Mỗi ngày, con trai Sun, học lớp 4 ở Thượng Hải, phải học trực tuyến từ 8h50 sáng đến 5h chiều. Ngày đầu tiên học online, Sun xin nghỉ ở nhà giám sát việc học của con. Sau khi dạy con trai các thao tác công nghệ cơ bản, anh nhờ ông bà ở nhà quản lý.
Sun kể mỗi tiết học của con trai kéo dài 40 phút, chia làm 2 phần. Ở phần 1, học sinh sẽ tập trung lắng nghe bài giảng trực tuyến, sau đó chuyển sang tương tác với giáo viên bộ môn. Chỗ nào trong bài giảng chưa hiểu, học sinh có thể đặt câu hỏi để giáo viên giải thích ở phần 2. Tiết học được tổ chức trên phần mềm giao tiếp trực tuyến DingTalk, được xây dựng bởi tập đoàn Alibaba.
Những phụ huynh có con nhỏ như Sun được yêu cầu đăng ký tài khoản DingTalk liên kết với số điện thoại cá nhân thay con. Mỗi ngày, họ bị "nhấn chìm" trong thông báo của giáo viên về lịch học, hạn nộp bài tập về nhà hoặc những yêu cầu khác. "Tai tôi liên tục bị tra tấn bởi những tiếng ding, ding của chương trình học trực tuyến. Nó rất khó chịu vì tôi còn sử dụng điện thoại trong công việc", Sun nói, cho hay nhiều phụ huynh khác cũng phàn nàn về vấn đề này.
Trong thời gian con nghỉ học, phụ huynh phải hoàn thành công việc và chăm sóc con. Họ phải cân bằng giữa hai nhiệm vụ trên nên không thể dành toàn bộ thời gian để giám sát hay giúp đỡ con học trực tuyến. Tuy nhiên, các chương trình giảng dạy online đang được thiết kế đòi hỏi sự tham gia liên tục và sát sao của phụ huynh. Đặc biệt, đối với gia đình có con nhỏ, các em chỉ việc học tập, còn những thao tác khác đều trông đợi vào bố mẹ.
Sun nhận xét việc giảng dạy trực tuyến rất giá trị đối với học sinh, nhưng đòi hỏi quá nhiều sự tham gia của phụ huynh, làm ảnh hưởng đến công việc của họ.

Ông bố Trung Quốc giúp con hoàn thành bài tập về nhà online ngày 8/3. Ảnh: Xinhua.
Chen Wenxin, sống tại Thượng Hải, cho biết từ khi con gái 7 tuổi học trực tuyến, cô đã nghi ngờ hiệu quả của phương pháp giáo dục này. Bình thường con gái Chen rất chủ động trong việc học, không cần bố mẹ quản lý, nhưng khi chuyển sang học online, cô bé hay kêu nhàm chán, bị mất tập trung.
Bà mẹ cho rằng các chương trình học trực tuyến hiện nay còn thiếu tính năng tương tác giữa học sinh và giáo viên, từ đó dẫn đến việc học sinh cảm thấy mất kết nối với lớp học và nảy sinh cảm giác thiếu động lực. "Thiết kế của khóa học trực tuyến có phần lỗi thời vì chỉ sao chép lại nội dung của lớp học truyền thống. Giao diện không hướng tới từng nhóm tuổi cụ thể, buộc học sinh tiểu học hay trung học thao tác như nhau", bà mẹ nói.
Đầu tháng 2, chính phủ Trung Quốc ra thông báo đóng cửa các trường phổ thông trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Học sinh sẽ chuyển sang học trực tuyến. Bộ Giáo dục đã cung cấp chương trình giáo dục trực tuyến dành cho học sinh toàn quốc. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên tổ chức thêm các buổi giảng dạy online để đảm bảo học sinh, đặc biệt lớp 12 dự kiến thi tuyển sinh đại học vào tháng 6, được trang bị kiến thức đầy đủ nhất.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh Trung Quốc phàn nàn việc học trực tuyến quá hình thức, tạo gánh nặng lên gia đình. Họ bày tỏ lo ngại việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ nhỏ. Một số người không yên tâm khi để ông bà, những người không thành thạo công nghệ giám sát việc học của con. Các em có thể lơ là việc học, chơi điện tử khi ông bà không chú ý.
Các chuyên gia giáo dục dự kiến giảng dạy trực tuyến sẽ mở rộng khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn vì nguồn Internet và trang thiết bị dạy học trực tuyến tại các tỉnh, thành phố không đồng đều.

Một nữ sinh sống tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc học trực tuyến tại nhà ngày 9/2. Ảnh: IC.
Liu Yuanju, nhà nghiên cứu tại Học viện Tài chính và Luật Thượng Hải, đánh giá chương trình giảng dạy trực tuyến gây ảnh hưởng nhiều nhất đến phụ huynh có con nhỏ vì phải làm thay con nhiều việc như chụp bài tập, in bài tập hay trao đổi với giáo viên. "Nó đòi hỏi các gia đình phải truy cập Internet, phụ huynh thành thạo điện thoại thông minh và dành thời gian nhiều nhất có thể cho con", Liu nói.
Ông đề nghị Bộ Giáo dục nên xem xét thiết kế giao diện chương trình học trực tuyến nhằm phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ví dụ, thao tác sử dụng và yêu cầu học đối với trẻ tiểu học nên đơn giản hơn so với học sinh trung học.
Nhà nghiên cứu cho rằng chỉ nên dạy online với những môn như Văn học, Toán học, không nên tiếp tục với những môn cần sử dụng phòng thí nghiệm như Vật lý, Hóa học. Thay vào đó, Liu đề nghị sắp xếp số tiết của môn học không thể dạy trực tuyến nhiều hơn, kéo dài thời lượng học hoặc tổ chức học thêm khi học sinh quay lại trường.
Trung Quốc, ổ dịch lớn nhất thế giới, trong ngày 10/3 ghi nhận 19 trường hợp dương tính mới với nCoV, mức thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 80.754, trong đó 3.136 ca tử vong.
Đến hôm nay, Covid-19 đã lây lan ra 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 115.000 người nhiễm bệnh và hơn 4.000 người chết. Dịch bệnh đã khiến 25 nước và đặc khu kinh tế tại bốn châu lục đóng cửa trường học, làm gián đoạn học tập của hơn 300 triệu học sinh trên khắp thế giới.
Tú Anh (Theo Sixth Tone)