Thứ sáu, 8/11/2024
Thứ hai, 22/10/2018, 00:00 (GMT+7)

Nước thải hôi thối 'bao vây' Chùa Cầu Hội An

Dòng nước chảy qua Chùa Cầu bốc mùi khi hứng toàn bộ nước thải trong khu vực, khiến du khách đi ngang phải bịt mũi.

Chùa Cầu là biểu tượng của Hội An, được các thương gia người Nhật Bản xây dựng đầu thế kỷ 17. Di tích này là một điểm không thể thiếu khi tham quan phố cổ, nhưng dòng nước chảy qua đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Dãy nhà cổ in bóng xuống dòng nước vẩn đục. Ông Lê Quang Trung - chủ tịch phường Minh An cho biết tình trạng ô nhiễm diễn ra hơn chục năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. 

Dưới gầm Chùa Cầu là lớp bùn đen, mùi hôi nồng nặc. Theo ông Trung, khu vực Chùa Cầu là hạ lưu nên trở thành túi lọc cho toàn bộ các phường Cẩm Phô, Tân An... Các khách sạn xung quanh đều xả thải ra khu vực Chùa Cầu.

Nhiều đoàn khách chỉ dừng lại chụp vài kiểu ảnh lưu niệm với Chùa Cầu rồi nhanh chân rảo bước đến nơi khác. Nhiều người cũng không chịu nổi mùi hôi, phải che mũi.

"Ô nhiễm ở Chùa Cầu phải được xử lý triệt để mới giữ chân được du khách. Trời mưa hoặc âm u còn đỡ, trời nắng khách bịt mũi đi liền chứ đâu có dám đứng lại ở Chùa Cầu. Khách họ lên Facebook tả ô nhiễm mà không giống cái mùi gì nữa", ông Trung nói.

Dòng sông Hoài gần đó cũng hứng nhiều loại rác thải, trong đó chủ yếu là hoa đăng do người dân và du khách thả đã chìm xuống nước.

Hoa đăng nằm lẫn với rác thải khác ngay dưới chân chòi ven sông, đoạn đối diện với Chùa Cầu. "Thành phố có bốn thuyền thường xuyên đi vớt hoa đăng do người dân và du khách thả. Cứ tối nay thả thì sáng mai đi vớt. Nhưng cũng có một số hoa đăng bị chìm", ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP Hội An nói.

Trước khi xả thải ra nhánh sông qua Chùa Cầu, nước thải chảy về hồ điều tiết nằm cách di tích này chừng 30 mét. Nước ở đây cũng đen kịt, bốc mùi hôi.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, trước đây dòng nước chảy qua Chùa Cầu là mương tự nhiên. Nhưng sau đó vệt dân cư hình thành, dòng chảy gánh thêm nước thải. Thành phố từng có dự án xử lý nước thải do Pháp tài trợ nhưng không đấu nối với khu vực Chùa Cầu, dẫn đến tình trạng nơi đây vẫn bị ô nhiễm cục bộ.

Túi nylon mắc lại tại cửa xả trước khi chảy qua Chùa Cầu. Năm 2015, Chính phủ đã ký thoả thuận với Nhật Bản để đưa công nghệ xử lý nước thải hiện đại vào khu vực Chùa Cầu, kinh phí do Nhật tài trợ khoảng 240 tỷ đồng. Địa phương đã đối ứng 20%, tương đương 48 tỷ đồng để đền bù, giải toả đất xây dựng nhà máy tại phường Cẩm Phô... Dự án dự kiến khánh thành năm 2017, nhưng trễ hẹn đến tháng 11 tới.

Thả hoa đăng cầu an đã trở thành hoạt động văn hoá đặc trưng ở sông Hoài. Tuy nhiên do dòng sông bị ô nhiễm nên ông Dũng cho biết thời gian tới thành phố sẽ lên phương án hạn chế.

Nguyễn Đông