Tại các sự kiện thể thao, đặc biệt là những giải đấu đỉnh cao như World Cup, hình ảnh hàng dài phóng viên ảnh dọc sân cỏ với các thiết bị cồng kềnh đã trở nên quen thuộc. Không ít người yêu công nghệ tò mò máy ảnh, ống kính cũng như phụ kiện ảnh mà họ sử dụng tại World Cup 2018 là gì?
Máy ảnh
Theo TechRadar, với các tay săn ảnh thể thao, độ phân giải của máy ảnh không quan trọng bằng độ bền và hiệu suất. Bởi vậy, những dòng máy cồng kềnh như Canon EOS 1D và Nikon Dx thường chiếm ưu thế.
Được làm nguyên khối từ hợp kim magie rất cứng, bền nhưng lại nhẹ, Canon 1D X Mark II (giá khoảng 140 triệu đồng) có độ phân giải 20,2 megapixel và Nikon D5 (giá khoảng 125 triệu đồng) với 20,8 triệu điểm ảnh có khả năng chống sốc tốt, chịu được va chạm mạnh. Độ phân giải của nó không quá cao so với giá thành, song cảm biến full-frame trên đó lại có độ nhạy tuyệt vời mà các máy ảnh khác không có được.
Các phóng viên thể thao có thể mang bổ sung máy ảnh khác như Canon EOS 5D Mark IV có độ phân giải 30,4 megapixel hay Nikon D850 với cảm biến 45,7 megapixel. Nó giúp bổ trợ trong một số trường hợp và còn được dùng khi bức ảnh cần có số điểm ảnh cao.
Sân chơi máy ảnh thể thao không chỉ còn của riêng Canon và Nikon. Một vài năm gần đây, phóng viên ảnh cũng lựa chọn Sony Alpha A9 khi thiết bị này có tốc độ chụp nhanh, khả năng lấy nét tự động tốt và chụp yên yên lặng (silent shutter). Dù vậy, máy ảnh của Sony hiện nay chưa phong phú về lựa chọn ống kính tele.
Ống kính chủ đạo
Các tay máy thể thao chuyên nghiệp thường chọn 400mm f/2.8 là ống kính chính của mình. Nó cho phép chụp tách biệt riêng từng chủ thể, khẩu độ lớn giúp màn trập đạt được tốc độ cao nhất (so với ống kính có khẩu độ nhỏ hơn trong cùng điều kiện và thiết lập).
Thế hệ mới nhất của ống prime 400mm là Canon EF 400mm f/2.8L IS USM II và Nikon AF-S 400mm f/2.8E FL ED VR đều có giá khoảng 250 triệu đồng. Trong khi đó Sony cũng mới giới thiệu FE 400mm f/2.8 GM OSS, ống kính tele prime chuyên dụng đầu tiên cho máy ảnh mirrorless full-frame, giá khoảng 270 triệu đồng.
Phóng viên ảnh thể thao có thể gắn thêm teleconverter - phụ kiện giúp nhân 1,4-2 lần tiêu cự so với tiêu cự gốc của ống kính. Riêng đồ chơi này đã có giá lên đến cả chục triệu đồng.
Ống kính bổ sung
Với chiếc máy ảnh thứ hai, phóng viên thể thao có thể lắp ống kính 70-200mm f/2.8, cho phép săn được những bức ảnh khi chủ thể ở gần hơn. Ống tele zoom này cũng đem đến khả năng sử dụng linh hoạt so với ống kính một khẩu độ 400mm f/2.8 ở trên.
Bên cạnh đó, túi thiết bị còn được bổ sung ống kính góc rộng, chẳng hạn 16-35mm f/2.8 hoặc 14-24mm f/2.8. Nó thường được dùng để lấy toàn cảnh sân vận động, chụp lại khoảnh khắc của người chơi sau khi trận đấu kết thúc. Ngoài ra, ống kính này còn có thể lắp trên máy ảnh rồi đặt cố định tại một số vị trí, qua đó phóng viên có thể bấm chụp từ xa ngay cả khi đang ngồi ở bên kia sân.
Ống kính 24-70mm f2/8, dù có vị trí khiêm tốn với các tay máy thể thao, nhưng lại trở thành lựa chọn linh hoạt trong một số điều kiện. Ống kính này thực sự tiện dụng để ghi lại hành động diễn ra ngay trước mặt phóng viên.
Phụ kiện thiết yếu
Với chiếc ống kính 400mm f/2.8 nặng khoảng 5 kg, một chiếc monopod sẽ là trợ lý hoàn hảo cho các tay săn ảnh. Chân máy ảnh đơn này đem đến khả năng giữ cố định tương tự tripod (giá đỡ ba chân) nhưng lại có tính di động cao, sử dụng linh hoạt.
Đèn flash gần như không phát huy tác dụng khi cắm trên máy ảnh với ống kính 400mm mà sân vận động cũng có điều kiện ánh sáng tốt. Song phụ kiện này có thể phát huy tác dụng khi phóng viên muốn ghi lại cảm xúc của các cầu thủ sau trận đấu, tăng độ sáng khi chụp ở gần.
Một phụ kiện quan trọng khác là remote trigger, cho phép điều khiển từ xa máy ảnh. Như nêu ở trên, các phóng viên thường bố trí một số máy cố định tại các góc sân và với phụ kiện này, họ có thể chụp ảnh ở phạm vi lên đến 500 mét thông qua sóng vô tuyến.
Cuối cùng, các tay máy thể thao thường mang theo mình chiếc lều, bạt gấp để có thể tạo sự thoải mái khi tác nghiệp trong trận đấu bóng kéo dài 90 phút. Ngoài ra, nó cũng giúp phóng viên ảnh có thể chụp từ các góc máy thấp.