Mọi chuyện bắt đầu vào cuối tháng 1, khi Amy Qin, phóng viên thường trú của NYTimes tại Bắc Kinh, vội vã đến Vũ Hán, nơi Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc. Thành phố lúc này đang trong tuần phong tỏa thứ hai. Những phóng viên như Amy dành phần lớn thời gian ở bệnh viện để phỏng vấn những người ốm nặng.
Tối nào bố mẹ cô ở California cũng gọi đến, lo lắng dặn dò đủ mẹo phòng tránh virus như tắt điều hòa, chỉ ăn đồ ăn chín, không ăn hoa quả. Vì vậy, Amy cảm thấy nhẹ người khi được lên chuyến bay sơ tán cuối cùng do Bộ Ngoại giao Mỹ sắp xếp để đưa công dân khỏi Vũ Hán. Thời điểm đó, Mỹ chỉ ghi nhận 12 ca nhiễm.
Khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Miramar ở San Diego, cô nhắn tin cho gia đình: "Con rất mừng vì mình là người Mỹ".
Những người Mỹ trở về từ Trung Quốc như Amy được đưa vào khu cách ly, được cung cấp chỗ ở và đồ ăn miễn phí. Nhân viên đeo tấm chắn giọt bắn kiểm tra thân nhiệt cho họ hàng ngày. Mỗi ngày họ đều nhận được một bất ngờ mới: ngày thì xem ban nhạc Hải quân biểu diễn, ngày thì được tặng bánh quy, thậm chí còn được tặng bao cao su.
Nhưng những dấu hiệu không tốt đầu tiên đã xuất hiện. Giới chức tại khu cách ly không yêu cầu mọi người đeo khẩu trang. Dù bị giới hạn trong một khu vực của căn cứ, Amy và những người khác vẫn được phép tiếp xúc người không bị cách ly. Trong các cuộc họp hàng ngày, quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) bác bỏ những lo ngại về khả năng lây nhiễm không triệu chứng.
Từng chứng kiến cảnh lùng mua khẩu trang điên cuồng ở Trung Quốc, các hướng dẫn hời hợt của CDC khiến Amy cảm thấy kỳ quặc, nhưng cô cố an ủi mình rằng đây là những chuyên gia hàng đầu thế giới và trông họ rất tự tin. Giờ nghĩ lại, cô cho rằng đó là những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên.
Tuy vậy, nhiều người bị cách ly vẫn tiếp tục đeo khẩu trang. Amy luôn ở trong phòng, thậm chí còn ở trong đó nhiều hơn khi hai người giống cô xét nghiệm dương tính nCoV.
Hai tuần cách ly kết thúc, họ chụp ảnh lưu niệm, vứt khẩu trang lên trời và lên xe đến sân bay San Diego, được hàng tá phóng viên vây quanh. Hôm đó là một ngày nắng đẹp, còn virus cảm giác như cách rất xa. Amy cởi khẩu trang, hòa vào đám đông.
Cuối tháng 2, Amy quay lại Bắc Kinh. Khi đó, Trung Quốc đã qua đỉnh dịch. Cô chọn quá cảnh ở Seoul, nghĩ rằng đó là tuyến đường tương đối an toàn. Nhưng ngay trước khi cô khởi hành, một ổ dịch bùng phát ở Hàn Quốc, biến quốc gia này thành điểm nóng nCoV.
Amy vô cùng lo lắng. Cô quá cảnh chưa đầy hai tiếng ở Seoul, nhưng biết rõ các quan chức Trung Quốc "thà cách ly nhầm còn hơn bỏ sót", nhất là trong thời kỳ khẩn trương thế này.
Vừa hạ cánh, Amy lập tức đến đồn cảnh sát địa phương đăng ký theo yêu cầu của chính quyền dành cho người nước ngoài. Đúng như dự đoán, vài giờ sau, cô nhận được tin nhắn. Chính quyền địa phương biết cô đã quá cảnh ở Hàn Quốc và muốn đưa cô vào trung tâm cách ly.
Nhưng Amy đã thuyết phục được họ rằng mình không có nguy cơ lây nhiễm và chủ động cách ly tại nhà. Cô chỉ ra ngoài vài lần để đưa chó đi dạo và luôn đeo khẩu trang. Chính quyền sau đó không liên lạc với Amy nữa.
Nhưng một buổi sáng đầu tháng 3, Amy tỉnh dậy, nhận được hàng loạt tin nhắn khiến cô rụng rời chân tay. Trung Quốc quyết định trục xuất một nhóm nhà báo Mỹ, trong đó có cô, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump hạn chế số nhân viên của 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ.
