Thứ năm, 23/1/2025
Thứ năm, 28/1/2016, 09:00 (GMT+7)

Tuyệt chiêu tránh rét của động vật

Tắm nước khoáng nóng, đào hang ẩn náu là hai trong số nhiều tuyệt chiêu tránh rét của các loài động vật.

Loài khỉ tuyết ở vùng núi Jigokudani, tỉnh Nagano, Nhật thường ngâm mình trong các suối nước nóng để tránh rét. Chúng lim dim mắt và tận hưởng cảm giác thư giãn như ở spa hay bể jaccuzi thứ thiệt. Ảnh: Washington Post.

Các loài máu nóng như chim hay động vật có vú cần duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức vừa phải. Trong khi đó, các loài máu lạnh lấy nhiệt từ môi trường bên ngoài, nhiệt độ cơ thể chúng dao động, phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài.

Theo ACS, trong hầu hết các trường hợp, kích thước và hình dạng của một sinh vật cho biết liệu nó sẽ có máu nóng hay máu lạnh. Với các loài có kích thước lớn như voi, cá voi, nếu chúng làm nóng cơ thể to lớn bằng nhiệt độ bên ngoài thì sẽ mất nhiều thời gian. Điều này làm chậm khả năng thích ứng của cơ thể. Do đó, gần như tất cả các động vật to lớn là loài máu nóng.

Động vật máu lạnh như rùa tìm chỗ ẩn náu và ngủ suốt mùa đông. 

Các loài sinh vật máu lạnh thường có cơ thể dạng dài, mảnh và phẳng, như cá, rắn, thằn lằn, và sâu. Hình dạng cơ thể như vậy giúp chúng có thể nóng lên và nguội đi nhanh chóng để thích nghi với nhiệt độ môi trường.

Còn với chim và động vật có vú cỡ nhỏ như chuột và chim sẻ? Những loài này hầu như có thân thể dạng tròn, giúp cho các cơ quan bên trong được giữ ấm trong thời gian lâu nhất có thể. 

 

 

Chim cánh cụt là loài đông đảo nhất ở Nam Cực. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chim cánh cụt có một số lượng lớn các gene tạo ra beta-keratin, một loại protein hình thành bộ lông của chúng. Do đó, chim cánh cụt có bộ lông dày, sợi ngắn và cứng để giữ ấm cơ thể. Chim cánh cụt cũng quây quần sát bên nhau để giữ nhiệt cho cả đàn. Vào giữa mùa đông ở Nam Cực, khoảng 6000 chú chim cánh cụt đực trưởng thành sẽ rúc sát vào nhau để ấp trứng. Ảnh: Earth Rangers

Chuột đào hang trong tuyết để tránh rét suốt mùa đông.

Động vật thích nghi với môi trường nhờ cấu tạo cơ thể, nhờ ngủ đông, di cư đến nơi ấm áp và tích trữ năng lượng để hình thành lớp mỡ dày. Ngoài ra, mỗi loài còn nhiều tuyệt chiêu để thích ứng với thời tiết giá lạnh của mùa đông khắc nghiệt.

Một con sóc đang leo cây.

Nhiều loài động vật “sống chậm” hơn vào mùa đông như rùa, gấu, nhím, sóc. Chúng ngủ hầu như suốt mùa đông trong cái tổ ấm áp của mình và sử dụng thức ăn đã tích trữ từ trước đó.

Có loài phát triển bộ lông dày hơn để giữ ấm, có loài thì thay đổi màu lông. Loài thỏ rừng giày tuyết sinh sống ở Bắc Mỹ chuyển lông màu trắng như tuyết vào mùa đông. Lớp áo khoác này giữ ấm tốt hơn lớp màu nâu vào mùa hè.

Các loài hươu nai có bộ lông dày hơn vào mùa đông để giữ ấm cơ thể.

Ngô Minh (Ảnh: Earthrangers)