Thứ hai, 7/4/2025
Thứ năm, 14/12/2017, 00:00 (GMT+7)

Trầm mình dưới đáy sông mò trùn chỉ ở Sài Gòn

Hơn 30 năm, ông Nguyễn Quang Đạt (47 tuổi) ngụp lặn dưới đáy sông, kênh rạch khắp Sài Gòn để mò trùn chỉ mưu sinh.

Bất kể nắng mưa, 6h mỗi ngày, ông Nguyễn Quang Đạt cùng những người bạn tập trung ghe dưới chân cầu Bến Phân (quận Gò Vấp, TP HCM), bắt đầu một ngày mò trùn chỉ trên các kênh rạch của thành phố để bán cho những người nuôi cá cảnh.

"Tôi mò trùn từ năm 14 tuổi. Học nghề từ các anh, các chú trong xóm, rồi làm riết đến giờ", ông Đạt kể.

Mỗi ngày, ông mang 20-30 lít dầu trên ghe, xuôi ngược trên các kênh rạch, sông ngòi của thành phố. "Chỗ mò trùn vô chừng lắm. Có khi đi 2 tiếng mới tới nơi, thậm chí là 3-4 tiếng. Chưa kể nếu gặp ngày mưa, trùn trôi đi hết, tìm trùn như mò kim đáy bể", ông cho biết.

Theo kinh nghiệm của ông, trùn chỉ thường sống dưới đáy bùn của những dòng kênh ô nhiễm ven các quận, huyện ngoại thành TP HCM như quận 12, Gò Vấp và Thủ Đức. "Nơi nào có nhiều trùn là biết chắc nguồn nước nơi đó đang bị ô nhiễm", ông nói.

"Nghề này, ngày nắng thì bỏng rát mặt, ngày mưa, nước lạnh như đá. Ớn nhất là mò trùn vào dịp Noel và Tết vì nước lạnh run người", người đàn ông 47 tuổi nói và cho biết việc giẫm thủy tinh, vỏ chai là thường xuyên.

Theo ông, mò trùn không khó nhưng phải có sức khỏe và sự dẻo dai. Khi đặt vợt xuống nước, người thợ sẽ dùng tay lùa bùn vào vợt, rồi nhấc lên và lắc qua lắc lại thật mạnh cho bùn trôi bớt, giữ lại lớp trùn chỉ đọng ở đáy vợt.

Lớp trùn chỉ màu đỏ hồng lẫn trong bùn đen. Mỗi lạng trùn chỉ được thương lái mua 8.000-10.000 đồng. "Bình quân mỗi ngày, chúng tôi có thể kiếm 200.000-500.000 đồng, nhưng cũng có khi trắng tay nếu gặp ngày mưa", ông giãi bày.

Bữa trưa của ông luôn thất thường, lúc chỉ có nước vối, hay gói xôi chấm muối. Mỗi chỗ, ông chỉ mò trùn chỉ khoảng 1-2 tiếng, sau đó rời đi chỗ khác.

Ông Đạt cùng bạn ghe mò trùn dưới đáy sông Sài Gòn. "Mò trùn dưới sông tuy nước sạch hơn nhưng nguy hiểm lắm vì khi ngụp lặn, canô, tàu thuyền lớn đi qua, mình không biết đường mà tránh. Tháng trước ghe bị tông, tôi phải nhảy xuống nước mới thoát chết", ông nói.

"Sợ nhất là mỗi lần nước bắn vào mắt. Phải rửa mắt bằng thuốc liền vì nước kênh ô nhiễm lắm", người mò trùn hơn 30 năm nói.

Lớp trùn chỉ lẫn trong bùn được cho vào từng ngăn của ghe để đem về nhà tiếp tục đãi sạch trước khi tiêu thụ.

Khi ghe đã đầy trùn, ông Đạt tranh thủ tắm giặt trên sông trước khi về. Đây cũng là phút nghỉ ngơi ngắn ngủi của ông sau gần 8 tiếng trầm mình dưới nước.

17h, ông Đạt bắt đầu lái ghe trở về nhà. "Vợ chồng tôi không có con cái nối nghiệp nên tôi nghĩ, cứ bám nghề này đến khi nào không còn sức nữa thì nghỉ", ông tâm sự.

Thành Nguyễn