Mấy ngày qua, cái chết thương tâm của em Quách Gia Phú, lớp 6 trường THCS Trần Quang Khải, quận Tân Phú, TP HCM do bị đuối nước trong giờ học bơi của trường làm nhiều người xót xa. Các học sinh chung lớp cho biết, khi thấy Phú nằm dưới hồ bơi quá lâu, một em đã hô hoán thầy cô xuống cứu. Tuy nhiên, lúc này nạn nhân đã tử vong.
"Trước giờ cứ tưởng tai nạn xảy ra ở đâu xa lắm. Lần này mới thấy ngay trong chính môi trường giáo dục tưởng là an toàn nhất hóa ra lại không phải vậy", chị Loan, một phụ huynh thở dài khi nghe tin người bạn học cùng khối với con mình qua đời hôm 6/3.
Chị Loan (39 tuổi) cho biết, từ khi con gái vào lớp 6, thầy cô bắt đầu cho học môn bơi lội. Con chị chưa biết bơi nên được xếp vào lớp "vỡ lòng". Đến nay bé đã có thể bơi một số kiểu cơ bản. Chị định mùa hè năm nay sẽ đăng ký cho con học bơi tiếp. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin về vụ tai nạn trên, hai vợ chồng thống nhất không cho con đi học bơi nữa.
"Tai bay vạ gió mình không thể ngờ được. Với lại mỗi lớp có đến 20 học sinh mà chỉ có một giáo viên làm sao theo dõi chặt chẽ. Nếu tụi nhỏ vô tình bị trượt chân đuối nước thì thầy cô trở tay không kịp", bà mẹ lo lắng.
Trước đó 3 tháng, một vụ tai nạn đuối nước xảy ra với 7 nam sinh của THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bình Dương, khi đi tắm biển cùng nhà trường. Các em này nằm trong số 96 học sinh có thành tích học tập tốt nên được nhà trường tuyển chọn đi tham quan chiến khu Rừng Sác kết hợp vui chơi tắm biển.
Cũng có con gái học lớp 6, anh Vũ Tùng (quận 9, TP HCM) không khỏi lo lắng khi hàng tuần bé vẫn phải học thể dục thể chất với môn bắt buộc là bơi lội. Theo quan sát của anh Tùng, mặc dù theo lý thuyết, khi trẻ tập bơi cần có áo phao hoặc dụng cụ bảo hộ, thế nhưng anh ít thấy các cháu trong lớp của con sử dụng khi xuống hồ. "Có thể do thầy cô không dặn dò hoặc do các em còn nhỏ chưa ý thức được sự nguy hiểm. Giá như mỗi lớp có nhiều thầy cô thì sẽ quản lý tốt hơn".
Bé Quỳnh, con anh Tùng vẫn còn nhớ một lần đi học cùng với lớp, em trượt chân xuống hồ bơi chìm nghỉm suýt chết. "Khi bị trượt chân, em quờ quạng mãi, uống cả mấy ngụm nước dưới hồ. May mà mấy đứa bạn kéo lên chứ thầy lúc đó đang bận dạy kèm cho các bạn yếu nên không để ý", cô bé 12 tuổi thuật lại.
Thầy Trần Văn Hoàng, giáo viên dạy bơi tại một trường cấp 2, quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ tai nạn gây tử vong ở trẻ Việt Nam, chiếm đến trên 50%. Vì vậy, vài năm trở lại đây, ngành giáo dục xác định việc trang bị kỹ năng bơi và chống đuối nước cho trẻ là nhiệm vụ cấp thiết cần được thực hiện rộng rãi.
Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế còn nhiều bất cập, đặt biệt là vấn đề an toàn khi bơi vẫn chưa được chú trọng. "Đa phần các trường chưa được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu hộ, dụng cụ bơi an toàn và cơ sở vật chất đáp ứng cho môn học bơi, nguyên nhân một phần vì không có kinh phí. Một số trường lại thiếu giáo viên bơi lội, một lớp học gần 30 em mới có một giáo viên nên việc quản lý không xuể được", thầy giáo chia sẻ.
Theo các chuyên gia bơi lội, trẻ nhỏ vừa yếu về thể chất vừa yếu về tâm lý nên dễ gặp nguy hiểm, nếu gặp nạn thì dễ hoảng loạn, hành động loạn xạ, nhanh mất sức làm tình huống trầm trọng hơn.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-bơi (Hà Nội) cho biết, trẻ nhỏ rất hiếu động, đặc biệt khi xuống nước nô đùa, học bơi. Các em ít chịu lắng nghe lời dặn dò trước, dễ quên các quy định an toàn nên người lớn rất khó quản lý, theo dõi đặc biệt khi lớp đông mà số giáo viên ít.
Theo ông, để tổ chức học bơi an toàn cho trẻ nhỏ nên chú ý những điểm sau:
- Tìm một bể bơi có độ an toàn cao cho trẻ: Đường đi lại trong khu bể bơi rộng, không trơn trượt. Có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, có bằng cấp với đầy đủ thiết bị cứu hộ (phao, sào, tủ thuốc cấp cứu). Luôn có đông cứu hộ trực trong suốt thời gian bể bơi mở cửa. Có thể lắp thêm camera để theo dõi hoạt động của người bơi. Tùy theo lứa tuổi, chiều cao để khoanh vùng nước cho trẻ tập trong những vùng nước sâu vừa đủ (dùng dây phao, cắm cọc, căng dây) khó để xảy ra đuối nước. Với trẻ tiểu học thì chỉ nên tập bơi ở nơi mực nước là từ 0,6 m đến 1 m.
- Cần khảo sát, phân loại trẻ theo chiều cao, thể lực, tính sợ nước, ưa nước, tính hiểu động để dễ theo dõi quản lý. Cần xem xét thời tiết, gió mưa, nhiệt độ nước... kiểm tra sức khỏe các em trước khi cho đi bơi, xuống nước.
- Nếu có lực lượng cứu hộ tốt hỗ trợ, một lớp bơi chỉ nên có tối đa 20 em với 2-3 giáo viên. Lớp đông hơn thì dù có nhiều giáo viên hơn cũng rất khó quản lý. Lúc này phải phân vùng tập và phân người quản lý nhóm.
- Trong khi cho trẻ học bơi, cần chú ý phát hiện các biểu hiện cảm lạnh, mệt mỏi để đưa học sinh lên bờ; quản lý chặt những trẻ hiếu động, gây rối.
- Mỗi khi tới bể dạy bơi, giáo viên luôn sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất.
Thi Trân - Minh Thùy