Con gái chị Hòa, đang học lớp 1 ở một trường tư thục, đã được thông báo từ tuần trước về việc chuẩn bị kiểm tra học kỳ I ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh theo hình thức trực tuyến. Người mẹ tranh thủ cùng con ôn tập một tiếng mỗi ngày. Ngoài kiến thức, chị còn tập cho con các thao tác trên máy trong lúc làm bài.
Đến chiều 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo có "Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó Covid-19", trong đó nêu, học sinh lớp 1-2 làm bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm theo hình thức trực tiếp. Chị Hòa lo lắng: "Con gái tôi có phải dừng kiểm tra trực tuyến không? Các trường đã kiểm tra xong rồi thì thế nào"?
Chị Hòa cho rằng học online rồi thi online là hợp lý. Bởi học sinh lớp 1 chưa biết mặt thầy cô, bạn bè vì phải ở nhà chống dịch, nay lại phải đến trường để kiểm tra. Hơn nữa, từ đầu năm học đến nay, các em đã quen dùng một số công cụ nhất định để làm bài tập, nên có thể tận dụng vào việc kiểm tra chất lượng trực tuyến.
Người mẹ đặt giả thiết nếu kiểm tra trực tiếp, cả giáo viên, nhà trường phải mất ít nhất ba ngày để tập cho học sinh một số kỹ năng cần thiết trong khi làm bài, từ việc nhỏ nhất là không nói chuyện, trao đổi với bạn ngồi bên cạnh. "Việc này vừa mất thời gian, công sức, lại có nhiều yêu cầu hơn so với kiểm tra online. Tôi thấy không hợp lý", người mẹ nhận định.
Chị Hòa mong muốn sớm nhận được kế hoạch từ phía trường và các cơ quan giáo dục tại Hà Nội. Dù quyết định hình thức nào, chị cho rằng cần được thông báo sớm để phụ huynh có thời gian chuẩn bị, đồng hành cùng con.
Chị Linh (33 tuổi, trú quận Long Biên) cũng hoang mang trước hướng dẫn của Bộ bởi đọc xong chị cũng không biết "rốt cục con sẽ kiểm tra online hay trực tiếp". Hỏi cô giáo, câu trả lời chị nhận được là chờ hướng dẫn của Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo. Lúc đó, trường mới lên kế hoạch, phương án ôn tập và tổ chức thi cho học sinh.
Hiện, con trai chị Linh đã học đến tuần 14 của chương trình lớp 1. Theo khung kế hoạch năm học chung của Hà Nội, con sẽ kết thúc học kỳ I vào ngày 13/1/2022, tức chỉ còn khoảng một tháng để hoàn thành chương trình, ôn tập và kiểm tra học kỳ.
Chị Linh không quá lo lắng về mặt kiến thức dù con học online suốt học kỳ vừa qua. Với tần suất học hai tiếng mỗi ngày (từ 19h30 đến 21h30) cùng một tiếng học với mẹ vào buổi sáng (từ 7h30 đến 8h30) và một số thời gian tự học, con chị Linh đã đọc - viết tốt, thành thạo cộng trừ trong phạm vi 10 và nắm bắt được mọi bài học trên lớp. Tuy nhiên, người mẹ lo ngại vấn đề phòng chống dịch.
Hiện số ca mắc Covid-19 của Hà Nội tăng cao, cao nhất cả nước với 1.000 ca vào hôm qua, chị Linh không yên tâm nếu con phải đến trường bởi lớp của con có tới gần 60 học sinh, chia đôi vẫn khó đảm bảo giãn cách.
"Trước đó, khi diễn biến dịch tốt hơn, các con vẫn không thể đến trường thì không có lý do gì để phải đến trường ôn tập và kiểm tra học kỳ trong thời gian này cả", chị Linh nói. Chị khẳng định nếu được hỏi ý kiến về hình thức kiểm tra, chị sẽ chọn thi online. Chỉ khi nhà trường đưa ra phương án cụ thể về phòng chống dịch, trong đó chia nhỏ lớp với chỉ 7-10 em một ca, gia đình chị mới yên tâm cho con đến trường.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Đống Đa, quận đang ở cấp độ 3 về phòng dịch ở Hà Nội, cũng bày tỏ băn khoăn. Cô cho rằng với tình hình dịch bệnh trong quận như hiện tại, việc cho học sinh lớp 1, 2 đến trường là bất khả thi. Thời gian này, trường chuẩn bị vào giai đoạn làm đề thi để kiểm tra hết kỳ I cho học sinh.
"Hiện tôi chưa nhận được hướng dẫn chính thức, chi tiết về quy trình, thủ tục để xin phép Phòng Giáo dục và Đào tạo cho kiểm tra trực tuyến. Từ hôm qua đến nay, nhiều giáo viên, phụ huynh cũng thắc mắc nhưng tôi chưa thể trả lời", cô nói.
Từ góc độ quản lý, cô hiệu trưởng cho rằng việc tổ chức kiểm tra trực tuyến hay trực tiếp đều cần thời gian chuẩn bị chu đáo. Do đó, cô mong sớm nhận được hướng dẫn để thông tin rõ ràng tới giáo viên, phụ huynh, đồng thời đủ thời gian để chuẩn bị kế hoạch thi.
Trước băn khoăn của phụ huynh và nhà trường, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), giải thích, Bộ đưa ra công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thời điểm này để các địa phương chủ động lên phương án, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Với học sinh lớp 1-2, Bộ hướng dẫn tổ chức kiểm tra định kỳ (cuối học kỳ I và cuối năm) với chỉ hai môn là Toán và Tiếng Việt. Hình thức tổ chức là trực tiếp nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập, giúp các nhà trường phối hợp với gia đình điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với học sinh; đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý của các cấp, tránh hiện tượng học sinh "ngồi nhầm lớp".
Tuy nhiên, diễn biến dịch ở mỗi địa phương là khác nhau. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn rất cụ thể về việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ trực tiếp. Theo đó, để tổ chức được, các nhà trường phải lập kế hoạch thời gian thực hiện, tổ chức họp với phụ huynh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện; chia nhỏ số học sinh mỗi lớp để hướng dẫn, ôn tập, cùng cố kiến thức "cốt lõi" cho các em trước khi làm bài kiểm tra.
Ông Tài nhấn mạnh, trong trường hợp bất khả kháng, các trường vẫn có thể kiểm tra trực tuyến.
"Chẳng hạn, ở Hà Nội và TP HCM, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Các địa phương này lại thuận lợi hơn về nhiều mặt để kiểm tra online thì có thể linh hoạt, áp dụng nhiều cách thức thực hiện", ông Tài nói.
Cũng theo ông Tài, ngoài việc đưa ra giải pháp cho trường hợp bất khả kháng, Bộ cũng cho phép các địa phương điều chỉnh khung thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với thực tế. Như vậy, những trường không đủ thời gian thực hiện chương trình, phải lùi lịch kiểm tra học kỳ, chỉ cần báo cáo, đề xuất phương án điều chỉnh phù hợp.
Hết tháng 11, chỉ 9 tỉnh cho 100% học sinh đến trường; 20 tỉnh, thành dạy trực tuyến và qua truyền hình; số còn lại dạy kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ở một số địa phương như Hà Nội và TP HCM, học sinh tiểu học chưa đến trường đã 7 tháng.
Học kỳ II năm ngoái, rất nhiều trường phải cho học sinh thi online để hoàn thành kế hoạch năm học.
Dương Tâm - Thanh Hằng