![]() |
Laurent Boussie: "Một phóng viên chiến trường không được phép mắc sai lầm". |
- Ông đã đến với nghề phóng viên chiến trường như thế nào?
- Tôi sinh ra trong một gia đình không ai làm nghề báo. Ban đầu tôi muốn trở thành phi công, nhưng vì có vấn đề về mắt, nên đã chuyển sang làm phóng viên. Tôi làm cho đài F2 từ năm 1980. Lúc đầu làm về mảng khoa học, sau đó chuyển sang các vấn đề nội chính, rồi làm phóng viên thời sự quốc tế, và năm 1987 thì trở thành phóng viên chiến trường.
- Trước đó, ông có phải qua một khóa đào tạo đặc biệt?
- Không hề. Những phóng viên chiến trường đều là người tình nguyện. Tất nhiên, họ phải được tòa soạn tin tưởng tuyệt đối trước khi giao nhiệm vụ đó. Người mới vào nghề sẽ được cử đến những nơi ít nguy hiểm; cũng có thể anh ta được một phóng viên có nhiều kinh nghiệm hơn dẫn dắt, nhưng sau đó, anh ta phải biết độc lập tác chiến.
- Một phóng viên chiến trường cần có những phẩm chất gì?
- Trước hết, họ phải có phẩm chất của một phóng viên: tò mò, hoài nghi, thích tìm hiểu sự thật. Điểm khác biệt là phóng viên chiến trường phải biết chịu đựng nguy hiểm, đói, rét, thiếu ngủ… Bạn có thể hình dung như sau: đó là một người đàn ông độ tuổi 30-45, sung sức và ưa mạo hiểm. Trước tuổi 30, anh ta chưa có đủ kinh nghiệm để xử lý những tình huống phức tạp; còn sau 45 tuổi, anh ta lại không còn đủ độ dẻo dai để chịu đựng điều kiện khắc nghiệt của chiến trường.
- Ở đài F2, phóng viên chiến trường được hưởng những quyền lợi gì?
- Tôi được đài F2 đóng bảo hiểm toàn phần khi bị thương, và nếu không còn khả năng công tác, tôi sẽ được hưởng trọn vẹn mức lương của năm cuối cùng cho tới hết đời. Trong trường hợp bị chết, vợ tôi sẽ có hai lựa chọn: hoặc là hưởng 10 năm mức lương cuối cùng của chồng; hoặc là được nhận vào làm cho F2 ở bộ phận phù hợp, với mức lương của chồng.
- Đài F2 phản ứng như thế nào khi có một xung đột xảy ra, ví dụ như vụ đánh bom ở Bali gần đây chẳng hạn?
- Vụ việc này là sự kiện bất ngờ, nên chúng tôi không gửi phóng viên chiến trường đến. Ngược lại, với những cuộc chiến kéo dài như ở Bosnia, Chechnya hoặc Afghanistan... đài F2 đều gửi phóng viên tới "nằm vùng" ở đó. Tuy nhiên, không một nhóm phóng viên nào có thể bám trụ lâu dài được, mà đều có sự "thay ca" liên tục. Tức là cứ khoảng 4-5 tuần, đài F2 lại cử một nhóm mới tới thay thế nhóm cũ.
- Một ngày của phóng viên chiến trường diễn ra như thế nào?
- Chúng tôi không có lịch làm việc. Bạn có thể phải ngồi đợi mấy ngày không có việc gì làm, nhưng rồi đột nhiên, một chuyện xảy ra và có thể bạn phải làm việc suốt 48 giờ liền: phỏng vấn, quay phim…Với phóng viên chiến trường thì không bao giờ có 2 ngày giống nhau, cũng như không bao giờ có hai cuộc chiến giống nhau.
- Ông lựa chọn hình ảnh để đưa đến bạn xem truyền hình theo những tiêu chí nào?
- Trung thực và khách quan. Tuy nhiên, không phải tất cả những gì xảy ra đều được lựa chọn. Đặc biệt là sau cuộc chiến ở Việt Nam, giới truyền thông phương Tây nhận ra một điều: người ta cần lựa chọn hình ảnh để vừa phản ánh cuộc chiến một cách trung thực nhất, nhưng cũng phải có tác dụng chống lại chiến tranh. Ví dụ, cảnh phụ nữ hoặc trẻ em bị thương, người già đói khổ,... sẽ có tác dụng chống lại chiến tranh nhiều hơn hình ảnh về những người lính. Đó chính là sức mạnh của hình ảnh.
![]() |
Ông Boussie trả lời phóng viên VnExpress. |
- Ông có bao giờ mắc sai lầm khi lựa chọn hình ảnh và lời bình, nhất là vào những lúc căng thẳng?
- Một phóng viên chiến trường không được phép mắc sai lầm.
- Những cảnh hành quyết man rợ như trong các thước phim mà ông giới thiệu có từ đâu?
- Người quay những cảnh đó hoặc là nạn nhân, hoặc là thành viên của các nhóm cực đoan (xin không nói việc chúng tôi nhận được những hình ảnh này như thế nào). Còn tôi chưa bao giờ cầm máy quay phim.
- Kỷ niệm lớn nhất trong 14 năm làm phóng viên chiến trường của ông?
- Đó là cuộc chiến ở Rwanda, tháng 6-7 năm 1994. Khoảng 500.000 người đã chết. Nhiều người bị giết bằng dao phay, bị cắt làm nhiều mảnh. Nhưng cũng nhiều nạn nhân qua đời chỉ vì đói và bệnh tật: sốt rét, thương hàn. Sau khi về Pháp, tôi đã bị ác mộng 2 năm về cuộc chiến này.
- Ông có ân hận vì đã chọn nghề này?
- Không hề. Công việc này rất hấp dẫn tôi, vì tôi có cơ hội tiếp cận với con người ở những hoàn cảnh cùng cực nhất. Tuy nhiên, năm nay tôi đã 47 tuổi rồi. Tôi đã vượt qua ngưỡng 45 tuổi và không còn dẻo dai nữa. Từ hai năm nay, tôi làm phóng viên thường trú của F2 ở London. Tuy nhiên, nếu tòa soạn cần đến, tôi nghĩ rằng mình vẫn có thể ra chiến trường.
Minh Hy - Thu Thủy thực hiện