Để con nói tiếng Anh tự nhiên
Thông thường, ba mẹ khi đồng hành học tiếng Anh cùng con sẽ có xu hướng đo lường, kiểm tra số lượng cấu trúc, từ vựng mà con ghi nhớ được. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Hoa, nhà sáng lập trung tâm tiếng Anh Ms Hoa Junior, cho rằng, ba mẹ không nên đặt gánh nặng cho cả mình lẫn con về việc ghi nhớ, bởi tiếng Anh thực chất là bộ môn kỹ năng, nếu sử dụng thường xuyên thì tiếng Anh sẽ trở thành phản xạ.
Ba mẹ nên tập trung vào độ sâu nhiều hơn, tức là không bắt con ghi nhớ nhiều mà hãy giúp con nói các từ trong câu theo cách tự nhiên nhất. Từ đó, trong trí não bé sẽ hình thành cơ chế tự dung nạp kiến thức mà không cảm thấy gò bó, bị ép học.
Cho con va đập với nhiều nguồn và đa dạng hoạt động
Nguồn học tiếng Anh của các bé là trường học, sách, thầy cô, ba mẹ, bạn bè, tivi, mạng Internet... Như vậy thầy cô hay ba mẹ không phải nguồn học tiếng Anh duy nhất của con. Vì vậy ba mẹ không nên tạo áp lực cho bản thân phải dạy con giỏi tiếng Anh, cũng không cần quá lo lắng khi bản thân không giỏi tiếng Anh để có thể dạy con. Điều quan trọng phụ huynh nên làm là luôn đồng hành cùng con bằng những lời động viên khích lệ, chị Hoa nhấn mạnh.
Song song với đó ba mẹ cũng cần dạng hóa nguồn tài liệu học cho con để kích thích sự hứng thú khám phá tiếng Anh ở con trẻ. Khi con thấy sự xuất hiện của tiếng Anh khắp mọi nơi thì con sẽ tự nhận thức được tầm quan trọng và sự gần gũi của tiếng Anh với cuộc sống.
Chị Hoa khuyên các bậc phụ huynh: "Ba mẹ hãy xem mình là nguồn kích hoạt giúp con học tiếng Anh tốt hơn thay vì một người dạy. Tôi thường giúp con lồng ghép tiếng Anh vào nhiều hoạt động khác nhau để con thấy thích thú, không cảm thấy bị ép học".
Theo đó, ba mẹ có thể hướng dẫn con nói tiếng Anh khi chơi những trò chơi hàng ngày. Khi xem phim tiếng Anh, ba mẹ hãy gợi ý con hóa thành nhân vật trong phim, nhắc lại những lời thoại mà con yêu thích. Hoặc ba mẹ cũng có thể cho con quay những video, clip ngắn để con nói tiếng Anh trước ống kính camera, rèn luyện thêm sự tự tin. Sự đồng hành của ba mẹ sẽ tiếp thêm động lực cho con và tạo ra những khoảng thời gian vui vẻ, ý nghĩa trong gia đình.
Phát triển đồng đều hai ngôn ngữ Việt - Anh
Nhiều ba mẹ lo ngại con nói tiếng Anh nhiều sẽ bị rối loạn ngôn ngữ. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề này là liều lượng tiếp nhận ngôn ngữ của con. Nếu nói tiếng Anh liên tục trong thời gian dài mà không chú trọng giao tiếp tiếng Việt hoặc ngược lại thì con dễ mất cân bằng khi tiếp cận và học hai ngôn ngữ.
Chia sẻ về việc định hướng cho con phát triển đồng đều hai ngôn ngữ Việt, Anh, chị Hoa nói: "Ba mẹ có thể quy ước rõ ràng với bé về khoảng thời gian sẽ nói tiếng Việt, khoảng thời gian nói tiếng Anh. Ví dụ, buổi tối là khoảng thời gian ba mẹ và con giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc nói tiếng Anh trong 1, 2 giờ trước khi con đi ngủ. Quá trình này cần được duy trì liên tục để giúp bé hình thành thói quen tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh mỗi ngày, coi tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng".
Cũng theo chị Hoa, ba mẹ không nên thêm tiếng Anh xen kẽ trong câu nói tiếng Việt, con còn nhỏ sẽ dễ bắt chước theo. Ba mẹ nên nói đầy đủ cả câu tiếng Anh hoặc đầy đủ cả câu tiếng Việt.
Thêm nữa, khi sinh sống tại Việt Nam, các cộng đồng xung quanh con đều là người Việt nên con vẫn cần sử dụng tốt tiếng Việt, để sau này có thể bày tỏ ý kiến, giao tiếp mạch lạc trong cuộc sống hàng ngày, trong học tập, công việc và các hoạt động xã hội. "Tiếng Việt hay tiếng Anh đều là ngôn ngữ thể hiện văn hóa của người nói. Ba mẹ nên giúp con phân bổ liều lượng cân bằng giữa việc giao tiếp tiếng Anh và giao tiếp tiếng Việt. Như vậy bé sẽ phát triển song song hai ngôn ngữ và có cơ hội tốt để tìm hiểu cả hai nền văn hóa, mở rộng vốn hiểu biết", chị Hoa nói thêm.
Mỹ Linh