- Xin chào ngài Đại sứ. Chào mừng ngài đến Việt Nam. Những nhiệm vụ nào mà ngài muốn hoàn thành tốt nhất trong nhiệm kỳ này? (Thùy Linh, 25 tuổi, Quận 7 TPHCM)
Tôi muốn gửi lời xin chào đến những người đang lắng nghe, gặp gỡ chúng tôi trong buổi giao lưu hôm nay. Tôi đến Việt Nam cách đây vỏn vẹn một tháng nhưng đã cảm nhận được sự nồng ấm của người Việt Nam với nước Nga và với tôi, trên tư cách một đại sứ.
Trong năm nay, chúng ta sẽ kỷ niệm những ngày lễ trọng đại, như 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga - Việt Nam. Những thế hệ trước đều nhớ rõ những thử thách mà chúng ta trải qua trong quá khứ. Tôi rất coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về điều này. Tôi sẽ đóng góp để quan hệ giữa chúng ta ngày càng phát triển.
Quốc phòng
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp quốc phòng an ninh trong thời gian qua của hai nước Việt Nam và Nga; triển vọng hợp tác quốc phòng an ninh của hai nước trong tương lai có gì đặc biệt thưa ông? (Nguyễn Đình Tùng, 28 tuổi, TPHCM)
Tôi xin chào mừng độc giả trong TP HCM vì 3 ngày trước tôi đã ở TP HCM. Hợp tác quân sự, an ninh quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng nhất trong quan hệ của chúng ta. Cũng như Liên Xô, Nga là đối tác tin cậy của Việt Nam trong củng cố tiềm lực quốc phòng của Việt Nam. Chúng tôi giúp đỡ các bạn trong đào tạo sĩ quan, trong đó có các sĩ quan cao cấp nhất.
Với sự trợ giúp của các thiết bị quân sự hiện đại, các bạn có thể được hỗ trợ đắc lực trên biển, trên cạn. Tôi muốn nhấn mạnh sự hợp tác quân sự, kỹ thuật quân sự không nhằm chống lại ai. Tôi nhìn nhận tương lai hợp tác trong quốc phòng, an ninh bằng sự lạc quan lớn lao.
- Thưa đại sứ, trong tương lai liệu Việt Nam và Nga có thể lập liên doanh sản xuất vũ khí không? Tôi thực lòng rất muốn làm việc cho một liên doanh như vậy, vì qua sách báo và cha mẹ kể lại, thì tôi đã thấy quý mến người Nga và Liên Xô. (Hoàng Hà, 32 tuổi, Quận 7 TPHCM)
Rất cảm ơn và hân hạnh khi nghe những lời khen của bạn.
Tôi muốn nói rằng một số chủng loại vũ khí đã được cấp phép để tiến hành sản xuất. Tôi nghĩ bạn và mọi người đều có thể tìm được công việc trong những liên doanh như vậy. Tôi cho rằng về tổng thể cần phải quan tâm nhiều đến tiến trình sản xuất vũ khí này, dần xa rời hình thức trao đổi hàng hóa cơ bản chỉ mua và bán. Vì cấp độ đào tạo nhân lực và thiết bị ở Việt Nam đã tăng lên rất nhiều nên chúng ta có thể cùng nhau hợp tác.
- Thưa Ngài đại sứ, tôi xin có câu hỏi là trong tương lai, nếu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và Việt Nam tăng cường trang bị các loại vũ khí của Mỹ. Điều đó có ảnh hưởng đến việc cung cấp vũ khí của Nga cho Việt Nam không, về số lượng chất lượng cũng như chủng loại?
(Nguyễn Hữu Trí Tài, 25 tuổi)
Tôi muốn nói lại qua một chút về lịch sử của việc này. Trước đây, Mỹ tiến hành biện pháp trừng phạt. Chúng ta phải nhớ điều này. "Biện pháp trừng phạt" không phải là khái niệm của chúng tôi, chúng tôi chưa bao giờ làm điều này. Bởi vậy, chúng ta xây dựng mối quan hệ hợp tác quân sự trên cơ sở lâu dài và sẽ không có thay đổi nào xảy ra.
