Hôm 10/2, khi trẻ tiểu học và lớp sáu ở ngoại thành Hà Nội được đến trường sau chín tháng ở nhà, chị Vũ Thanh Mai, quận Hà Đông, khấp khởi mừng. Do đó, lúc được cô chủ nhiệm thông báo các con đi học, bà mẹ hai con cảm thấy nhẹ nhõm.
"Tôi đã rất mong con được đi học trực tiếp vì học online thiếu hiệu quả; đồng thời muốn con được hoạt động, gặp gỡ cô giáo cùng bạn bè. Hai con cũng đang trong độ tuổi cần sự tương tác, vận động để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần", chị Mai nói, tính sang tuần nhờ bà ngoại xuống đưa đón con giúp.
Thế nhưng những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội liên tục ở mức trên dưới 4.000, trong đó không ít là học sinh, giáo viên. Nhiều lớp, số em trở thành F0, F1 chiếm hai phần ba sau khi trở lại học trực tiếp. Tình hình đó khiến chị Mai dao động, nhất là khi con chị chưa được tiêm vaccine.
Chị Mai cho hay, cô giáo thông báo trường sẽ có hai hình thức đón học sinh. Những gia đình nào cho con học trực tiếp sẽ đến trường học cùng giáo viên chủ nhiệm. Trong khi đó, nhà nào vẫn muốn học online sẽ phải viết đơn, trường sẽ bố trí lớp trực tuyến và giáo viên phụ trách. "Đã chuẩn bị tinh thần nhưng gần đến ngày con đi học, tôi lại lăn tăn. Giờ tôi lại muốn con học online cho an toàn, chờ qua thời điểm này", chị Mai nói.
Cũng giống chị Mai, chị Nguyễn Hồng Hạnh ở quận Bắc Từ Liêm chưa muốn con đến trường. Chị Hạnh cho hay, phụ huynh đang biểu quyết về việc đi học lại. Con trai lớn của chị Hạnh học lớp năm, trường tư thực, với sĩ số 31 bạn, còn con gái học lớp một trường công, có 45 bạn. Kết quả biểu quyết cho thấy, ở mỗi lớp, số phụ huynh đồng ý cho học trực tiếp chỉ khoảng ba người.
Chị vừa gửi đơn để kịp gửi cho trường con gái vào sáng thứ sáu (18/2) và đang đợi kết quả biểu quyết của trường con trai.
Trên nhiều diễn đàn, phụ huynh cũng bày tỏ sự bất an trước việc cho học sinh trở lại trường. Hầu hết các ý kiến cho rằng khi số ca nhiễm đang tăng nhanh, trẻ nhiễm bệnh có thể để lại di chứng lâu dài.
Nhiều trường học đã nhận được phản ánh về tâm lý e ngại, chưa muốn cho con đến trường của phụ huynh.
Ngày 15/2, trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, tiến hành khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh. Kết quả, hơn 50% đồng ý. Nếu xét từng lớp, phụ huynh khối 4, 5 có tỷ lệ đồng thuận cao hơn, khoảng 70-80%, nhưng ở khối 1-2, có lớp chỉ 30% muốn con học trực tiếp.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà ghi nhận nhiều băn khoăn, lo lắng từ phía phụ huynh, nhất là khi thời điểm học trực tiếp chỉ còn cách hai ngày. Bà Hà cho biết trường trấn an phụ huynh bằng hành động, thể hiện ở việc chuẩn bị mọi kịch bản và làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Theo thống kê của trường đến 17/2, số lượng F0 ở học sinh là 12 trên tổng số 1.500 em, giáo viên là bốn, trong đó ba người đã âm tính lần một.
Lường trước việc gần như lớp nào cũng sẽ có một số lượng nhất định học sinh ở nhà, bà Hà yêu cầu giáo viên luôn mang máy tính xách tay đến trường. Các thầy cô đứng lớp dạy trực tiếp, đồng thời sử dụng Zoom hoặc Office 365 để livestream bài giảng cho những em học trực tuyến. Để tránh cho học sinh ở nhà khó nhìn chữ viết trên bảng, trường Khương Thượng đã liên lạc với đơn vị cung cấp mạng, kéo đường dây đến từng lớp để đảm bảo đường truyền ổn định, tốc độ cao. Trường vẫn tận dụng Zalo và các phần mềm giao bài tập như Azota để theo dõi, đánh giá học sinh học trực tuyến.
Trong trường hợp vài lớp có số học sinh đến trường quá ít, bà Hà cũng tính gộp lớp dạy trực tiếp, những em ở nhà cũng được lập một lớp mới để học trực tuyến. Tuy nhiên, bà đánh giá "việc này cần thận trọng, hạn chế", chỉ nên làm khi lớp gộp trực tiếp có sĩ số tối đa 15, bởi việc này có thể vô tình làm phức tạp lịch sử dịch tễ nếu không may có học sinh F0.
"Trước mắt, trường sẽ theo dõi kết quả học trực tiếp trong hai ngày 21 và 22, sau đó sẽ tiếp tục điều chỉnh các phương pháp phòng, chống dịch cùng các hình thức dạy kết hợp cho phù hợp. Chúng ta đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, tôi mong giáo viên và phụ huynh đều cố gắng", bà Hà bày tỏ.
Trong thư ngỏ "Đến trường hay tiếp tục ở nhà" gửi phụ huynh ngày 18/2, hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang của trường Marie Cuire cho biết những ngày gần đây, ông nhận được ý kiến của một số gia đình, đề nghị cho con tiếp tục ở nhà vì lo lắng dịch bệnh phức tạp.
Ông Khang cho biết, từ 10/2 khi cho học sinh lớp 7-12 học trực tiếp, trường ghi nhận nhiều F0 là học sinh, giáo viên. Nhưng với nguyên tắc "dương tính ở nhà, âm tính đến trường", số lượng học trực tiếp thời gian qua vẫn "trên dưới 90%" và là "con số đáng mừng".
Ông dẫn lại nhận định của các chuyên gia y tế về khả năng đề kháng của trẻ tốt hơn người lớn. Trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine nhưng các gia đình vẫn có thể yên tâm cho con đến trường, nhất là khi chính phủ đã có chủ trương tiêm phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi trong quý một và hai năm nay.
"Hiện nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa... cũng đã trở lại bình thường. Do vậy, các con được đến trường vẫn tốt hơn là ở nhà", ông Khang bày tỏ trong tâm thư.
Ở góc độ phụ huynh chị Hạnh chia sẻ: "Tôi không yên tâm vì lo lây bệnh và lớp có F0 lại nghỉ ở nhà. Nhiều người quen của tôi có con đi học trực tiếp vài hôm thành F0, F1 lại học online, như thế chất lượng còn không bằng cứ học trực tuyến. Tôi muốn chờ khi nào tiêm vaccine hoặc qua đỉnh dịch", chị Hạnh giải thích.
Hiệu trưởng một trường tiểu học quận Ba Đình nhận định, thời điểm này, phụ huynh và nhà trường đều gặp khó khăn và áp lực khi cho trẻ trở lại trường. Dù vậy, cả hai phía đều chung mong mỏi đảm bảo an toàn cho các em và mang đến chất lượng giảng dạy tốt nhất có thể. "Dù vất vả, chúng ta phải thích nghi, chứ không thì biết bao giờ trẻ mới được đến trường", vị này bày tỏ.
Thanh Hằng - Bình Minh