"Tôi chỉ có một đứa con nên không muốn cháu học lại năm lớp 11", ông nói. Tôi rất bất ngờ trước hành động của ông và đã quyết liệt từ chối.
Con trai của họ, do không chịu học nên cuối năm bị thi lại môn Hóa của tôi. Vừa công bố điểm thi, tôi liền nhận được điện thoại của bố cậu. Ông hẹn gặp nhưng tôi không đồng ý.
Vị phụ huynh liên tục gọi điện và nhắn tin xin cho con ông được lên lớp. Tôi giải thích rằng đã nhiều lần nhắc nhở em cố gắng học tập để không bị thi lại, nhưng em vẫn không chịu học. Giờ gia đình nên khuyên em cố gắng ôn bài để thi lại cho tốt. Chỉ như thế mới được lên lớp, không còn cách nào khác.
Chúng ta vẫn nói tới những học sinh cá biệt, nhưng 15 năm đi dạy, tôi cũng gặp nhiều phụ huynh "cá biệt".
Đó có thể là những cha mẹ "ô dù", bằng quyền lực, quan hệ với cấp trên, bằng tiền, đã sắp đặt cho con mọi thứ. Hay những cha mẹ sẵn sàng đe dọa và tố cáo giáo viên vì không vừa ý cách dạy dỗ con họ, hay những người đòi hỏi quá nhiều ở con mình.
Ở ngôi trường tôi đang dạy, các giáo viên đều biết H. có sức học kém hơn các bạn, em tiếp thu bài vô cùng khó khăn. Nhưng cha em lại luôn muốn con mình được học sinh khá trở lên. Để đạt kỳ vọng, ông luôn theo sát việc học của em. Mỗi giờ ra chơi ông đều vào sân trường để kiểm tra bài môn học tiếp theo cho H. Em không được chơi mà phải ngồi để học với ba.
Khi giáo viên bộ môn thông báo về lịch kiểm tra, ông gọi hỏi cặn kẽ từng giáo viên, từng nội dung để ôn luyện cho con. Ông và con như cùng nhau đi học. Thoạt nhìn mọi người sẽ nghĩ đây là một người cha tuyệt vời. Ít ai biết khi con bị điểm kém, ông liên tục gọi điện cho giáo viên dù đã khuya, chỉ để xin cho con ông được kiểm tra lại. Thậm chí, vị phụ huynh còn trưng ra việc có những mối quan hệ với cấp trên của giáo viên để hù dọa.
Nhiều lần, tôi thấy H. rất mệt và ngủ luôn trên cầu thang. Nhà trường đã khuyên cha em cho con có thời gian nghỉ ngơi, đừng gò ép quá sức. Dù vậy, ông vẫn muốn con "được học sinh khá và vào đại học". Chúng tôi đều biết năng lực của H., em không thể gánh nổi ước vọng đó của bố.
Nhiều phụ huynh vì sĩ diện cá nhân, không muốn con mình kém hơn người khác nên làm mọi cách để ép con làm như ý mình. Đây là con đường dẫn đến việc những đứa trẻ lớn lên không phát huy được năng lực cá nhân vì chúng phải sống theo định hướng chủ quan của bố mẹ, mong mỏi của dòng tộc. Có lẽ chính vì áp lực đó mà có phụ huynh chỉ trích giáo viên, không cần tìm hiểu thực hư khả năng con mình để chấp nhận và rèn luyện một cách vừa sức.
Nhiều phụ huynh làm mọi cách để tiếp cận giáo viên mong "cứu" con khi có chuyện, có người còn tấn công cả giáo viên. Cô giáo cùng trường tôi bị mẹ một nữ sinh nhắn tin dọa "cô có cần tôi làm việc với ban giám hiệu" vì cô đã an ủi con bà. Chuyện là nữ sinh cuối cấp thích một bạn nam cùng lớp, nhưng mẹ em không đồng ý. Bà muốn con đi du học và lấy chồng ngoại quốc. Nữ sinh đau khổ tâm sự với cô giáo. Thương học trò, cô khuyên em "nói ra suy nghĩ của bản thân và hỏi ý kiến ba mẹ". Nghe con trình bày quan điểm, bà nổi giận vì "giáo viên đã dạy con chống bố mẹ". Hay ở Long An, phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối để "phục thù" cho con, phụ huynh ở Nghệ An tấn công một giáo viên đang mang thai vì lý do để con họ bị bạn đánh.
Người cha ở trên đưa tiền cho tôi không được đành ra về. Nhưng sau đó ông vẫn đem quà đến nhà tôi nhờ "thầy giúp ôn thi cho cháu". Tôi không nhận quà, nhưng vẫn ôn cho em theo phân công của nhà trường. Và em lên được lớp sau khi thi lại.
Dù biết phụ huynh "cá biệt" chỉ là số ít trong xã hội, và không phải giáo viên nào cũng có trải nghiệm giống tôi, nhưng đôi khi họ đủ sức khuấy đảo tâm tư người thầy. Nếu như ngày ấy tôi "yếu lòng" và nhận số tiền của vị phụ huynh kia thì sao? Nếu như vì ông bố, bà mẹ năn nỉ hay dọa nạt mà giáo viên đối xử với con họ khác đi, đứa trẻ có đủ vững chãi khi trưởng thành? môi trường giáo dục sẽ thế nào?
"Bao thư cho thầy" không giúp học trò phát triển tốt nhất năng lực của các em, không thay thế được sự trao đổi chân tình, thiện chí giữa giáo viên và phụ huynh. Một đứa trẻ sẽ nghĩ gì khi bố, mẹ em giải quyết vấn đề bằng bạo lực, tiền bạc, quan hệ hay ngôn từ không đẹp đẽ? Đó là "thức ăn" chứa độc tố cho tâm hồn của chúng, lâu ngày có thể biến trẻ trở nên một phiên bản khác của người lớn. Cách giáo dục tốt nhất chính từ việc cha mẹ đối xử với những người xung quanh.
Tiếp xúc với hàng trăm phụ huynh, tôi ngộ ra: chỉ lời thương yêu trên khuôn miệng với con không mấy giá trị, mà phải từ thực tế cách sống của mình để trao cho chúng điều mình muốn con nhận được.
Không phải giáo viên chúng tôi mà chính cha mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình phát triển nhân cách của con họ.
Lê Văn Hiến