Lĩnh vực quân sự cũng như quốc phòng và cung cấp vũ khí là một việc rất nghiêm túc. Vì thế chúng ta phải suy nghĩ nhiều về việc: hôm nay người ta lựa chọn cung cấp vũ khí nhưng ngày mai họ có thể sẽ thay đổi, và đưa ra những biện pháp trừng phạt thì sao. Tên tôi là Konstantin, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là thường xuyên, cố định. Bởi vậy, tôi nói rằng Nga đã đang và sẽ là nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam. Tôi không đùa đâu nhé.
Các bạn hãy mời các đồng chí làm việc trong ngành quốc phòng đến để đánh giá về vũ khí của chúng tôi. Họ có hài lòng trước những tàu ngầm của chúng tôi đang bảo vệ bờ biển của các bạn, những máy bay đang canh giữ bầu trời của các bạn, những tên lửa hiện đại hiện đang có trong trang bị của quân đội Việt Nam hay không. Hãy để họ trả lời câu hỏi này và lựa chọn vũ khí nào.
- Tầm nhìn của ngài về mối quan hệ Nga-Việt nói chung và hợp tác quốc phòng Nga-Việt nói riêng? (Hòa, 33 tuổi, Hà Nội)
Về mối quan hệ Việt - Nga, xuất phát từ quan điểm của chúng tôi, chỉ có tiến lên. Đương nhiên khi tiến hành hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự ta cần tính đến yếu tố cân bằng. Một trong những cơ sở nền tảng, chúng tôi gọi là sự ổn định về chiến lược, bởi nó rất quan trọng.
- Khi Việt Nam cho phép các tàu quốc tế sử dụng dịch vụ ở Cam Ranh trong đó có Mỹ thì có ảnh hưởng gì đến Nga không? Nga có ủng hộ chủ trương đó của Việt Nam không? (Nguyễn Hữu Trí Tài, 25 tuổi)
Cam Ranh là một cảng rất quan trọng không chỉ trong mục đích dân sự và còn là nơi cho hạm đội hải quân Việt Nam sử dụng. Trong lịch sử, thời kỳ Liên Xô, Cam Ranh đã từng được lực lượng hải quân của Nga và Việt Nam sử dụng. Bởi vậy, về một ý nghĩa nào đó, Cam Ranh hiện nay được sử dụng như một cảng quốc tế. Ban lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ ra quyết định nên dùng cảng này như thế nào.
Tôi cũng chuẩn bị đi Cam Ranh. Ở đó có đài tưởng niệm các quân nhân Nga và Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chúng tôi có truyền thống tới các đài tưởng niệm để đặt vòng hoa trong ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít. Trong dịp lần này chúng tôi sẽ đến Cam Ranh.
Các tranh chấp chủ quyền
- Chúc ngài tân đại sứ có một nhiệm kỳ công tác thành công. Xin ngài cho tôi biết lập trường của Nga về vấn đề Biển Đông? Nga có đứng ra ủng hộ Việt Nam trong trường hợp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị xâm phạm hay không? Cảm ơn ông. (Võ Hạnh Phúc, 29 tuổi)
Tôi biết rằng vấn đề liên quan đến Biển Đông chiếm rất nhiều sự quan tâm mang tính chất trọng tâm của Việt Nam.
Hãy tin tôi, đối với Nga đây cũng là một vấn đề quan trọng.
Thực tế là Trung Quốc và Việt Nam đều là đối tác gần gũi của chúng tôi. Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai. Có một điều rất quan trọng là các công ty của chúng tôi đã đầu tư nhiều vào công tác khai thác dầu khí trên biển. Và chúng ta đã hoạt động rất lâu rồi trên vùng thềm lục địa, hơn 30 năm nay rồi. Khi chúng tôi đầu tư tiền bạc, chúng tôi muốn có sự bảo đảm về an ninh. Bởi vậy chúng tôi đã đang và sẽ làm tất cả những điều có thể để tránh xảy ra thảm kịch ở khu vực này.
