Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ hai, 7/4/2014, 15:37 (GMT+7)

300 năm nữa Quảng Trị mới hết bom mìn

3… 2… 1… Tiếng nổ vang lên kéo theo cột khói, tia lửa và cát bốc cao hàng chục mét. Đổi lại, thêm diện tích ô nhiễm bom mìn được làm sạch.

Đội rà phát bom mìn lưu động (EOD) của tổ chức phi chính phủ Peace Trees Vietnam (PTVN) về xã Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị) để tiến hành hủy vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ngoài PTVN, ở Quảng Trị còn rất nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở lĩnh vực rà phá bom mìn và liên quan như MAG, Renew, SODI, CPI…

Anh Nguyễn Văn Cường, đội trưởng EOD cho hay, đội tiến hành hủy bom mìn, vật liệu nổ vào thứ 5 hàng tuần. "Những quả đạn từ 130 mm trở xuống, chúng tôi hủy nổ tại huyện Hướng Hóa. Với loại đạn lớn hơn, để đảm bảo an toàn bắt buộc phải đưa về thao trường hủy nổ tại Hải Ba”, anh Cường thông tin. Mỗi tháng một lần, EOD tiến hành hủy nổ lớn ở Hải Lăng để tiêu hủy số bom đạn có sức công phá mạnh.

Những quả đạn được đánh giá an toàn, có thể vận chuyển sẽ vượt qua quãng đường 120-150 km về bãi hủy.

Một nhóm đào hố sâu hơn 1,5 mét, nhóm khác kiểm tra kíp nổ. Các quả đạn được tập kết vào bãi, kiểm kê số lượng, chủng loại.

Đội EOD có 32 người, phần lớn là người bản địa. Họ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ các chuyên gia nước ngoài và không ngừng được nâng cao trình độ. Làm nghề này đòi hỏi sự tỉ mẫn, khéo léo, cẩn thận và kiên nhẫn.

Quan trọng nhất trong quá trình hủy nổ là an toàn. Lịch hủy nổ được thông báo trước để người dân địa phương được biết.

PTVN hoạt động ở Quảng Trị từ năm 2003 và đã giúp tỉnh này lấy lại sự bình yên, màu xanh cho nhiều diện tích đất. Ưu tiên của PTVN là ở khu vực dân cư như trường học, giao thông nông thôn, trạm y tế, hộ gia đình và nương rẫy…

Trước khi phát lệnh nổ, 5 nhân viên được cử đi các hướng để kiểm tra an toàn, 2 người khác chốt chặn 2 đầu đường vào bãi hủy và dùng loa thông báo cho người dân ở khu vực nắm được.

Điều khiển kích nổ hàng trăm quả bom nằm sâu dưới hố cát.

Tâm vụ nổ có bán kính khoảng 200 mét, xung quanh có một lớp khói ám đen. Còn tại hố chôn đầu đạn, cát bị nung nóng đóng thành tảng cứng. 30 phút sau, các nhân viên trở lại hiện trường để kiểm tra. Những quả đạn lạnh lùng, tử thần chiến tranh đã trở thành những mảnh sắt nát vụn, vô hại.

Theo thống kê, Quảng Trị có hơn 391.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, chiếm 83,8% diện tích toàn tỉnh. Sau chiến tranh hàng chục năm, tỉnh vẫn còn sự mất mát vì những quả đạn ngủ sâu dưới nhiều tấc đất.

Năm 1996, Quảng Trị, tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất, là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiếp nhận các nguồn lực của quốc tế về hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng, với tốc độ rà phá như hiện nay, phải 300 năm nữa, Quảng Trị mới hoàn thành việc xử lý ô nhiễm bom mìn.

Quang Hà