Di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác trong thời kỳ đại dịch không dễ dàng. Nước nào cũng hạn chế nhập cảnh, ngày nào cũng có chuyến bay quốc tế bị hủy. Cuối cùng, Amy rời Bắc Kinh, nơi cô làm việc và sinh sống suốt 8 năm qua, để lên chuyến bay gần như là cuối cùng quay về California.
Đi qua những nhà ga vắng tanh ở sân bay quốc tế Los Angeles mang lại cảm giác siêu thực cho Amy. Hồi tháng 2, khi trở về California, cô thấy mình như trốn thoát về nơi trú ẩn an toàn. Nhưng kể từ đó, nCoV khiến hơn 244.000 người nhiễm và hơn 5.900 người ở Mỹ tử vong.
Hướng dẫn đeo khẩu trang mỗi nơi một kiểu. Xét nghiệm nCoV nay thế này mai thế khác. Phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á gia tăng. Dù cô đã đo thân nhiệt ở sân bay, người ta vẫn quên gom mẫu đơn mà Amy đã điền để báo cáo phương thức liên lạc và tình trạng sức khỏe mà mãi sau này cô mới biết.
Suốt nhiều ngày, cô cách ly trong một ngôi nhà thuê xinh xắn ở vùng nông thôn tại Venice, ngoại ô Los Angeles. Thật khó để nghĩ rằng virus đang ẩn náu đâu đó quanh những hàng cọ xanh mướt và hoa giấy hồng rực. Nhưng ký ức về những gì đã xảy ra ở Vũ Hán là quá đủ để giữ chân Amy trong nhà.
Giữa tháng 4, cô chuyển tới Đài Bắc, Đài Loan, văn phòng thường trú mới của cô để đưa tin về Trung Quốc. Ngay lập tức cô hiểu tại sao Đài Loan lại được ca ngợi vì đã thành công trong cuộc chiến khống chế nCoV.
Trước khi được phép rời sân bay, cô phải đi qua nhiều trạm kiểm dịch do nhân viên Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan điều hành. Họ đo lại thân nhiệt, ghi chú tình trạng sức khỏe và lịch trình di chuyển của Amy. Cô có số điện thoại ở Đài Loan và phải chứng minh cho họ thấy nó đang hoạt động bình thường.
Amy đi thẳng tới khách sạn được dùng làm nơi cách ly, gặp một nhân viên bên ngoài. Mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và kính bảo hộ, anh này nhanh chóng khử trùng vali của cô, sau đó nhấn thang máy và nói lời tạm biệt. Đó là người cuối cùng Amy gặp trong hai tuần tiếp theo.
Căn phòng nhỏ nhưng sạch sẽ. Ngày nào cô cũng báo cáo chỉ số thân nhiệt với khách sạn và tình trạng sức khỏe với chính quyền Đài Loan. Ba lần một ngày, nhân viên khách sạn mang cơm tới treo vào móc nhựa dán trên cửa.
Toàn bộ quá trình đều chu đáo và hiệu quả. 4 lần cách ly ở 4 thành phố khiến Amy được bạn bè gọi là "nữ hoàng cách ly".
Dù đã quá quen với việc bị cách ly, trong tuần "nhốt mình" cuối cùng ở Đài Bắc, cô phải vật lộn để rời giường. Cô thèm ánh nắng mặt trời. Thậm chí, để thoải mái, cô còn đặt thức ăn từ quán Din Tai Fung ba lần. "Đừng nghiêm khắc quá với bản thân", vị hôn phu của cô luôn nhắc nhở mỗi lần hai người trò chuyện qua video.
Amy thấy mình thật may mắn. Đài Loan đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, sàng lọc khách. Tính đến 14/5, hòn đảo này chỉ ghi nhận 440 ca nhiễm và 7 ca tử vong do Covid-19, đại dịch xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,5 triệu người nhiễm và 307.000 người tử vong. Cuộc sống ở đây hầu như không bị gián đoạn, dù ở đâu cũng thấy khẩu trang, nước khử trùng và trạm đo thân nhiệt.
Sau hai tuần, cuối cùng Amy cũng hết thời gian cách ly. Trong tối đầu tiên ra ngoài, cô đã trang điểm, mặc váy, đi bộ dọc theo một công viên. Cô mua một bánh xà phòng rửa tay đắt tiền đến vô lý sau khi nói chuyện với cô bán hàng bằng xương bằng thịt. Cô lang thang qua mê cung ẩm thực trong trung tâm thương mại, ngạc nhiên khi thấy người ta cười nói và ăn uống bên nhau.
Cảm giác thật tuyệt vời, mọi thứ đều bình thường. Ngoại trừ một điều, trước Covid-19, Amy đã quen vài tuần một lần lại xách hành lý đi công tác nhưng bây giờ, cô vui vì dừng ở đây lâu hơn.
Hồng Hạnh (Theo New York Times)