Các bạn có nhớ giàn khoan 981 không?. Trong thời gian đó Nga đã làm rất nhiều để làm giảm căng thẳng. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, chúng tôi cho rằng phải giải quyết tất cả những tranh chấp bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Xuất phát từ kinh nghiệm công tác của tôi, chúng tôi biết thế nào là những tranh chấp mang tính chất lịch sử. 40 năm trước đây khi tôi bắt đầu công tác, tôi nhận nhiệm vụ giải quyết các vấn đề biên giới với Trung Quốc. Khi đó quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc rất căng thẳng, thậm chí lúc đó đã từng có những cuộc xung đột. Nhưng sau đó nhờ những nỗ lực mà chúng tôi dần giải quyết hết các tranh chấp, 100% các tranh chấp được giải quyết nhưng phải mất 40 năm để hoàn tất điều này. Để giải quyết cần rất nhiều nỗ lực, tóc tôi bạc trắng cũng vì vậy. Tôi rất vui mọi vấn đề đã được giải quyết.
Khi Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán về biên giới trên bộ, chúng tôi đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, và theo tôi biết, mọi vấn đề liên quan đã được giải quyết. Việc này được thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm và luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ rằng phải làm như vậy. Bởi vậy tôi cho rằng mọi vấn đề tranh chấp cần được giải quyết bằng con đường hòa bình.
- Trong bối cảnh hiện nay ở châu Á Thái Bình Dương, ông có suy nghĩ như thế nào về câu nói nổi tiếng: "Một quốc gia không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn". (Trần Hùng, 43 tuổi, TP Đông Hà)
Như tôi đã nói, năm nay kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Năm nay cũng kỷ niệm 125 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/5. Đồng chí Hồ Chí Minh đã đến đất nước của chúng tôi, một đất nước vừa chiến thắng phát xít vào năm 1923. Mặc dù khi đồng chí Hồ Chí Minh đến, nước tôi đang có nội chiến, ông đã thấy hoàn cảnh, lối sống của chúng tôi lúc bấy giờ.
Năm nay, chúng ta còn kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít. Tôi nhớ rất rõ câu nói của đồng chí Hồ Chí Minh rằng nếu không có chiến thắng phát xít thì không có chiến thắng tháng 8 năm 1945. Năm nay cũng tròn 70 năm độc lập của Việt Nam, chỉ thời gian ngắn nữa các bạn Việt Nam sẽ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Tất cả những chiến thắng này đều liên quan đến tình hữu nghị của chúng ta.
Như tôi đã nói, 3 ngày trước tôi ở TP HCM và tôi đã đến Dinh Độc Lập, nhìn thấy 2 chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh. Xét theo logic như bạn nói thì tại sao lợi ích của hai quốc gia lại không thể mãi mãi được, vì lợi ích không chồng chéo mà luôn đi với nhau, không có xung đột.
- Nga sẽ làm gì, nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích với Việt Nam tương tự như năm 2014 trên Biển Đông? (Thí, 44 tuổi, 144 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)
Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, xuất phát từ quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc, để kiềm chế cả hai bên trước nguy cơ xung đột. Tôi nghĩ rằng sự sáng suốt của cả hai nước đủ để ngăn chặn điều đó xảy ra. Nếu hai phía đều đề nghị thì chúng tôi sẽ giúp đỡ. Chúng tôi không đứng về phía nào cả. Chúng tôi đứng về phía hòa bình.
- Là một người đã trải qua nhiều cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới, ngài có thể chia sẻ những khó khăn khi đàm phán với Trung Quốc không?
Theo tôi, một phần các vấn đề liên quan đến biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ đã được giải quyết. Trong việc này, chúng tôi chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề về biên giới.
