-
Xin chào các vị khách mời. Tôi rất băn khoăn tại sao lại phải tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ?
(Công Duy, 40 tuổi, Hà Nội)Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng:
Trong những năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng. Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân... Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Khi đó, bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy. Một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện.
Sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của luật.
Thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực. Trong đó, xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người... Xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.
-
Những vấn đề cấp thiết về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay là gì?
(Minh Phượng, 66 tuổi, Nam Định)Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông:
Vấn đề cấp thiết nhất trong giao thông đường bộ hiện nay là vấn đề tai nạn giao thông. Hàng năm có hàng chục nghìn người chết vì tai nạn giao thông, nhiều người bị thương tật và gây thiệt hại tài sản; tiếp theo là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện giao thông trong khi hạ tầng phát triển chưa kịp, dẫn đến ùn tắc.
Giao thông là bộ mặt của văn hóa xã hội. So sánh với các nước trên thế giới, phương tiện giao thông nước ta chủ yếu là xe máy, loại hình đường hỗn hợp, ý thức chấp hành chưa cao, tình trạng vi phạm an toàn giao thông vẫn phổ biến. So với đường sắt, đường thủy, đường bộ gắn bó sâu sắc với đời sống người dân, kết nối với các loại hình khác, tuy nhiên tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao nhất gây tâm lý bất an cho người dân.
Vì vậy, chúng ta cần cái nhìn tổng thể để giải quyết căn cơ là kiềm chế tai nạn giao thông, có cơ chế để giải quyết ùn tắc, trước mắt phải hợp lý hóa cái đã có về hạ tầng giao thông, xây dựng văn hóa giao thông phải tiệm cận với các nước là văn hóa xếp hàng nhường nhịn khi tham gia giao thông, mục tiêu chính là duy trì trật tự đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
-
Xin cho tôi hỏi khi tách luật giao thông đường bộ 2008 thành hai luật có chắc chắn tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông giảm xuống so với hiện nay và nếu không giảm ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
(Hoàng Lan, 45 tuổi, Tp Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình)Đại tá Đỗ Thanh Bình:
Từ luật hiện hành điều chỉnh đa lĩnh vực, chúng tôi đang chuyển sang xây dựng luật chuyên sâu, quy định đầy đủ quyền và trách nhiệm của người tham gia giao thông, cơ quan Nhà nước trong bảo bảo đảm an toàn giao thông; khắc phục hạn chế của phần "giao thông" trong luật Giao thông đường bộ 2008. Dự luật quy định rõ chế định để phát triển hạ tầng giao thông, và có quy trách nhiệm để an toàn chất lượng công trình tốt hơn; có đầy đủ chế định để phát triển vận tải đường bộ tốt nhất.
Chúng tôi đề xuất quy định tiếp cận nhanh nhất hiện trường để bảo vệ, sơ cứu người dân gặp nạn; quy định quan hệ giữa lực lượng công an với người dân chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm minh, đặt nền tảng cho ứng dụng công nghệ, để các vi phạm thay vì xử lý thủ công có thể chuyển sang xử lý thông qua hệ thống trung tâm, hệ thống giám sát.
Khi xây dựng luật, chúng tôi mong muốn sẽ giảm tối đa tỷ lệ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, cần sự phối hợp của tất cả các đối tượng tham gia giao thông thì mới có kết quả như mong muốn.
-
Nội dung cơ bản của dự thảo luật là gì? Điểm mới so với bản thảo trình xin ý kiến Quốc hội khóa XIV ra sao?
(Bá Khoa, 46 tuổi, Nghệ An)Đại tá Đỗ Thanh Bình:
Luật gần nhất của chúng ta từ năm 2008 tên là Luật Giao thông đường bộ. Luật này điều chỉnh ba đối tượng rất khác nhau gồm giao thông, đi lại nói chung; hai là phát triển kết cấu hạ tầng, đường sá và thứ ba là phát triển vận tải đường bộ.
