Chủ nhật, 5/1/2025
Chủ nhật, 24/9/2017, 13:46 (GMT+7)

Ngôi đình thờ vị vua sáng lập thương cảng Vân Đồn

Gắn liền với thương cảng cổ Vân Đồn, đình Quan Lạn (Quảng Ninh) được làm bằng gỗ mần lái sống trên núi đá, chịu được nước biển.

Đình ở thương cảng cổ Vân Đồn làm bằng gỗ quý
 
 

Đình Quan Lạn.

Đình Quan Lạn, xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) được xây dựng đầu tiên ở thương cảng cổ Cái Làng dưới thời Hậu Lê (thế kỷ 17). Đến thời Nguyễn, đình được chuyển về Quan Lạn và đổi tên thành đình Quan Lạn. Từ Cái Làng về, đình phải chuyển đến ba lần, trong những năm 1890-1900.

Đình tọa lạc trên một nền đất rộng 500 m2, có 32 cột cái, 26 cột quân, có cột to đến hai người ôm. Gỗ để làm đình là mần lái, loại chỉ mọc ở núi đá, có khả năng chịu thử thách của thời gian và chịu được nước biển. Loài gỗ này cứng chắc hơn cả lim. Đến nay cả nước duy nhất có đình Quan Lạn sử dụng gỗ mần lái.

Đình thờ vua Lý Anh Tông, người sáng lập thương cảng Vân Đồn vào năm 1149. Ngoài ra, đình còn thờ tổ tiên, những người khai phá vùng đất Quan Lạn. Hiện có 18 sắc phong của các vua triều Nguyễn được lưu giữ trong đình.

Đình có kiến trúc hình chữ công, gồm bái đường, hậu cung và ba gian ống muống.

Mái đình lợp bằng ngói vẩy, trên nóc mái có đắp trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt. Đình nằm sát biển, trước mặt có ba ngọn núi, sau lưng là năm ngọn núi, người dân Quan Lạn cho rằng đình được đặt ở vị trí “tiền tam sơn, hậu ngũ nhạc”. 

Mặc dù đình xây dựng dưới thời Hậu Lê nhưng điêu khắc hình rồng thể hiện cả dáng dấp thời Lý - Trần và Nguyễn. Ngoài hình rồng thời Lê mắt xếch còn có họa tiết rồng thời Trần uốn nhiều khúc trong mây mềm mại, hay rồng thời Nguyễn có râu, bờm dài, nhe răng và móng sắc nhọn.

Mỗi con rồng trong điêu khắc đình Quan Lạn mang một dáng vẻ khác nhau, không trùng lặp.

Mặt tiền đình, hệ thống trấn song thông thoáng được lắp mộng kết nối với phần ngưỡng và hàng cột hiên. Bên trong đại đình còn dấu vết của hệ thống sàn gỗ chống ẩm thấp được cho là làm bổ sung vào khoảng thế kỷ 18. Nhưng do quá trình di chuyển và tác động của ngoại cảnh, nay sàn gỗ không còn. Dưới chân các hàng cột vẫn còn hệ thống mộng.

Hệ thống cột gỗ được dựng trên nền đất trống kê bằng đá tảng, đầu cột được giằng với xà ngang, xà dọc rất chắc chắn. Năm 1990, quần thể đình làng, chùa Quan Lạn được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đình Quan Lạn không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc mà còn là nơi diễn ra hoạt động văn hóa tinh thần với lễ hội đua thuyền từ ngày 10 đến 20 tháng 6 Âm lịch hàng năm. Lễ hội vừa là dịp kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần và chiến thắng của vị tướng Trần Khánh Dư đánh tan đội thuyền lương nhà Nguyên, vừa là ngày hội cầu mùa trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy của ngư dân vùng biển đảo.

Minh Cương