Tại Hội thảo trực tuyến "Định hướng sớm ngành nghề và phương pháp học bứt tốc ngay từ lớp 10" của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, chuyên gia giáo dục của đơn vị - ông Vũ Khắc Ngọc, chia sẻ cha mẹ có thể định hướng nghề nghiệp cho con ngay khi vào lớp 10 dựa trên 4 căn cứ cơ bản. Đồng thời, xây dựng kế hoạch học tập tốt để con đường theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp vững chắc hơn.

ông Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa học kiêm chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của Hocmai.vn.
4 căn cứ khi định hướng nghề nghiệp
4 căn cứ khi định hướng nghề nghiệp
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, cha mẹ nên định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho con dựa vào 4 căn cứ: thực tiễn hiện tại; xu hướng phát triển của xã hội; nguồn lực gia đình; khả năng, sở thích của con.
4 căn cứ này đều quan trọng và có ưu, nhược điểm riêng, tùy thuộc vào quan điểm, hoàn cảnh gia đình. Do đó, phụ huynh nên vạch rõ lợi ích và hạn chế nhằm một cách khách quan về nghề nghiệp đã chọn để tư vấn cho con.
Căn cứ chọn nghề thứ nhất - thực tiễn hiện tại có ưu điểm là nhận thấy rõ lợi ích của nghề nghiệp nhưng có hạn chế là dễ bị ngộ nhận, phiến diện. Nếu chỉ nhìn nhận mỗi hiện tại, phụ huynh có thể không thấy xu hướng phát triển nghề tương lai, đánh mất nhiều cơ hội của con.
Theo thầy Ngọc, các ngành nghề như ngân hàng, chứng khoán, công an, quân đội, y - dược... là những nghề có thu nhập tốt, ổn định, có địa vị. Đây là vấn đề thực tế thường thấy, có động lực về lợi ích rõ ràng. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thực tiễn bên ngoài, phụ huynh sẽ dễ vấp phải hạn chế kể trên. Ví dụ, thu nhập của nhân viên ngành chứng khoán có những giai đoạn rất cao nhưng chỉ mang tính chất thời điểm, vài năm hoặc một khoảng thời gian nhất định. "Đa phần tâm lý phụ huynh không muốn con theo học các ngành nông nghiệp. Đây là cách nhìn lỗi thời vì công nghệ và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, các ngành nông nghiệp công nghệ cao sẽ có những bước tiến đổi mới trong tương lai", ông nói thêm.
Căn cứ chọn nghề thứ hai - theo xu hướng phát triển của xã hội, chỉ tốt nếu dự báo của phụ huynh đúng và phù hợp với khả năng của con. Tuy nhiên, thầy giáo khẳng định khả năng dự đoán đúng của phụ huynh không phải tuyệt đối. Xã hội luôn vận động và phát triển, có nhiều ngành nghề mới phát sinh nhưng cũng có nhiều ngành nghề sẽ mất đi, ví dụ như công cụ tra cứu đường đi - bản đồ giấy của 10 năm trước đã bị thay thế bởi Google Maps.
Căn cứ chọn nghề thứ ba là dựa vào nguồn lực gia đình. Đây là một trong những căn cứ có nhiều ưu điểm. Nếu có đủ trải nghiệm và hiểu về ngành nghề đang tư vấn, cha mẹ có thể định hướng, đưa ra lời khuyên tốt và phù hợp cho con. Bên cạnh đó, nguồn lực gia đình gồm nhiều yếu tố như tài chính, các mối quan hệ, điều kiện... Ví dụ, nếu học sinh mong muốn theo ngành Y, cha mẹ nên cân nhắc nguồn lực tài chính để làm chỗ dựa, hậu thuẫn tốt nhất cho con; nếu gia đình kinh doanh riêng, cha mẹ có thể hướng con học các ngành nghề liên quan để tiếp quản.
Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, căn cứ về nguồn lực gia đình cũng có những hạn chế như mang tính áp đặt cao, cách nhìn nhận của phụ huynh quá thận trọng, quan điểm thường đại diện cho các giá trị cũ, do đó sẽ khiến các con dễ phản kháng.
Cuối cùng, việc chọn nghề dựa vào khả năng sở thích của con cũng đòi hỏi phụ huynh phải hiểu được khả năng, phẩm chất của học sinh. Các em cũng phải hiểu rõ năng lực và sở thích của bản thân. "Nếu thích ngành nghề công nghệ thông tin nhưng khả năng của con không học tốt các môn khoa học tự nhiên thì ngành này không phù hợp", thầy Ngọc tư vấn thêm.
Xây dựng kế hoạch học tập
Theo thầy Ngọc, việc xây dựng kế hoạch, lộ trình học tập sớm cho con rất quan trọng vì kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học mỗi năm đều có nhiều biến động dựa vào bối cảnh xã hội thực tại.
Hiện, các trường đại học hàng đầu cả nước đều có các phương thức tuyển sinh tự chủ khác nhau. Ngoài việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường còn căn cứ theo kết quả kỳ thi riêng đánh giá năng lực, xét tuyển tài năng, tuyển thẳng hoặc cộng điểm nếu thí sinh từng đạt học sinh giỏi cấp thành phố, tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Trong đó, Đại học Ngoại thương có 6 phương thức tuyển sinh, Đại học Bách khoa có 3 phương thức. Do đó, việc lập sớm kế hoạch và lộ trình học tập ngay từ lớp 10 sẽ giúp các em dễ đạt mục tiêu vào đại học hơn, thay vì bước vào lớp 12 mới bắt đầu chuẩn bị.
Thầy Ngọc nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung trong phạm vi kiến thức lớp 12 nên học sinh thường có tâm lý chểnh mảng, không chú trọng đến kiến thức lớp 10, 11. Tuy nhiên, lớp 10 là thời điểm quan trọng. Năm học này mang tính bước ngoặt lớn về chuyển đổi tâm sinh lý và là nền tảng để học tốt các năm tiếp theo.

Phụ huynh nên hướng nghiệp cho con từ sớm.
Về mặt tâm sinh lý, giai đoạn bước vào 10, đa phần các con đang trong độ tuổi dậy thì, thường bộc lộ cá tính, cái tôi cá nhân nhiều hơn, ít lắng nghe và chia sẻ với cha mẹ. Đồng thời, kiến thức cấp ba có phần mang tính hàn lâm, khó, đa dạng, phụ huynh không thể theo sát con như ở bậc Tiểu học, THCS. Bước vào lớp 10, nếu không có kế hoạch học tập tốt ngay từ đầu, học sinh sẽ dễ mất nền tảng kiến thức.
Việc học tốt ngay từ lớp 10 sẽ giúp các em tự tin chinh phục các kỳ thi đánh giá năng lực của nhiều trường đại học hàng đầu cả nước. Những kỳ thi này bao quát kiến thức cả ba năm học phổ thông. Học sinh cũng có thể rèn luyện, phát huy năng khiếu, xây dựng học bạ tốt nhằm mở ra nhiều cơ hội ngành nghề cho bản thân.
Phụ huynh và học sinh có thể tham khảo phương pháp xây dựng lộ trình học tại chương trình Học tốt 10 của HOCMAI.
Thiên Minh
Ảnh: HOCMAI