Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 13/8/2018, 16:45 (GMT+7)

Người đàn ông 40 năm gom rác, cứu người trên đường Sài Gòn

Với chiếc xe máy cà tàng, lỉnh kỉnh tủ thuốc, bình cứu hỏa, ông Tống Văn Thơm vừa thu gom rác, vừa sơ cứu những người bị nạn trên đường.

6h mỗi ngày, ông Tống Văn Thơm (68 tuổi) rời căn nhà ở quận 12 lên quận 5 để bắt đầu công việc ở Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5. Sau khi đồ đạc trên xe được nai nịt gọn gàng, ông thong dong khắp các tuyến đường để quan sát, giúp đỡ những người đi đường.

Ông cùng đồng nghiệp bắt tay thu gom rác trên đường Phan Văn Trị (quận 5) lúc 9h30. "Sau giải phóng, thấy đường sá, khu dân cư chỗ nào cũng ngập rác nên năm 1978 tôi mua xe bò và bắt tay thu gom rác với tiền công 50 xu một hộ", ông chia sẻ.

Cũng theo ông, công việc mới đầu chỉ trên đường Phan Văn Trị, sau đó ông đã về quê Bến Tre rủ thêm những người không có việc lên thành phố cùng làm. Năm 2003, ông làm việc với cơ quan chức năng và thành lập Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5 với 174 người, do ông làm Chủ tịch. Công việc của Nghiệp đoàn là thu gom rác hàng ngày, với mức lương hơn 5 triệu đồng mỗi người một tháng.

Như một thói quen, thu gom rác xong, ông lại tất bật chạy xe đến các nút giao thông của thành phố như vòng xoay Ngã Bảy, Phù Đổng, Công trường Dân chủ... để quan sát, giúp người đi đường. Trên xe của ông còn có hai bình cứu hỏa, được cảnh sát thành phố tặng để chữa cháy dọc đường.

"Nhiều người nói tôi khùng, tôi bảo nếu khùng mà làm được việc, giúp được người, được đời thì còn hơn là bình thường", người đàn ông quê Bến Tre tâm sự.

Ông cho biết, ba năm trước khi bị tai nạn trong rừng, không có ai giúp nên ông nảy ra ý nghĩ tái chế chiếc Honda của mình thành xe cứu thương để giúp người bị nạn. 

Tại góc đường Võ Thị Sáu (quận 3), đông đúc xe cộ, ông xuống đường hướng dẫn người dân đi lại, đồng thời khuyên mọi người không đi lên vỉa hè đang bị hư hỏng để tránh vấp, ngã xe.

"Tôi nhớ nhất là một lần sơ cứu cho một bác sĩ bị bong gân vì đụng xe ba gác. Bác sĩ bảo tôi chở đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và khi chúng tôi tới, tất cả bác sĩ, y tá đều ngạc nhiên vì lần đầu họ thấy chiếc xe cứu thương hai bánh chở bác sĩ của họ. Sau đó, ông bác sĩ ấy đưa cho tôi danh thiếp và dặn khi nào cần thuốc cứ đến bệnh viện lấy. Từ đó tôi có tủ thuốc di động này, cho đến khi ông ấy về hưu hai năm trước", ông kể.

Ông lắng nghe và hướng dẫn một đôi vợ chồng tìm đường tại vòng xoay Dân chủ.

"Tôi biết ông ấy đã 26 năm rồi. Ổng tốt bụng, nhiệt tình, khảng khái lắm. Nhiều lúc chỉ ước, giá xã hội mình có cả chục người như ông ấy thì còn lo gì trộm cướp, người bị nạn cũng đỡ khổ", chị Phượng, bán hàng trên đường Lê Hồng Phong (quận 10), chia sẻ.

"Thật sự, ngày nào ra đường không thấy người bị tai nạn là tôi mừng. Ai mà chẳng muốn khỏe mạnh, an lành, đâu muốn bị bệnh tật, tai nạn", ông Chủ tịch Nghiệp đoàn thu gom rác trầm ngâm, vừa nhìn dòng xe cộ lưu thông tại vòng xoay Ngã Bảy (quận 10).

Từ 16h trở đi, ông ở nhà dành thời gian tái chế những phế liệu. Căn nhà nhỏ hai tầng là nơi chứa hơn 2.000 sản phẩm như đèn thần kỳ, chiếc thùng biết hát, quạt trần hình nụ hoa... cùng hàng chục bằng khen, giấy khen bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, ông cũng có thú vui là bầu bạn với chú vẹt. "Tôi đặt tên là con Heo, bạn đường của tôi hàng ngày. Nó là món quà của một đứa cháu nuôi gửi tặng từ Đức. Cách đây hơn 10 năm, cháu không có điều kiện đi du học nên tôi giúp nó bằng một chỉ vàng. Qua nước ngoài một thời gian thì nó mua tặng con vẹt này cho tôi", ông cho biết.

Chiếc mũ được ông tái chế có thể vừa đội, vừa nghe nhạc. "Mọi người hay gọi tôi là "Tam thập lục", tức 36 nghề nhưng thực sự tôi mới chỉ học hết lớp 3 thôi. May mắn là tôi được học trường Bá nghệ Việt-Pháp thời xưa nên cái gì cũng biết chút chút", ông chia sẻ.

Từ những loại phế liệu khác nhau, ông tái chế thành các loại nhạc cụ, đồ dùng tiện lợi như đồng hồ, điện thoại, đèn ngủ... "Người ta cứ nói rác là thứ vứt đi nhưng với tôi, mình phải làm cho nó sống lại", ông nói và cho biết khối tài sản ve chai của mình trị giá hàng tỷ đồng.

Ông quây quần cùng vợ - bà Nguyễn Ngọc Đào, cũng là một lao công quét rác.

"Ba đứa con gái của tôi lúc nào cũng kêu ba ở nhà cho khỏe, đừng đi làm nữa. Nhưng với tôi làm riết nên quen rồi, giờ ở nhà là cơ thể xuống cấp ngay. Mình còn khỏe thì tiếp tục làm việc", ông giãi bày.

Thành Nguyễn