Trước đây biên giới giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô có chiều dài gần 7.500 km, hiện nay thì chỉ còn 4.300 km. Đường biên giới Nga - Trung rất phức tạp, qua sông suối, rừng núi, và biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng vậy. Vì thế chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho các bạn. Một trong những bài học căn bản của chúng tôi trong vấn đề biên giới là phải giải quyết mối quan hệ chung giữa hai nước. Nếu chúng ta tin tưởng lẫn nhau thì sẽ giải quyết nhanh hơn. Vì thế, chúng tôi ủng hộ việc phải đi bằng cả hai chân. Cần phải cải thiện mối quan hệ chung, về chính trị, và có những biện pháp cụ thể trong đàm phán.
Hiện nay, trên thực tế, hầu hết các vấn đề liên quan đến biên giới với Nga đã được giải quyết, trừ một nước là Nhật Bản. Vì thế, tôi đã nói với các đồng nghiệp Nhật Bản rằng phải đi bằng hai chân.
Ngoài ra, phải có ý chí chính trị tương hỗ để giải quyết vấn đề này. Tất nhiên, trong tình huống của các bạn, vấn đề mang tính chất độc nhất vô nhị, nhưng kinh nghiệm của chúng tôi cũng sẽ giúp ích được một phần nào đó.
Kinh tế
- Trọng tâm hợp tác kinh tế hai nước hiện nay là gì? Hàng may mặc của Việt Nam được đánh giá như thế nào so với hàng Trung Quốc trong thị trường Nga? (Phạm Thị Hằng, 30 tuổi, TP HCM)
Ở Nga khắp mọi nơi người ta đều biết đến hàng hóa may mặc của Trung Quốc cũng như của Việt Nam. Đương nhiên đối với người tiêu dùng bình thường người ta đều muốn mua những sản phẩm tốt, rẻ, vừa túi tiền. Bản thân tôi cũng sống ở Moscow và tại đây có nhiều chợ, địa điểm bán những mặt hàng này. Trên Đại lộ Hòa bình ở Moscow vừa khai trương tòa nhà lớn bán nhiều sản phẩm và còn giới thiệu triển lãm.
Tôi có cháu gái 4 tuổi rất sung sướng khi được mặc đồ của Việt Nam. Các bạn hãy sản xuất nhiều quần áo hơn nữa và cung cấp cho Nga nhé.
- Thưa ngài, ngài có 6 năm công tác ở Hong Kong, Ma Cao, những khu vực có kinh tế phát triển mạnh mẽ và sáng tạo. Người châu Á, ở những nơi ông từng đến công tác cũng như ở Việt Nam, đều được đánh giá là cần cù và có khát vọng phát triển kinh doanh. Theo ông, những kinh nghiệm làm kinh tế nào mà Việt Nam có thể học hỏi từ đó. (Hà Văn Cường, 52 tuổi, TPHCM)
Toàn bộ cuộc đời tôi liên quan đến châu Á. Châu Á là định mệnh của tôi. Điều này không phải tình cờ vì các bậc ông cha tôi từng sống ở châu Á thế kỷ 17, trên biên giới với Mông Cổ. Lúc đầu tôi học tiếng Trung và công tác ở Trung Quốc 20 năm.
Quả thật trong thời gian đó có hơn 5 năm tôi công tác ở Hong Kong, Ma Cao. Trong 5 năm gần đây tôi là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga ở Hàn Quốc. Bây giờ tôi đã mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á, trọng tâm là ở Việt Nam. Ấn tượng của tôi là toàn bộ Đông Nam Á phát triển năng động, tương lai thuộc về khu vực châu Á.
Tôi cho rằng điều này quan trọng vì 2/3 lãnh thổ Nga là ở châu Á. Ở Nga, có một triệu người theo đạo Phật. Vì vậy chúng tôi nói rằng chúng tôi là người châu Á, và châu Á phát triển rất nhanh, dù tôi là giống người châu Âu.
Do đó, chúng tôi gắn số phận của chúng tôi với châu Á - Thái Bình Dương và muốn khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
- Nga và Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào cho chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev trong đầu tuần tới? Nga muốn đạt được cụ thể điều gì trong chuyến thăm này? (Đặng Đức Huy, 40 tuổi, Đồng Nai)
Chúng tôi đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến thăm. Trong chương trình làm việc, chúng tôi sẽ có buổi tọa đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hôm qua, tôi vừa gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ngài cho biết đang rất nóng lòng chờ đợi chuyến thăm. Ông Medvedev sẽ có những buổi làm việc với những lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam.
