Chủ nhật, 5/5/2024
Chủ nhật, 5/4/2015, 01:08 (GMT+7)

Giới trẻ đi săn 'trăng máu'

Chiều tối 4/4, hàng trăm bạn trẻ Hà Nội tụ tập về trước sân Mỹ Đình, nhiều người mang theo kính thiên văn đón chờ nguyệt thực toàn phần. Còn giới trẻ Đà Nẵng tụ họp tại công viên Biển Đông nhưng không quan sát được "trăng máu" vì bị mây che phủ.

Từ 17h chiều 4/4, rất đông các bạn trẻ đã có mặt tại khu vực cột đồng hồ sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) để chờ đón hiện tượng nguyệt thực toàn phần.

Có mặt sớm nhất là các bạn trẻ thuộc Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội. Các thành viên mang tới nhiều kính thiên văn, phần lớn là kính tự chế, nhanh chóng tìm chỗ đặt, hướng về phía mặt trăng sẽ nhô lên.

Không chỉ có các bạn trẻ nghiên cứu thiên văn nghiệp dư, nhiều người nghiên cứu thiên văn chuyên nghiệp cũng chọn quảng trường trước sân Mỹ Đình làm nơi quan sát nguyệt thực toàn phần. Anh Phan Thanh Hiền (29 tuổi, khoa Vũ trụ và Ứng dụng - ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội), thu hút sự chú ý của nhiều người với chiếc kính thiên văn loại kính phản xạ, trị giá khoảng 4 triệu đồng.

Nhiều chiếc kính thiên văn của thành viên Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội khá hiện đại, có chiếc trang bị cả đèn la-ze để định hướng. Hiện tượng nguyệt thực bắt đầu từ khoảng 17h. Tuy nhiên, thời điểm này mặt trời chưa lặn, bầu trời vẫn còn khá sáng nên không thể quan sát thấy mặt trăng.

18h30, mặt trời sắp lặn, những đôi mắt tập trung vào ống ngắm, chờ đón sự xuất hiện của mặt trăng.

18h55, gần sát thời điểm mặt trăng bị che khuất hoàn toàn, mọi ánh mắt đều hướng lên trời, hoặc chăm chú nhìn vào ống ngắm. Tuy nhiên, do bầu trời Hà Nội nhiều khói bụi và mây mù, không ai có thể nhìn thấy mặt trăng. Khoảnh khắc "trăng máu" (mặt trăng bị trái đất che ánh sáng mặt trời hoàn toàn) lúc 19h đã trôi qua trong sự tiếc nuối của các bạn trẻ. 

Phải đến gần 20h, mặt trăng mới xuất hiện. Đây là lúc trăng đã lên cao khỏi đường chân trời, ít bị che khuất bởi khói bụi. Lúc này, bóng trái đất đang dịch ra khỏi mặt trăng, khiến mặt trăng hé ra một vành lưỡi liềm nhỏ.

Tại Đà Nẵng, các bạn trẻ trong CLB Thiên văn học Đà Nẵng cũng tập trung về công viên biển Đông, chờ đón hiện tượng nguyệt thực toàn phần duy nhất trong năm 2015.

Thời tiết tại Đà Nẵng cũng không mấy thuận lợi. "Hiện tượng nguyệt thực có thể thấy được khi mặt trăng chưa mọc. Tuy nhiên, nguyệt thực bị mây che lấp nên không quan sát rõ được nguyệt thực toàn phần", bạn Thái Văn Lợi, Chủ nhiệm CLB Thiên văn học Đà Nẵng, nói.

Khoảnh khắc nguyệt thực một phần được bạn Lê Nga (CLB Thiên văn học Đà Nẵng) ghi lại lúc 19h35. Do số lượng ống nhòm và kính thiên văn ít, nhiều bạn trẻ phải xếp hàng chờ đến lượt xem "trăng máu". Lúc 21h, ở Đà Nẵng có mưa nhỏ, mây che kín mặt trăng.

Mặt trăng lúc 20h25 quan sát được tại Hà Nội, thời điểm bóng trái đất gần rời khỏi mặt trăng hoàn toàn.

Đúng 21h, bóng trái đất rời khỏi mặt trăng hoàn toàn. Hiện tượng nguyệt thực kết thúc. Được quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, anh Hoàng Quốc Phương, Chủ nhiệm Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, chia sẻ: "Rất tiếc hôm nay nhiều người đã bỏ lỡ "trăng máu", dù đã lường trước khả năng này. Bầu khí quyển Hà Nội rất ô nhiễm, nên trăng khi còn thấp rất dễ bị che khuất".