Thứ ba, 7/5/2024
Thứ năm, 22/1/2015, 12:30 (GMT+7)

Kênh Nhiêu Lộc có nguy cơ ô nhiễm lại

Dài gần 9 km đi qua nhiều quận ở TP HCM, kênh Nhiêu Lộc đang có chiều hướng ô nhiễm trở lại khi phải hứng nhiều tấn rác người dân xả xuống mỗi ngày.

Kênh Nhiêu Lộc chảy qua 4 quận trên địa bàn TP HCM đang phải hứng chịu 4-5 tấn rác thải mỗi ngày. Phó giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP HCM Nguyễn Minh Hoàng cho biết, TP đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nguồn nước thời gian qua có cải thiện nhưng không đáng kể.

Rác dưới dòng kênh chủ yếu là rác sinh hoạt do người dân thải ra. Từ vỏ chai nhựa, bao nylon đến cả ghế sofa, xác động vật... cũng bị quăng xuống dòng kênh. 

 

Rác chủ yếu do người dân, các hộ buôn bán dọc hai đường Trường Sa, Hoàng Sa xả xuống. "Ngày nào tôi cũng tập thể dục ở đây, nhắc nhở thì họ khinh khỉnh bảo không phải việc của tôi. Nhiều hôm ùn ứ rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc", ông Quân (ngụ quận 3) cho biết.

Rác còn từ những khu nhà ổ chuột nằm xiêu vẹo bên các con kênh, rạch theo cống đổ thẳng ra dòng kênh. Dọc kênh Nhiêu Lộc có hàng chục cửa thông như thế.

Rác bám thành mảng tại cửa xả nằm cuối đường Út Tịch (quận Tân Bình). "Nếu chờ ý thức người dân phải mất hàng chục năm, có khi qua vài thế hệ, trong khi môi trường đang là vấn đề cấp thiết. Chế tài xử phạt hiện mới nhắm đến các nhà thầu, doanh nghiệp chứ chưa xử phạt người dân vi phạm", Phó giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP HCM, nói.

Công ty Môi trường đô thị phải vớt rác thường xuyên nhưng do lượng chất thải xả xuống quá nhiều nên hiệu quả vẫn chưa cao. "2-3 ngày chúng tôi vớt được 11-12 tấn rác. Do trôi nổi khắp con kênh gần 9 km nên nhiều khi làm không xuể", ông Hoàng cho biết

Kênh Nhiêu Lộc bắt đầu quá trình lấy lại màu xanh từ năm 2012 với kinh phí 8.600 tỷ. Để tái tạo môi trường nước, tạo không khí trong lành, hơn 500.000 con cá được người dân và chính quyền TP HCM thả xuống, rác cũng được vớt thường xuyên. Tuy nhiên, việc xả rác gây ô nhiễm đang đe dọa quá trình xanh hóa dòng kênh.

Trong năm 2014, do dòng kênh ô nhiễm nặng, có hai lần hàng vạn con cá đã chết trắng mặt nước. Phó chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM Cao Tung Sơn cho biết, những tuyến kênh đã thực hiện cải tạo, nạo vét và vớt rác thường xuyên đang bị tái ô nhiễm nghiêm trọng. Mức độ ô nhiễm hữu cơ sau một thời gian giảm đang có xu hướng tăng trở lại.

Duy Trần