.
Có con gái học lớp 6, sắp tiêm, chị Phan Thị Hà, ngụ quận 1 cho rằng, quy trình tiêm vaccine cho học sinh cần nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Theo đó, chị mong các em được khám sàng lọc kỹ lưỡng nhằm phát hiện kịp thời các vấn đề về sức khỏe có khả năng tác động đến quá trình tiêm. Với những trường hợp nghi ngờ, cần dừng tiêm hoặc chuyển các em lên bệnh viện lớn hoặc trung tâm tiêm chủng có uy tín.
"Các cháu còn nhỏ, chưa có ý thức tự nhận biết các triệu chứng hay dấu hiệu bất thường sau tiêm nên cần có chế độ chăm sóc, tái khám đặc biệt để phát hiện nguy cơ trong những ngày đầu", phụ huynh này đề xuất.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuyên, ngụ TP Biên Hoà, Đồng Nai cũng băn khoăn khi con gái lớp 9 sắp được tiêm vaccine mũi 2.
Sau sự cố ở Bắc Giang, Hà Nội, Bình Phước, Thanh Hoá, người cha đề xuất ngành y tế và giáo dục cần đánh giá lại công tác tiêm chủng cho trẻ. Trong đó, quy trình bảo quản, hạn sử dụng của vaccine cần được rà soát và công khai.
"Tôi vẫn cho con tiêm bởi đây là biện pháp tối ưu để phòng bệnh nhưng chúng ta nên có thêm thời gian để rà soát quy trình tiêm vaccine cho trẻ trên cả nước. Trong thời gian chờ đợi kết quả đánh giá, các địa phương chưa tiêm nên hoãn lại kế hoạch, những nơi chờ tiêm mũi 2 cũng cần gia hạn thêm một số ngày", ông Tuyên đề xuất.
Trước các sự cố tiêm chủng cho trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ, ngày 2/12, chỉ đạo rà soát lại việc bảo quản, tổ chức tiêm vaccine, tiến hành thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra.
Ông cũng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất vaccine trong nước và nhập khẩu vaccine, tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả... Thủ tướng lưu ý tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, quyết định để kiểm soát dịch.
Những phụ huynh chưa cho con tiêm vaccine - dù là vì do dự hay các nguyên nhân khách quan như con thuộc nhóm nguy cơ cao, bị bệnh nền - đều có chung băn khoăn: liệu các học sinh chưa tiêm có được đảm bảo quyền học tập như các bạn đã tiêm hay không.
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM khẳng định, quyền lợi học tập của học sinh vẫn được đảm bảo. Nhà trường sẽ coi các em là nhóm học sinh cần được hỗ trợ đặc biệt. Hiện, trong kế hoạch mở cửa trường của các địa phương, ngành giáo dục đều yêu cầu có phương án để không làm gián đoạn việc học của các em, không tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục.
Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận cũng khẳng định: "Nếu phụ huynh lo ngại, chưa cho con tiêm đợt này thì quyền lợi học tập của các em vẫn đảm bảo". Nếu có bất cứ ý kiến, đề xuất nào của phụ huynh liên quan đến vaccine cho học sinh, ngành giáo dục sẽ làm việc với ngành y tế để giải đáp, tư vấn kỹ lưỡng.
Đến nay, 34 tỉnh thành đã tiêm vaccine Pfizer cho hơn 3,5 triệu trẻ 12-17 tuổi. Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm là 0,3%, với các triệu chứng sưng đau vết tiêm, đau tay, mỏi cơ, sốt.