Phần thứ hai rất quan trọng là chuyến thăm tới thành phố Hồ Chí Minh. Tại sao lại là thành phố Hồ Chí Minh? Bởi đây là thành phố phát triển năng động và thu hút nhiều sự quan tâm của chúng tôi.
Bởi vậy cuộc gặp gỡ các nhà doanh nghiệp trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cũng là một mục quan trọng của chuyến thăm.
Chúng tôi sẽ xem xét toàn bộ các vấn đề, trong đó có việc thực hiện thỏa thuận như thế nào, có những khó khăn, phức tạp, cản trở nào không và đồng thời có triển vọng trong lĩnh vực hợp tác nào khác không.
Lãnh đạo của chúng tôi đương nhiên phải cân nhắc tình hình kinh tế của chúng tôi và thế giới. Điều rất quan trọng là bằng cách nào để làm phong phú hơn các nội dung trong quan hệ đối tác chiến lược bằng những việc làm cụ thể.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà chúng tôi có khuôn khổ hợp tác cao đến vậy. Sẽ có người hỏi về đề tài liên quan đến việc ký kết hiệp định thương mại tự do. Đề tài này quan trọng bởi về một phía, trong trường hợp này là Việt Nam còn phía bên kia là 3 nước Nga Belarus và Kazakhstan.
Trong tương lai, Việt Nam có triển vọng thâm nhập vào thị trường rất lớn với 180 triệu dân. Các cuộc đàm phán về vấn đề này hầu như đã hoàn tất và trong thời gian sắp tới sẽ diễn ra việc ký kết. Điều này đem lại một sinh lực mạnh mẽ cho thương mại song phương. Tôi cho rằng kim ngạch thương mại giữa chúng ta tương đương 4 tỷ USD là rất ít. Nhiệm vụ của chúng ta là đưa mức kim ngạch này lên 10 tỷ USD. Chuyến thăm này rất quan trọng.
- Chào mừng đại sứ, xin hỏi việc châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga có ảnh hưởng đến Nga cũng như các mối quan hệ của Nga với các quốc gia châu Á, đặc biệt là chúng tôi và Trung Quốc? (Đoàn Vũ Quang Châu, 43 tuổi)
Tôi cho rằng các biện pháp trừng phạt với Nga là cơ hội để Việt Nam và các nước đến với Nga nhanh hơn. Đây là trường hợp rất hiếm có khi thị trường bỗng nhiên có một khoảng trống. Trước đây Nga nhận thực phẩm châu Âu, tuy nhiên bây giờ thị trường này bị trống và cần lập tức chiếm lĩnh thật nhanh.
Nửa tiếng nữa tôi sẽ gặp các nhà sản xuất sữa của Việt Nam. Họ muốn tiếp cận thị trường Nga bằng công nghệ của mình. Đây là bước đi nhanh và thông minh. Các biện pháp trừng phạt chỉ mang tính tạm thời và hiện tại các nhà sản xuất châu Âu, đặc biệt là hải sản, đang chịu lỗ lớn.
Tôi nghĩ rằng đối với Việt Nam đây là thời điểm thuận lợi để tiến sang thị trường Nga. Tôi mới chỉ ở một tháng nhưng thấy rằng Việt Nam có rất nhiều hoa quả ngon. Hôm qua tôi đã chứng kiến lễ mở đường bay vận chuyển hàng hóa hàng không giữa Moscow và Hà Nội. Khi tôi hỏi hãng hàng không lớn nhất của Nga thì họ nói rằng họ vận chuyển tất cả mặt hàng từ Đông Nam Á sang Nga, trọng tâm là hoa quả và hải sản. Vì thế, đây sẽ là cơ hội để VN phát triển.