Bối cảnh xây dựng các Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và 2008 là khi người dân chủ yếu dùng xe máy, nên yêu cầu khác hiện nay. Lần này, khi sửa đổi, chúng tôi sẽ còn nhiều chính sách liên quan để đảm bảo an toàn cho người đi đường, phát triển đường sá, phát triển đường bộ, nhất là đảm bảo quyền con người, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông tập trung vào con người, gồm các quy tắc giao thông và người tham gia giao thông, điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Bên cạnh đó là mối quan hệ giữa nhà nước và người dân, việc tuần tra kiểm soát; quy định người thực thi công vụ được làm gì, làm đến đâu và cách thức ra sao...
Điểm rất mới là dự luật sẽ quy trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong đảm bảo an toàn giao thông. Mục tiêu của luật mới là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Khi có luật chuyên sâu sẽ giảm các văn bản dưới luật và gắn trách nhiệm từng đơn vị cụ thể. Tức sẽ có người phải chịu trách nhiệm nếu trật tự an toàn giao thông không được đảm bảo.
-
Hiện nay người dân tham gia giao thông chỉ cần soi chiếu một luật Giao thông đường bộ, nếu Quốc hội thông qua dự Luật Trật tự an toàn giao thông và dự luật Đường bộ thì phải soi chiếu hai luật cho một hành vi. Như vậy sẽ không đảm bảo tiêu chí đơn giản trong tiếp cận luật pháp. Điều này có gây khó khăn cho người dân không?
(Anh Thư, 39 tuổi, Thái Nguyên)Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng:
Như đã nói ở trên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực thi hành điều chỉnh đồng thời ba lĩnh vực khác nhau là an toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông; và vận tải đường bộ.
Thực tiễn cho thấy an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là ba lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật. Điều này dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.
Tên gọi Luật Giao thông đường bộ là chuyên ngành nhưng nội dung, phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành. Trong đó, an toàn giao thông (an toàn cho người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (trong đó có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản công và hoạt động kinh tế vận tải, tuân theo quy luật thị trường.
Các quy phạm pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và đa số các điều khoản, chương, mục của Luật chỉ có thể áp dụng cho một lĩnh vực, không thể đồng thời áp dụng được cho cả ba lĩnh vực.
Qua trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, chúng tôi thấy nhiều quốc gia xây dựng luật về an toàn giao thông (trật tự, an toàn giao thông), luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về xây dựng, vận hành đường bộ cao tốc, luật riêng về vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistic. Công ước Viên mà Việt Nam tham gia cũng chỉ điều chỉnh về an toàn giao thông. Vì vậy, khi xây dựng luật chuyên sâu chỉ giúp cho trật tự an toàn giao thông được thực thi, kiểm soát tốt hơn, hoàn toàn không có khó khăn gì cho người dân.
-
Nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước đã nêu rõ một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Công an có điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ khác.
Việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ có nên giao cho dân sự phụ trách?
(Minh Tâm, 37 tuổi, Thanh Hoá)Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng:
Tại Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Ban chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó có nội dung: Một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các Bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bộ Công an luôn tập trung xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngành công an luôn xác định làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không làm thay nhiệm vụ của bộ, ngành khác và bộ, ngành khác cũng không làm thay nhiệm vụ của ngành công an.
Việc xác định nhiệm vụ nào là "đủ điều kiện dân sự hóa" là theo quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng, đúng Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nếu Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cho bộ, ngành nào thực hiện thì bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về nhiệm vụ được giao.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay điều chỉnh các nội dung: Quy tắc giao thông; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là những chế định nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, duy trì trật tự, kỷ cương, không quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Nội dung này sẽ do Chính phủ quy định tại các nghị định liên quan.
-
Trường hợp chuyển đổi cơ quan quản lý, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, ban soạn thảo tính toán thế nào để tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia giao thông - đối tượng chịu tác động lớn nhất?
