Adobe cho biết đã thử nghiệm AI có tên Firefly trong sáu tuần trên một website độc lập trước khi đưa vào Photoshop - phần mềm chỉnh sửa ảnh phổ biến nhất thế giới.
Với tính năng Generative Fill, người dùng Photoshop có thể thêm, mở rộng hoặc xóa các chi tiết khỏi ảnh chỉ bằng cách gõ văn bản, tương tự Dall-E, Midjourney và các siêu AI vẽ tranh khác. Bản thử nghiệm bắt đầu được cung cấp trên máy tính từ 23/5, trước khi triển khai chính thức cuối năm nay.
Ngay khi ra mắt, giới nghệ sĩ đã bày tỏ lo ngại Adobe Firefly có thể làm tổn hại đến các tác phẩm nghệ thuật có bản quyền. Tuy nhiên, Adobe nói họ đã hạn chế rủi ro này bằng cách đào tạo AI trên 100 triệu hình ảnh của chính nền tảng, cũng như các hình ảnh đã hết hạn bản quyền.
Theo Chandra Sinnathamby, Giám đốc chiến lược và truyền thông kỹ thuật số của Adobe châu Á - Thái Bình Dương, công cụ này ra đời để giúp doanh nghiệp nhỏ tự thiết kế đồ họa dễ dàng, nhanh chóng, nhưng với tư cách là cộng sự hơn là thay thế công việc của người làm đồ họa.
"Mục đích là làm sao để thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra những ý tưởng lớn với độ chính xác và nhanh chóng. Các nhà thiết kế thường mất nhiều giờ tìm kiếm hình ảnh và kết hợp một cách thủ công. AI sẽ giúp đẩy nhanh quá trình", ông nói.
Đại diện Adobe cho biết công ty có 1.000 thành viên chuyên xác thực nội dung và cung cấp công nghệ nhận diện mới nhất để xác định đâu là ảnh được tạo bởi AI. Ngoài ra, những nghệ sĩ đã đóng góp ảnh được làm từ AI cũng được trả tiền khi tác phẩm của họ được sử dụng.
"Tài sản kỹ thuật số luôn minh bạch dù bất kể ở đâu", Sinnathamby cho hay.
Huế Nguyễn (theo Guardian)