Thứ năm, 25/4/2024
Thứ ba, 27/6/2017, 16:40 (GMT+7)

Hà Nội dự kiến đục thông gầm cầu trăm tuổi

TP Hà Nội đang nghiên cứu phương án đục thông 127 ô gầm cầu đường sắt ở quận Hoàn Kiếm, sau thời gian bị xây bịt lại.

Các ô gầm cầu đường sắt bắt đầu từ phố Phùng Hưng đến hết phố Gầm Cầu (giáp với ga Long Biên) dài khoảng một km, thuộc quận Hoàn Kiếm.

Đoạn đường sắt từ ga Long Biên dẫn vào nội đô cao hơn rất nhiều so với nền đường bộ nên người Pháp hơn một trăm năm trước đã xây dựng cầu dẫn gồm 131 ô vòm.

Phía trên các ô vòm là mặt đường sắt rộng khoảng 4 m có đường ray ở giữa và chỉ phục vụ cho tàu hỏa chạy qua.

Các ô vòm có độ rộng gần bằng nhau, chỉ khác về chiều cao. Ô đầu tiên cao chưa tới 2 m, nằm trên phố Phùng Hưng; ô cuối cùng nằm cuối phố Gầm Cầu, cao khoảng 6 m. Hiện chỉ có 4 ô để thông làm lối đi, như ô số 3 gần ngõ Hàng Hương (phố Phùng Hưng).

Các ô vòm đều được lắp ghép bằng đá hộc, và sau này được thành phố đánh số thứ tự.

Hơn 10 năm trước, thành phố đã cho xây bịt 127 ô vòm. Nguyên nhân là mỗi khi tàu đi qua tạo độ rung lắc, tiếng ồn. Gầm cầu cũng trở thành điểm tụ tập của nhiều thành phần, gây mất an ninh trật tự. Sau khi bịt, đoạn dọc phố Phùng Hưng trở thành điểm trông giữ xe.

Gầm cầu đường sắt trở thành tên con phố dài khoảng 500 m, nối từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên. Tuyến phố này chỉ rộng khoảng 4 m, một bên là nhà dân, một bên là bức tường xây bịt các gầm cầu.

Nhiều hộ kinh doanh đã đục một số ô gầm cầu, làm kho để đồ.

Từ ngày bịt các ô vòm, cuộc sống của người dân ở hai bên đường tàu trở nên tách biệt. 

Nếu đục thông các ô vòm sẽ có nhiều không gian, bởi mỗi ô có diện tích khoảng 16 m2. Hà Nội dự kiến sử dụng diện tích này tạo thành phố sách hoặc không gian sáng tạo, mỹ thuật, quán café sách… Thành phố đã báo cáo Thường trực Thành ủy và giao UBND quận Hoàn Kiếm mời các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu theo hướng phá thông 127 ô.

Gia Chính