Phù điêu đặt từ tháng 9, mô tả không gian lớp học với thầy giáo - giống thầy hiệu trưởng đương nhiệm - giảng bài trước sinh viên. Tác phẩm là bài tốt nghiệp của anh Nguyễn Xuân Vinh - học viên cao học khoa Điêu khắc.
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên - từng giảng dạy tại trường - cùng các thầy cô khác nhận định tác phẩm trưng bày, lưu giữ cho đời sau cần được cân nhắc. Nhiều người cho rằng phù điêu có hình thầy hiệu trưởng chỉ nên treo trong lớp học.
Một giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật (không nêu tên) cho rằng hiệu trưởng Lê Văn Sửu đề cao bản thân. "Dựng tượng, làm phù điêu để tôn vinh cá nhân không phải vấn đề đơn giản. Tác phẩm phải đạt về nghệ thuật và nhân vật xứng đáng được đặt lên đó. Đó phải là người đóng góp lớn hoặc ảnh hưởng tới lịch sử, văn hóa...", người này nói.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo - chuyên gia đầu ngành, từng nhận giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật - nhận định: "Nếu muốn chọn hình ảnh hiệu trưởng, tại sao không phải thầy Tô Ngọc Vân, Trần Đình Thọ. Một ông thầy mới xuất hiện ở đó là không đúng".
Hiệu trưởng Lê Văn Sửu phủ nhận chỉ đạo thực hiện phù điêu có hình ông. Mặc dù theo dõi quá trình từ phác thảo ý tưởng đến khi thực hiện, ông nói không nhìn thấy hình ảnh mình trong đó. Khi tác phẩm treo lên, ông mới nhận ra nhưng hội đồng chuẩn bị chấm điểm nên không thể phá bỏ. Ông cho biết lâu nay, ban giám hiệu khuyến khích sinh viên làm phù điêu để nâng cao chất lượng học tập, đồng thời trang trí những mảng tường trống trong trường.
Ông Lê Văn Sửu cho biết: "Hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm này là tai họa với tôi. Tôi nói với thầy hướng dẫn, học viên làm vậy là hại tôi. Bạn ấy không xin phép sử dụng hình ảnh tôi và không lường trước hậu quả. Nhiều người nghĩ thầy Sửu đề cao bản thân nhưng tôi không kém nhận thức đến vậy".
Phó hiệu trưởng - PGS. TS Ngô Tuấn Phong - kiêm hướng dẫn học viên Nguyễn Xuân Vinh - cho rằng hiệu trưởng xuất hiện trong phù điêu hoàn toàn bình thường bởi chân dung đó không phải hình tượng cá nhân mà đại diện cho các giảng viên. Theo ông Phong, ban đầu bức phù điêu không được chọn trưng bày. Tuy nhiên, nhiều người trong hội đồng duyệt phác thảo đánh giá cao và cho phép học viên phóng lên. Sau đó, tác phẩm được gắn ở lối vào trường để chấm điểm. Hội đồng gồm: Hiệu trưởng Lê Văn Sửu là chủ tịch, ông Ngô Tuấn Phong cùng một số giảng viên chuyên ngành chấm tác phẩm 9,5 điểm vì sáng tạo nội dung và hình thức nghệ thuật.
Tác giả Nguyễn Xuân Vinh nói thực hiện tác phẩm trong gần một năm với mong muốn tôn vinh những người có ảnh hưởng đến mình như hiệu trưởng, bạn bè của anh. Anh từ chối bình luận việc treo bức phù điêu ở trường.
Ngoài ồn ào về hình ảnh hiệu trưởng, nhiều người cho rằng bức phù điêu không đạt yếu tố nghệ thuật. Một chuyên gia điêu khắc đánh giá tác phẩm xếp loại trung bình, bố trí không gian lủng củng, cách xử lý nhân vật kém hấp dẫn về mặt thị giác. "Tác phẩm bị sai cấu tạo anatomy (giải phẫu để hiểu cấu trúc cơ thể người trong mỹ thuật) khiến nhân vật lơ lửng, 'bơi' ra khỏi không gian. Cánh tay chỉ của người thầy sai về cấu trúc xương, điểm hút ở mắt cũng mắc lỗi", người này nói. Hình ảnh hiệu trưởng nghiêm trang bên cạnh mẫu nude được xử lý chưa tinh tế dễ gây phản cảm.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cùng nhiều giảng viên cho rằng nên gỡ bỏ phù điêu, thay thế bằng tác phẩm xứng đáng hơn. Tuy nhiên, hiệu trưởng Lê Văn Sửu nói: "Phù điêu chất lượng và không sai phạm so với quy định, phá bỏ là không nên. Tôi sẽ yêu cầu thầy hướng dẫn trao đổi để sinh viên nhận thức tác phẩm không sai nhưng ảnh hưởng đến uy tín và danh dự tôi".
Ông sẽ yêu cầu Nguyễn Xuân Vinh sửa chữa gương mặt hiệu trưởng thành người khác trong thời gian tới, vào ngày nghỉ để không ảnh hưởng đến các hoạt động của trường. Hiệu trưởng nói: "Trong tương lai, nếu có phù điêu xuất sắc hơn, nhà trường sẵn sàng dỡ bỏ và thay thế".
Đại học Mỹ thuật Việt Nam chưa có tiền lệ dựng tượng, phù điêu hiệu trưởng. Trong khuôn viên trường chỉ có tượng chân dung họa sĩ Pháp - người sáng lập trường - Victor Tardieu (xem). Tác phẩm mô phỏng bức tượng gia đình ông Tardieu tặng nhà trường, hiện trưng bày trong phòng truyền thống để bảo quản. Các thế hệ lãnh đạo như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ... - có công lao xây dựng, phát triển nhà trường đồng thời là danh họa của Việt Nam - được lưu giữ hình ảnh.
Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tiền thân là Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ra đời năm 1924 do họa sĩ người Pháp Victor Tardieu sáng lập. Trường là cái nôi sản sinh nhiều họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ... Trường có hai chương trình đào tạo là đại học và sau đại học với các chuyên ngành: hội họa, điêu khắc, đồ họa, sư phạm, lý luận.
Hoàng Huế