Suốt vài tuần nay, một trong những việc khiến chị Nguyễn Thanh Hằng, 34 tuổi, ở Văn Lâm, Hưng Yên phải "điên đầu" là nghĩ "chiêu" đối phó với căn bệnh chán học bài của con.
Cũng giống như học sinh của các tỉnh thành trên cả nước, bé Thanh - con gái chị được cho nghỉ học để đề phòng nguy cơ lây nhiễm nCoV. Lo học sinh rơi rụng kiến thức vì kỳ nghỉ sau nghỉ Tết quá dài, giáo viên chủ nhiệm lớp bé Thanh lập một nhóm zalo, gửi bài vở, hướng dẫn bố mẹ dạy con học ở nhà. Cô giáo dặn mỗi ngày phải cho con học ít nhất một tiếng, ôn luyện chủ yếu là môn Toán, môn Văn và tiếng Anh.
"Mấy hôm liền, cứ ăn tối xong là con kêu mệt. Hôm đầu tôi còn lo lắng, nhưng vài hôm sau là biết tỏng chị ta lười. Bắt ngồi học, thì nó lăn ra khóc", chị Hằng kể. Bực mình, chị đưa cho con hai lựa chọn, hoặc vào bàn học, hoặc ra cửa đứng. "Con chọn ra cửa đứng", con bé đáp gọn lỏn khiến bà mẹ "chết lặng".
Chị đành xuống nước, treo thưởng 30 phút chơi điện thoại nếu bé Thanh chịu học bài. Đây là việc làm phá vỡ nguyên tắc "buổi tối không điện thoại" mà chị đặt ra cho con.
Buổi học bắt đầu. Chị lấy ra đề toán, bảo con làm bài. Vừa quay đi vài phút, bà mẹ đã thấy con lén lút lấy điện thoại, mở phần mềm máy tính ra bấm bấm. Sang bài tập làm văn, "cô giáo tại gia" yêu cầu con viết đoạn văn ngắn tả bạn thân, bé Thanh liền đáp "con nghỉ lâu nên quên mất mặt bạn thế nào rồi, làm sao mà tả được".
"Mỗi lần dạy con học, tôi như quả bom chỉ chờ phát nổ", chị Hằng nói.
Do lo ngại dịch Covid-19 bùng phát, sau đợt nghỉ Tết nguyên đán, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cả nước được cho nghỉ học. Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành, xem xét cho học sinh đi học trở lại vào 2/3, nếu kiểm soát tốt được dịch bệnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc và một số quốc gia, việc kiểm soát, cách ly người đã đi qua vùng dịch trở về Việt Nam khó khăn hơn nên đến chiều 29/2, 63 tỉnh, thành cho trẻ mầm non, tiểu học và THCS nghỉ thêm 1-2 tuần; học sinh THPT nghỉ hết 1/3, hoặc 8/3, riêng TP HCM nghỉ tới 15/3.
Tin chắc con sẽ chưa thể đến trường, nên cách đây hai tuần chị Trần Hồng Hạnh, 37 tuổi, ở Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng đã phải cầu cứu mẹ đẻ đang ở quê. Đang nuôi con gái 15 tháng tuổi, lại phải quản lý cậu con trai lớp 5, chị Hạnh gần như kiệt sức.
Bé Quân, con trai chị Hạnh xung phong học buổi chiều, khi bố vắng nhà và mẹ bận cho em đi ngủ. Thấy con tự giác ôm sách vở vào phòng riêng học bài, chị khá yên tâm. Nhưng chỉ vài ngày sau, khi đang ru con gái ngủ, chị nghe thấy tiếng om sòm phát ra từ phòng con lớn. Chị đẩy cửa vào thì thấy bé Quân đang đeo tai nghe, ôm máy tính chơi điện tử, tay bấm, miệng hò hét.
Không chỉ việc học, con trai chị Hạnh cũng bướng bỉnh và nghĩ đủ các chiêu trò để không phải nghe lời mẹ. Ngại tắm, bé sẽ lấy lý do không ra ngoài nên không cần tắm. Nhưng khi bố mẹ bảo ra ngoài chơi cho thoáng, Quân sẽ nói "cô dặn con không nên ra ngoài vì dễ bị lây dịch bệnh".
