Thứ ba, 28/1/2025
Chủ nhật, 15/11/2015, 01:00 (GMT+7)

Cuộc sống của 41 thầy giáo cắm bản ở Nghệ An

Để đến trường, 41 thầy giáo thường phải vượt hàng chục km đường đất nhão nhoẹt khi mưa. Nhiều năm cắm bản, có thầy hơn 40 tuổi vẫn chưa lấy vợ vì không còn thời gian tìm hiểu, hẹn hò.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An) không có giáo viên nữ, chỉ có 41 thầy giáo cắm bản, chia nhau dạy học sinh. Để đến với điểm trường, các thầy phải vượt quãng đường hơn 40 km, trong đó chỉ 10 km đường nhựa, còn lại đường đất lầy lội, trời mưa xuống nhão nhoét.

Vượt qua cung đường này, những chiếc xe số bình thường phải quấn xích vào bánh, một số thầy phải dùng xe phân khối lớn như Win. Ủng cao su, áo mưa là đồ bảo hộ không thể thiếu với các thầy. Thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp (36 tuổi) cắm bản 15 năm nay cho biết, khoảng 4 năm nay các thầy mới đi được xe máy vào trường, còn trước đó toàn đi bộ, men theo con đường mòn của người dân. Có đoạn bùn đất ken cứng vào bánh xe không đi nổi.

Qua đoạn đường bùn nhão, có thầy không còn sức nằm bên vệ đường nghỉ ngơi. Đi lại hàng chục năm nhưng chuyện trượt ngã, trầy trật, thậm chí gãy chân tay đều diễn ra như cơm bữa. Cách đây ít ngày còn có thầy ngã sưng khớp chân phải nghỉ dạy gần một tuần.

Lúc nắng lên, đất bùn khô tạo thành rãnh giữa đường. Khi đó, tay lái phải thật khéo để bánh xe không bị trật xuống. Chiều chủ nhật quay về trường, thầy Hiệp chở đồ chơi Trung thu xin được của một nhà từ thiện vào cho học sinh.

Những đứa trẻ hào hứng vây quanh thùng quà mà thầy giáo mang vào bản. Phía sau các em là lớp học được dựng lên bằng gỗ, cây rừng.

"Học sinh nơi đây chưa bao giờ nhìn thấy gấu bông hay những đồ chơi tương tự", thầy Hiệp kể.

Tiểu học Tri Lễ có hơn 400 học sinh, hoàn toàn là người Mông. 41 thầy giáo chia nhau "đóng quân" ở 6 điểm trường, tương ứng với 6 bản người dân sinh sống. Trước đây, trẻ nơi đây ít đến lớp, hầu như không có học sinh ở các trường đại học, cao đẳng. Đến nay, xã có nhiều em đi học các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Nhiều người học xong lại trở về Tri Lễ 4 dạy học, cùng thầy giáo ngày xưa cắm bản, gieo chữ.

Bếp ăn của các thầy khi mưa xuống dột tứ tung, không nấu được cơm. Cuộc sống nơi đây hoàn toàn tự cấp tự túc. Để duy trì thức ăn cho cả tuần, các thầy mua sắm từ ngoài huyện. Đầu tuần có thức ăn tươi, nhưng cuối tuần thường chỉ ăn đồ khô.

Tri Lễ không đường, không điện, không sóng điện thoại, thậm chí không có cả nguồn nước suối dồi dào như nhiều xã vùng cao. Để có nước sinh hoạt, các thầy thường lấy từ khe trong suối chảy ra. Bước chân vào trường là hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Có khi muốn liên lạc với bên ngoài, các thầy phải đi bộ khoảng 3 km lên một ngọn đồi cao để hứng sóng rớt. Nhiều lần đi bộ cả buổi đến nơi cũng không hứng được sóng lại phải quay về. Những lúc cuối tuần mưa không dứt, các thầy giáo trẻ phải ở lại trường. Khi đó, họ chia nhau đi hái rau, măng, bắt cá dưới khe, lấy hoa chuối rừng làm thức ăn.

Các thầy chia dép mới của một nhà hảo tâm gửi tặng cho học sinh. 15 năm cắm bản, có nhiều lúc khó khăn khiến thầy Hiệp nản lòng. Nhưng nhìn đám học trò hồn nhiên lại không dứt được. Thầy Hiệp chia sẻ việc chăm sóc hai con hầu như "khoán trắng" cho vợ và ông bà. "Mình đi dạy học trò thì tận tâm, tận tình nhưng con mình thì lại không dạy được buổi nào", thầy cười buồn nói. Vợ con các thầy đều ở dưới xuôi hoặc ngoài trung tâm huyện. Trong số 41 thầy giáo thì 40 thầy đã lập gia đình, còn thầy Lương Văn Quân (41 tuổi) có 6 năm gắn bó với Tri Lễ 4 vẫn chưa lấy vợ vì không có thời gian tìm hiểu, hẹn hò.

Hoàng Phương
Ảnh: Thầy Nguyễn Hồng Hiệp cung cấp