Chuyên gia Eric Chan của Adobe cho biết, việc nhân bốn độ phân giải ảnh được thực hiện nhờ trí tuệ nhân tạo. AI sẽ xem xét các chi tiết của một bức ảnh và dự đoán cách mở rộng kích cỡ của nó dựa trên các chi tiết tương tự được tìm thấy trong hàng triệu bức ảnh khác.
Với công nghệ hiện nay, hầu hết ảnh đáp ứng đủ độ phân giải mà người dùng mong muốn. Tuy nhiên, khi cần in lớn hoặc phóng to thành phần trong ảnh, pixel có thể bị thiếu hụt, khiến ảnh mờ nhòe.
Chẳng hạn, sau khi điện thoại chụp ảnh 12 megapixel, Super Resolution sẽ giúp tăng gấp đôi chiều rộng và cao của ảnh lên thành 48 pixel. Hoặc khi người dùng muốn cắt một góc ảnh khiến độ phân giải chỉ còn 2 megapixel, AI trong phần mềm Photoshop sẽ tăng ảnh lên 8 megapixel cho sắc nét và rõ chi tiết hơn.
"Nếu muốn in ảnh treo trên tường, độ phân giải bổ sung sẽ giúp các chi tiết được giữ nguyên vẹn", ông Chan cho biết.
Adobe đã huấn luyện hệ thống AI của mình dựa trên các cặp hình ảnh, một ở độ phân giải đầy đủ và một có độ phân giải bằng một nửa, để đào tạo nó cách mở rộng cỡ ảnh. "Chúng tôi tập trung vào các ví dụ đầy thách thức như vùng ảnh có nhiều kết cấu và chi tiết nhỏ, thường dễ bị ảnh hưởng khi thay đổi kích thước", ông Chan giải thích.
Tính năng này là cải tiến mới nhất liên quan tới công nghệ AI mà Adobe đang tập trung phát triển, gọi chung là Sensei. Trước đó, từ 2017, Google cũng cho ra đời giải pháp tương tự mang tên RAISR trong điện thoại Pixel nhằm hỗ trợ zoom ảnh kỹ thuật số mà không bị mất chi tiết.