- Ông có thể nêu những gợi ý cụ thể để hàng nông sản Việt Nam như dưa chuột muối, các loại hoa quả nhiệt đới vào thị trường Nga dễ dàng ? (Nguyễn Thị Hải, 55 tuổi, Bến Tre)
Khi ở Việt Nam, tôi đã nhìn thấy nhiều hoa quả ngon, trong đó có dưa chuột. Dưa chuột Việt Nam nhỏ như dưa chuột Nga, rất ngon. Nếu bàn một cách nghiêm túc, điều đầu tiên chất lượng phải cao. Thứ hai, các sản phẩm phải qua kiểm tra nghiêm khắc, có tất cả các chứng nhận về chất lượng tương ứng.
Vấn đề này sẽ được bàn trong chuyến thăm của Thủ tướng Dmitry Medvedev.
- Tôi có nghiên cứu thấy nước Nga rộng lớn, còn nhiều đất hoang cần khai thác. Vậy doanh nghiệp hoặc cá nhân chúng tôi muốn mượn 3 năm, sau đó thuê tới 50 năm làm nông nghiệp tại địa phương có khả thi không?
Theo ngài có bao giờ chúng tôi có thể có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Sochi? (Nguyen Quyet, Ha Noi)
Chúng tôi thực sự có nhiều đất và đang quan tâm đầu tư vào đất, nhất là đầu tư từ nước ngoài. Ở Viễn Đông chúng tôi có những vùng đất mênh mông và rất tốt cho nông nghiệp. Nơi này đang thành lập một đặc khu dành cho các đơn vị sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Chúng tôi đang thông qua một bộ luật mới ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư. Những biện pháp tương tự cũng đang áp dụng với các khu vực khác. Tất cả đều có thể nhưng tôi nhấn mạnh là phải theo luật pháp.
Với câu hỏi thứ hai, sau sự kiện Olympic, Sochi trở nên rất nổi tiếng. Nếu du khách Việt Nam muốn đến Sochi thì chúng tôi có thể sẽ thành lập đường bay đến đó.
- Ông và gia đình có dùng hàng gì của Việt Nam trước khi đến Hà Nội làm đại sứ? (Đoàn Trung Thành, 47 tuổi)
Câu hỏi rất hay, tôi sẵn sàng trả lời. Khi ở Hàn Quốc, tôi không nghĩ là mình sẽ làm đại sứ ở Hà Nội. Cách đây một năm, tôi và vợ quyết định đi mua đồ gỗ cho phòng bếp và phòng ngủ. Chúng tôi mua được một chiếc giường rất đẹp bằng gỗ sồi, và một bộ bàn ghế cho nhà bếp cũng bằng gỗ sồi. Cách đây không lâu tôi mới nhận ra những sản phẩm này gắn mác "Made in Vietnam", nhưng tôi rất hài lòng về chất lượng cũng như giá cả. Vì thế khi chưa đến Việt Nam tôi đã dùng đồ của Việt Nam rồi.
Giáo dục
- Rất nhiều bậc cha mẹ muốn con mình được học tiếng Nga ở bậc phổ thông, nhưng hiện nay gần như không có môn Tiếng Nga trong hệ thống GD PT nữa? Thưa Đại sư, ông có ý nghĩ gì về vấn đề này? LB Nga có chính sách gì để hỗ trợ phục hồi dạy tiếng Nga không? (Lê Văn Hiền, 59 tuổi, Hà Nội)
Nhiệm vụ mang tính chất nhà nước của chúng tôi là phổ biến tiếng Nga như một ngôn ngữ chính của thế giới. Và chúng tôi làm rất nhiều để thực hiện điều này. Chúng tôi có những quỹ tiếng Nga. Việt Nam nhận được nhiều học bổng để đào tạo nhân lực từ ngân sách của chúng tôi. Trong năm nay chúng tôi đã cấp 800 học bổng đào tạo sinh viên tại các trường đại học của Nga. Đến năm 2018, chúng tôi sẽ tăng số lượng học bổng lên 1.000. Hiện nay, trong các trường đại học của Nga đang có 5.000 sinh viên theo học. Chúng tôi coi điều này là ít. Tất nhiên phải tiến hành giáo dục tiếng Nga trong trường học. Để được thế cần những hỗ trợ liên quan đến văn học, phương pháp luận, sách vở.
