"Chế độ, chính sách cho nhân viên y tế lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật được thực hiện (theo quyết định 73) đã hơn 10 năm", ông Thức nói khi tham gia báo cáo tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, sáng 21/8.
Cụ thể, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt. Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính.
"Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính - thật sự không tương xứng với sức lao động của bác sĩ", ông Thức nói, kiến nghị cần thiết điều chỉnh các mức phụ cấp cho người lao động theo hướng tăng phù hợp với thực tế.
Phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập thấp là một trong những lý do căn bản dẫn đến làn sóng nhân viên y tế công bỏ việc trong thời gian qua. Như tại Cần Thơ, 6 tháng đầu năm nay, 111 nhân viên y tế xin thôi thôi việc, trong đó có 48 bác sĩ, 24 điều dưỡng... Việc này gây ảnh hưởng đến đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế chung của ngành y tế, theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường.
Còn theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 9.300 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Trong một nghiên cứu cuối năm 2021, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam từng đưa ra đánh giá tương tự về tiền lương nhân viên ngành y. Theo đó, tiền lương trung bình thực tế của nhân viên y tế công lập khoảng 7,36 triệu đồng. Gần 81% nhân viên y tế tham gia khảo sát cho biết "không đủ tiền sinh hoạt phí trong đại dịch Covid-19".
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành (để được cấp chứng chỉ hành nghề), nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong y tế công lập trong khi mức thu nhập tại khu vực tư gấp 3 đến 6 lần. Ngoài ra, khung giá viện phí hiện nay chỉ mới tính được 4/7 yếu tố cấu thành. Thực tế này gây khó khăn cho các bệnh viện khi chi trả lương cho cán bộ y tế trong bối cảnh phải tự chủ hoàn toàn.
Nhấn mạnh về việc thu nhập chưa tương xứng với công sức của cán bộ y tế, quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết hơn hai năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp. Nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài. Trong khi đó lương và phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo.
"Đặc biệt, do tác động tiêu cực của một số vụ việc vi phạm pháp luật thời gian qua trong mua sắm, đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại, lo lắng, hoang mang, nhụt chí của một bộ phận viên chức y tế. Từ đó dẫn đến xu hướng dịch chuyển nguồn nhân lực từ công sang tư, bỏ việc", bà Lan nói.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đề xuất nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế. Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Bà Lan cũng đề nghị chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y, cần tăng thu nhập cho nhân viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
"Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó", ông Đam nói, thêm rằng hiện cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của ngân sách nhà nước.
"Do đó, cần phải tăng mức này mới giải quyết được nút thắt trên", Phó thủ tướng cho hay.