Thứ tư, 24/4/2024
Thứ năm, 9/8/2018, 18:43 (GMT+7)

Na Lạng Sơn xuống núi

Những trái na chín đầu mùa trên núi xứ Lạng đang được thu hái, chuyển về xuôi tiêu thụ.

Tiết trời miền Bắc lập thu cũng là thời điểm na Lạng Sơn vào vụ thu hoạch. Tỉnh biên giới có 16 xã trồng na, chủ yếu trên vùng núi đá nên việc chăm sóc, thu hoạch rất vất vả.

Những quả na đầu mùa thường nặng trên dưới 500 gram, giá bán từ 50.000 đến 70.000 đồng mỗi kg. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa quả na vào danh sách 50 đặc sản trái cây nổi tiếng theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.

Chị Phương ở thị trấn Chi Lăng đang trèo hái na. Hái na phải cẩn thận để tuyển quả to, đẹp, bán được giá cao nhất. Gia đình chị Phương có bốn người, mỗi ngày đi 4 km để hái na từ 5h đến 8h, kịp đưa xuống chợ bán.

Na được xếp gọn gàng vào thúng, xô, chậu; sau đó bọc kỹ để vận chuyển xuống núi.

Một số người dân gánh na xuống núi theo cách truyền thống.

Mỗi thúng na được gánh xuống núi nặng từ 20 đến 30 kg.

Những năm gần đây, nhiều người dân làm ròng rọc tự chế để vận chuyển na từ trên đỉnh núi xuống, đỡ tốn sức người.

Dây tời của ròng rọc tự chế dài khoảng 1.000 m, mỗi dây tời vận chuyển tối đa 70 kg. Một bộ ròng rọc và dây tời giá khoảng 20 triệu đồng, sử dụng được 3 năm. Nhiều hộ dân ở Lạng Sơn chung tiền lắp ròng rọc nhằm giảm chi phí.

Năm nay thời tiết thuận lợi, na được mùa, người trồng rất vui.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết, nhờ cây na mà nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng… thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn.

Na được các thương lái thu mua, đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành, như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh...

Huyện Chi Lăng được coi là thủ phủ của na Lạng Sơn. Toàn tỉnh có 2.800 ha trồng, chủ yếu phân bố tại huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Ngày 18/8, tại huyện Chi Lăng sẽ diễn ra "Ngày hội na năm 2018".

Ngọc Thành