Tôi nghĩ rằng một yếu tố rất quan trọng đối với người học tiếng Nga đó là họ phải nhận được đồng lương tốt, lúc đó mới có sự kích thích. Hiện nay, một nguồn động lực rất lớn là có nhiều du khách Nga đến Việt Nam. Năm nay, lượng du khách có giảm một chút nhưng tôi nghĩ chỉ mang tính chất tạm thời thôi. Tôi cho rằng chúng ta sẽ khôi phục được số lượng du khách kỷ lục năm ngoái là 400.000 người và còn tăng hơn nữa. Không phải tình cờ mà ở Nha Trang người ta đã tổ chức những khóa đào tạo hướng dẫn viên. Thậm chí ở học viện cảnh sát Việt Nam cũng đã chuẩn bị đào tạo ra nguồn nhân lực có thể nói tiếng Nga.
Một trong những dự án lớn nhất chúng tôi đang làm đó là xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đã bắt đầu triển khai công tác đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân. Chúng tôi đã dành 300 suất học bổng đào tạo nhân lực trong ngành hạt nhân. Vì thế người ta sẽ tìm được những công việc liên quan đến tiếng Nga và đây sẽ là nguồn động lực lớn để học tiếng Nga.
- Thế hệ trước người Việt học hỏi và đi học chủ yếu ở nước Nga, nay người Việt lại chủ yếu đi học hỏi, đi học ở nước Mỹ, vì sao? Nước Nga có chính sách gì mới cho người Việt thích đi học ở Nga hơn các nước khác hay không? (Hoàng Sầm, 61 tuổi, Viện y học bản địa Việt Nam, trụ sở thành phố Thái nguyên)
Mỗi người đều phải xác định số phận và quyết định nên học ở đâu. Thế nhưng hệ thống giáo dục đại học của Liên Xô trước và nước Nga hiện nay được coi là một trong những hệ thống giáo dục đại học tốt nhất thế giới. Ít ra những môn học cơ bản của chúng tôi rất nổi tiếng. Đương nhiên mỗi người đều phải quyết định số phận của mình, nhưng nhiệm vụ chúng tôi là kể và tuyên truyền về Nga nhiều hơn.
Chúng tôi cố gắng đưa các trường đại học của Nga như đại học Tổng hợp Moscow và nhiều trường khác sang Việt Nam để lựa chọn sinh viên. Chúng tôi còn có nhiệm vụ là phải lập ra các trường liên doanh tại Việt Nam. Chúng tôi dự kiến thành lập trường Đại học Công nghệ Việt- Nga.
Tôi nghĩ trường này rất thuận tiện vì nhiều người sợ ở Nga vì thời tiết lạnh. Chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng ở các địa phương khác của Việt Nam, ví dụ ở khu vực gần trung tâm TP HCM.
Cách không xa đại sứ quán Nga có trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, cung cấp thông tin về học cái gì, học lúc nào và học như thế nào. Các bạn hãy vào trang web trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga để tìm hiểu. Các bạn ở Hà Nội có thể đến với chúng tôi. Hiện nay chúng tôi đang tổ chức một cuộc thi lần thứ 10 cho các bạn học sinh.
Di trú
- Tôi là một người đã học tập tại Liên Xô và là người yêu nước Nga, tuy nhiên, việc xin visa vào Nga để du lịch tự túc rất khó khăn, lãnh sự thường yêu cầu du lịch phải theo đoàn hoặc phải có thư mời từ Nga theo dạng thăm thân nhân. Vì vậy, trong nhiệm kỳ của ông tôi rất mong ông đơn giản hóa việc xin visa vào Nga, nhất là việc đi du lịch tự túc đối với những người đã từng học tập tại Liên Xô. (Dương Ngọc Thanh, 55 tuổi, 36/1B Lam Sơn, phường 6, quận bình Thạnh, TP.HCM)
Tôi rất hiểu khó khăn này của những người muốn đi du lịch sang Nga. Nếu có vấn đề gì thì bạn có thể viết thư trực tiếp cho tôi. Đại sứ quán luôn cố gắng để đơn giản hóa mọi thủ tục.
