Thứ sáu, 15/11/2024
Thứ sáu, 4/3/2016, 20:00 (GMT+7)

Bên trong thành phố ma độc hại nhất nước Mỹ

Thị trấn mỏ Picher ở bang Oklahoma, Mỹ, là thành phố ma nổi tiếng với những núi chất thải độc hại bao quanh.

Theo International Business Times, nhiếp ảnh gia kiêm nhà hoạt động vì môi trường Seph Lawless tới thăm thị trấn để ghi lại những hậu quả do con người gây ra đối với tự nhiên. "Đây là nước Mỹ. Xét về mặt địa lý và tinh thần, nơi đây chính là trái tim của nước Mỹ", Lawless nói. "Chính thứ làm nên thành phố này sẽ hủy diệt nó về sau".

Lawless mô tả thành phố ma giống như cảnh tượng trong bộ phim về ngày tận thế. Nền đất ở Picher mỏng đến mức có thể sụp xuống bất cứ lúc nào nên không thể lái xe vào thành phố.

Bất chấp những rào chắn phong tỏa và biển cảnh báo, Lawless vẫn đi bộ vào thành phố. "Tôi rất sợ hãi. Tôi cứ nghĩ mặt đất có thể nứt ra bất kỳ lúc nào và nuốt chửng tôi mà không ai hay biết. Có lúc, chân tôi thụt xuống nền đất, khiến tôi ngã nhào và tưởng chuẩn bị có lở đất", Lawless chia sẻ.

Năm 1913, những mỏ chì và kẽm được phát hiện trong khu vực, và khai thác mỏ bùng nổ. Thành phố ra đời và mang tên OS Picher, người sở hữu Công ty Chì Picher. Năm 1926, thành phố có 14.252 cư dân, phần lớn là thợ mỏ và gia đình họ.

Khu vực ước tính cho số quặng trị giá hơn 20 tỷ USD. Khoảng 75% đạn và vỏ bom do quân đội Mỹ sử dụng trong Thế chiến I và II được sản xuất từ kim loại khai thác ở khu vực này.

Khi hoạt động khai thác mỏ giảm dần, thành phố rơi vào suy thoái với 2.553 cư dân vào năm 1960. Hoạt động khai mỏ chấm dứt năm 1967, để lại 70 triệu tấn phế thải cùng 36 triệu tấn cát nghiền và bùn đặc chất thành 30 gò bao quanh Picher. Một số ngọn núi chất đầy đá vôi, đá khoáng dolomite và đá trầm tích chứa silica đôi khi cao tới hơn 90 m. Nhiều đường hầm được đào bên dưới thành phố và những hố sụt bắt đầu xuất hiện.

Nước ô nhiễm từ 14.000 khu mỏ bỏ hoang chảy vào Tar Creek, con sông vắt ngang thành phố, khiến màu nước của nó chuyển màu đỏ quạch vì chứa nhiều kim loại nặng như chì, kẽm, cadmium, thạch tín, sắt và mangan. 

Nồng độ chất độc tìm thấy ở thành phố buộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) phải di dời 900 hộ dân và cơ sở kinh doanh. Picher chính thức bị bỏ hoang sau khi cơn bão mạnh phá hủy 20 tòa nhà và cơ sở kinh doanh, khiến 8 cư dân thiệt mạng và 150 người bị thương. Gary Linderman, cư dân cuối cùng ở lại thành phố sau khi có lệnh sơ tán, đã mất chỉ vài ngày trước cuộc hẹn gặp mặt với nhiếp ảnh gia Lawless.

Phương Hoa (Ảnh: Seph Lawless)