(Minh Kha, 41 tuổi, Buôn Mê Thuột)Đại tá Đỗ Thanh Bình:
Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 16/03/2022 phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2022, Chính phủ thống nhất: "Chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, đề xuất, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới phát sinh".
Như vậy, chính sách về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được quy định đầy đủ, công khai, minh bạch trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Việc phân công và giữ nguyên cơ quản quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện) thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ và Chính phủ sẽ quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành sau khi Luật được thông qua.
-
Hiện nay có tình trạng mua chuộc cán bộ coi thi bằng lái xe đến việc lấy bằng lái quá dễ dàng, xem thường luật an toàn giao thông, chạy ẩu, vượt ẩu gây tai nạn giao thông. Sự việc này diễn ra phổ biến từ năm này đến năm khác mà tôi chưa thấy có giải pháp khắc phục. Đề nghị ông cho câu trả lời về biện pháp coi thi, chấm thi và có thanh tra thường xuyên việc ăn hối lộ trong thi lấy bằng không?
(Đức Huỳnh, 30 tuổi, Trà Vinh)Đại tá Đỗ Thanh Bình:
Kế thừa thừa các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông quy định đầy đủ nội dung liên quan chính sách đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tất cả đều công khai, minh bạch, mọi người cùng giám sát, nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
Ví dụ, dự thảo đã quy định trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải làm gì, trung tâm sát hạch sẽ có quy chế, quyền hạn, trách nhiệm thế nào; công khai kết quả thi cử, tình hình thu chi... Đây là những quy định mà luật trước đây không có, chỉ được quy định trong các văn bản dưới luật, nghị định. Như vậy, tính pháp lý sẽ cao và đảm bảo việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe minh bạch, chất lượng tốt hơn.
-
Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, có nên đưa vào giảng dạy môn an toàn giao thông với học sinh như một môn học bắt buộc?
(Xuân Chung, 43 tuổi, Cổ Nhuế, Hà Nội)Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng:
Công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học luôn được quan tâm, chú trọng từ nhiều năm nay. Đối với bậc tiểu học đã được đưa vào sử dụng bộ tài liệu "Giáo dục an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học". Đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được tích hợp giảng dạy trong môn Giáo dục công dân và lồng ghép tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt ngoại khoá.
Học và hiểu pháp luật về an toàn giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành luật khi tham gia giao thông là điều vô cùng quan trọng đối với người tham gia giao thông. Các em học sinh phải biết cách đi bộ; đi xe đạp điện, xe máy, xe gắn máy an toàn; đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; phải nhận biết được một số biển báo thường gặp trong giao thông; những quy định xử phạt vi phạm khi tham gia giao thông...
Tôi cho rằng việc đưa nội dung giáo dục về An toàn giao thông vào chương trình học chính khóa cho học sinh phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học là hết sức cần thiết và cần sớm được triển khai đồng bộ trong thời gian tới. Định hướng sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh được cấp chứng chỉ chứng nhận, đảm bảo một trong các điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông phù hợp với lứa tuổi.
-
Hiện nay người đi xe phân khối thấp không cần phải có bằng lái, nên độ tuổi 16-18 thiếu kiến thức an toàn giao thông. Bộ có nghĩ đến phương án người lái xe (bất kể xe phân khối nhỏ, kể cả xe đạp điện) cũng phải học bắt buộc luật và kiến thức an toàn giao thông?
(Tuấn Kiệt, 23 tuổi, Hà Nội)Đại tá Đỗ Thanh Bình:
Hiện nay xe gắn máy, xe dưới 50 cm3 được sử dụng phổ biển đối ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Để đảm bảo an toàn giao thông, tại Điều 6 Dự thảo, cơ quan soạn thảo đã đề nghị đưa vào chương trình giáo dục các nội dung về an toàn giao thông đối với học sinh sinh viên, tăng cường công tác quản lý qua nhà trường và chính quyền địa phương đối với người điều khiển loại xe này.