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thương, 37 tuổi, ở Minh Khai, Hà Nội. Có hai con trai, một lớp 5, một lớp 7, ngày nào chị cũng phải la lối mới kéo được con vào bàn. Ngay khi cô giáo giao bài tập về nhà, chị đều in ra cho các con làm, nhưng hai bé không tập trung.
Một hôm, đến ngày nộp bài cho cô, con trai lớn của chị mới cuống quýt làm, thì nhầm đề. Bị mẹ mắng, thằng bé ngồi khóc, cậu thứ hai xoa dịu tình hình, bảo mẹ xuống ăn cơm, hai anh em sẽ tự học. Bực mình, chị quát "không ăn uống gì cả", làm cậu bé òa khóc theo vì "sợ mẹ đói tụt huyết áp". "Thằng anh thấy em nói thế cũng quay ra xin lỗi mẹ, rồi ngồi vào bàn. Vừa bực lại vừa thương", chị Kim Thương kể.
Thế nhưng, những ngày sau, chưa đến hạn nộp bài cho cô, hai đứa trẻ lại "ngựa quen đường cũ".
Mặc dù phải vật lộn dạy con học tại nhà nhưng các phụ huynh đều không yên tâm để trẻ trở lại trường thời điểm này. Trong thăm dò "Có nên cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm 2 tuần" trên VnExpress hôm 28/2, 48.330 phiếu (chiếm 85%) chọn "có", trong tổng số 56.771 phiếu bình chọn.
Một tuần nay, ngày nào chị Nguyễn Thanh Hằng cũng gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm, nhờ nói chuyện với con. Thay vì chỉ gửi đề bài, cô giáo sẽ giao hẹn thời gian nộp bài và chấm điểm cho các con trong lớp. Nhờ vậy, ý thức tự giác của bé Thanh bắt đầu tốt lên.
Về phần chị Trần Hồng Hạnh, có mẹ đẻ lên phụ giúp, chị dành nhiều thời gian sát sao với con trai lớn hơn. Để hạn chế con chơi điện tử, chị đổi lại mật khẩu điện thoại, máy tính, mang theo điều khiển ti vi khi vào phòng ngủ. Những lúc muốn phát khùng, vợ chồng chị lại "đổi ca" dạy bé Quân học bài.
"Trẻ tiểu học ý thức vệ sinh kém lắm. Ở nhà mẹ bảo tắm còn lười, thì biết gì mà phòng dịch. Ở nhà vẫn tốt hơn", chị Hạnh nói.
Chị Kim Thương cũng vào nhóm chat của phụ huynh và giáo viên ở lớp các con để xin lời khuyên. Sau gần một tháng dạy con học, chị tự nhận thần kinh đã vững hơn để sẵn sàng cho những ngày nghỉ sắp tới.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội về trẻ em mà chị tham gia, phụ huynh đang "than vãn ỏm tỏi" vì con lười học.
Tiến sĩ Hương cho rằng, ngành giáo dục cần xây dựng các kịch bản khác nhau về tình hình dịch bệnh và giải pháp ứng phó với các kịch bản đó, để giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh, chỉ cần theo dõi diễn biến dịch bệnh, có thể biết mình cần làm gì. "Một khi đã có kịch bản, phụ huynh và giáo viên không còn phải thấp thỏm, thụ động đợi quyết định của Bộ Giáo dục nữa", chị Hương nói.
Khi chưa có giải pháp nào cụ thể, theo tiến sĩ Hương, phụ huynh cần kết hợp chặt chẽ với giáo viên, nhà trường. Trẻ có thể không nghe lời bố mẹ, nhưng khi thầy cô nhắc nhở, các bé sẽ nghe lời.
Ngoài ra, bố mẹ cần tự trang bị cho mình kỹ năng cần thiết để hướng dẫn con học bài, cách phòng tránh dịch bệnh và các kỹ năng làm việc nhà. Phụ huynh cũng nên dành thời gian đưa con ra ngoài rèn luyện sức khỏe, giúp con thoải mái tinh thần hơn, thay vì chỉ để bé trong nhà. "Cần xây dựng thời gian biểu cụ thể và đưa ra luật lệ, thưởng phạt rõ ràng để con tuân thủ", tiến sĩ Hương nói.
Phạm Nga