Đây là kết quả điều tra bổ sung của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La sau một tháng bị TAND tỉnh trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ trong vụ án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018.
Tại bản kết luận điều tra bổ sung ra ngày 15/11, cơ quan điều tra chủ yếu làm rõ về nguồn gốc khoản tiền và hành vi thỏa thuận nhận tiền của các bị can. Cụ thể, bị can Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo) khai nhận của bà Trường 300 triệu đồng để nâng điểm cho con trai bà Trường, sau đó đã trả lại.
Tại phiên tòa sơ thẩm mở giữa tháng 10, bà Trường thừa nhận điều này song quá trình điều tra bổ sung lại thay đổi lời khai, cho rằng chỉ nhờ xem điểm, không hứa hẹn vật chất. Tuy nhiên, khi điều tra bổ sung, công an xác định bà Trường nhờ nâng điểm cho con trai, đưa trước cho ông Huynh 300 triệu đồng. Qua đó, con trai bà Trường được nâng 11,3 điểm cho ba môn.
Bà Trường là người duy nhất bị khởi tố về hành vi Đưa hối lộ trong vụ án này. Một số trường hợp khác, cơ quan điều tra cho rằng "chưa đủ căn cứ" để xử lý. Bị can Huynh trước đó khai nhận một tỷ đồng của ông Nguyễn Minh Khoa (cựu Phó phòng an ninh chính trị nội bộ Công an Sơn La) và thỏa thuận nhận 1,1 tỷ đồng song chưa cầm. Tuy nhiên, tại giai đoạn điều tra bổ sung, ông Huynh thay đổi lời khai, cho rằng không hứa hẹn vật chất khi nâng điểm giúp cho các thí sinh mà ông Khoa nhờ. Số tiền một tỷ đồng đã nhận cũng không liên quan việc sửa điểm thi.
Ông Khoa cũng giữ nguyên lời khai ban đầu cho rằng chỉ đưa danh sách ba thí sinh nhờ Huynh xem điểm, không đưa tiền và hứa hẹn vật chất. Cơ quan điều tra vì thế cho rằng "chưa có đủ căn cứ quy kết về hành vi đưa, nhận hối lộ giữa ông Khoa và bị can Huynh".
Tương tự, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) khai đã nhận danh sách bốn thí sinh và hơn một tỷ đồng từ một phụ huynh. Tuy nhiên lần điều tra này, bà Nga thay đổi lời khai cho rằng không trao đổi gì với vị phụ huynh về "giá sửa điểm thi"
Giữ nguyên lời khai như trước đây, bị can Đặng Hữu Thủy (hiệu phó trường THPT Tô Hiệu) nói có nhận 770 triệu đồng của 4 phụ huynh để nâng điểm cho 4 thí sinh, Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng) nhận 400 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh.
Ngược lại với lời khai của ba bị can trên, các phụ huynh đều cho rằng không hứa hẹn, không đưa tiền để sửa điểm, chỉ "nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm".
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ. Tuy nhiên ngoài lời khai của các bị can, không có tài liệu nào khác nên không đủ căn cứ để quy kết.
Liên quan vụ án, cơ quan điều tra giữ nguyên nội dung cáo buộc với bị can Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) cùng hai cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La là Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng.
Ông Yến bị đánh giá lợi dụng chức vụ được giao đưa danh sách 13 thí sinh, nhờ nâng điểm. Ông khai báo không thành khẩn, quanh co, bao biện cho hành vi phạm tội.
8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, gồm: Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo), Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La, Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), Đặng Hữu Thuỷ (hiệu phó trường THPT Tô Hiệu).
Lò Thị Trường bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ. Riêng bị can Huynh bị đề nghị truy tố thêm về tội Nhận hối lộ.