Du khách Nga có thể được thăm Việt Nam trong 15 ngày không cần visa nhưng với người Việt Nam thì không.
Một trong những nhiệm vụ của tôi trong nhiệm kỳ này là ký kết hiệp định về việc đi lại của các công dân, giảm nhẹ các thủ tục. Tôi biết có một đối tượng đó là những người lớn tuổi muốn quay lại thăm những nơi họ từng sống. Một đối tượng khác là những người muốn sang thăm Nga, quốc gia lớn nhất thế giới. Một đối tượng khác nữa là những người muốn thăm các bảo tàng, tham quan các nơi và thưởng thức đồ ăn Nga.
Trong năm nay, nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ là tổ chức hội chợ triển lãm du lịch để giới thiệu với mọi người. Rất khó khi so sánh số lượng khách du lịch Việt Nam đến Nga và Nga sang Việt Nam, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để du khách Việt Nam đến Nga nhiều hơn và tạo ra luồng du khách hai chiều.
- Vấn đề người Việt ở Nga! Tại sao lâu quá rồi chúng ta không ký được hiệp định hợp tác lao động? Nước Nga có nhu cầu, nước Việt Nam có nhiều lao động, chúng ta lại là hai nước anh em nữa. Tại sao nước Nga không tận dụng lao động Việt Nam một cách tốt hơn, họ khá có tổ chức và cũng chăm chỉ nữa! (phd1112003, 40 tuổi)
Đây là câu hỏi cũng chưa chính xác lắm. Có lẽ người hỏi cũng chưa biết rằng vào tháng 11/2008, Nga và Việt Nam đã ký một hiệp định về lao động tạm thời và một văn bản liên quan đến việc chống nạn di trú bất hợp pháp.
Chúng tôi đã thành lập ra nhiều nhóm công tác. Vấn đề ở chỗ chúng ta vẫn chưa thực sự tích cực làm việc. Vấn đề này tồn tại từ trước đây và vẫn kéo dài tới hiện nay.
Việc này có lẽ liên quan đến thực tế thị trường lao động ở Nga còn nhiều phức tạp, có những rắc rối chưa được giải quyết. Chính phủ chúng tôi hiện thực hiện những biện pháp nhằm bình thường hóa thị trường lao động để chặn đứng những hoạt động bất hợp pháp trên thị trường lao động.
Trong những năm gần đây, nhiều quy định đã được đưa ra, chúng tôi rất mong muốn lực lượng công nhân kỹ thuật Việt Nam được lao động ở Nga vì họ làm việc rất tốt nhưng phải dựa trên cơ sở những hợp đồng đầy đủ tính pháp lý, làm sao để những nhà sử dụng lao động không thực hiện những biện pháp bất hợp pháp.
Điều cuối cùng, tất cả các quyền lợi và lợi ích của người lao động Việt Nam phải được đảm bảo. Chúng tôi rất mong muốn dòng lao động từ VN sang Nga nhiều hơn nhưng trên cơ sở hợp pháp để lợi ích của họ không bị xâm hại.
Tôi sẽ làm mọi thứ để đảm bảo quyền lợi của người Việt Nam ở Nga.
- Điều ngài chờ đợi nhất trong những ngày tới là gì? (Hùng Cường, TP Đà Nẵng)
Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev. Chúng tôi rất chờ đợi các cuộc gặp gỡ với các bạn Việt Nam. Tôi cũng thích đi du lịch Việt Nam vì Việt Nam có rất nhiều địa điểm đẹp. Tôi không thích ngồi ở bàn giấy một chút nào. Tôi thích di chuyển. Vì thế, tôi rất lạc quan khi đến làm đại sứ ở Việt Nam.
Cảm ơn các bạn đã đặt câu hỏi và lắng nghe tôi trả lời. Tôi hứa sẽ thường xuyên đến thăm các bạn.
VnExpress