-
Xin chúc mừng anh. Mình muốn hỏi anh đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc chưa? Nếu chưa anh có nghĩ mình sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự không?
(Long Nguyen, 25 tuổi, Số 8 Nguyễn Huy Tưởng F.6 Quận Bình Thạnh)Thanh Long:
Cảm ơn em! Vì phải đi học nên anh chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Nhưng sau khi đi học về, nếu có thể anh sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự để góp phần bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
-
Xin cháo Bác Phạm Tuân, Bác là người tài của Việt nam và cũng là người VN đầu tiên bay vào vũ trụ. Bác có thấy hãnh diện và tự hào về mình không? Vũ Thanh Long cũng có cơ hội là người thứ 2 được bay vào vũ trụ, cảm giác của bác thế nào?
(Nguyễn Dũng, 35 tuổi, Hà nam)Trung tướng Phạm Tuân::
Cảm ơn cháu đã tham gia chương trình!
Bác rất tự hào được là đại diện của người Việt Nam bay vào vũ trụ. Như vậy thế hệ trẻ Việt Nam đã thực hiện được lời nói của Bác khi gặp phi công vũ trụ thứ 2 của Liên Xô - G.top khi ông sang thăm Việt Nam.Đã đến lúc thanh niên Việt Nam có người bay vào vũ trụ. Và như vậy người Việt Nam chúng ta không những đánh giặc, giữ nước, xây dựng đất nước và có thể sánh vai với các cường quốc làm được những việc lớn lao. Tôi tự hào được đảm nhiệm công việc nặng nề nhưng vinh quang này mà nhân dân và đất nước giao cho. Tôi là người đầu tiên mang hình ảnh đất nước con người Việt Nam vào vũ trụ. Đến hôm nay, có người thứ 2 chuẩn bị để bay vào vũ trụ nếu Vũ Thanh Long thực hiện chuyến bay vào vũ trụ thì toàn bộ hình ảnh con người, đất nước Việt Nam lại được nhắc đến trong vũ trụ. Đây là niềm vui không phải của riêng tôi mà của mọi người.
-
Anh nghĩ mình có xứng đáng để trở thành Phạm Tuân thứ 2 không?
(Nguyễn Phương Nam, 19 tuổi, 25/15 Cửu Long, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM)Thanh Long:
Cảm ơn em đã gửi câu hỏi đến chương trình.
Việc lựa chọn người đi huấn luyện tại Mỹ để bay vào vũ trụ do Ban giám khảo quyết định. Trong đó, bác Phạm Tuân - người Việt và người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ làm trưởng ban giám khảo. Hơn 20.000 người đăng ký tham gia và anh đã phải trải qua các vòng tập luyện, thử sức, phỏng vấn, giao tiếp với người nước ngoài và học tập các kỹ năng như khóa đào tạo phi công...Bác Phạm Tuân là thế hệ đi trước. Anh là lớp trẻ kế cận sau này. Việc so sánh sẽ là khập khiễng. Còn việc xứng đáng hay không anh nghĩ em đã có câu trả lời! Chúc em vui.
.
-
Bạn dự định sẽ làm gì để nối tiếp thành công này - trở thành người VN thứ 2 bay vào vũ trụ, kế hoạch trong thời gian tới của bạn là gì.
(Hòa Nguyễn, 34 tuổi, TP HCM)Thanh Long:
Dù đã trở thành người Việt Nam thứ 2 bay vào vũ trụ thì sắp tới mình vẫn phải bồi dưỡng thêm rất nhiều kiến thức và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để tiếp tục thực hiện ước mơ làm việc trong NASA. Đây cũng là kế hoạch sắp tới của mình.
-
Chào Anh, rất ấn tượng về thành công của anh, anh nghĩ mình có bao nhiêu % ở vòng thế giới, anh nghĩ sao nếu đại diện của VN thất bại ở vòng này.
(Son Trường, 18 tuổi, TpHCM)Thanh Long :
Chào em! Thực sự là một câu hỏi khiến anh phải suy nghĩ.
Sau khi vượt qua các vòng thử thách cam go tại Việt Nam một cách thành công thì anh tin rằng, với sự quyết tâm và nỗ lực của mình, việc vượt qua các thử thách tiếp theo của thế giới. Anh sẽ cố gắng hết sức bằng khả năng, nhiệt huyết và lòng đam mê. Còn lại, các vấn đề khác thì phụ thuộc vào việc anh có duyên với vũ trụ không nữa.hihi. Cảm ơn em. Chúc em vui
-
Chào anh chị, cho em hỏi tiêu chí cụ thể đề chọn ra người thắng cuộc là gì, vì em thấy trong top 3, hai thí sinh còn lại có nhiều lợi thế hơn,
(Trường Giang, 20 tuổi, nhatrang)Trung tướng Phạm Tuân:
Như tôi đã nói ở trên. Trong tuyển chọn có đặt ra tiêu chí cụ thể: tuổi đời từ 18 đến 35, có sức khoẻ tốt (được tuyển chọn theo tiêu chí phi công Việt Nam của Viện y Học hàng không Việt Nam), có trình độ văn hoá tốt nghiệp THPT trở lên, tiếng Anh tốt (có trung tâm Anh nghữ ILA kiểm tra) và vượt qua các thử thách mà ban tổ chức đã đề ra (lặn biển, nhảy dù, và 3 môn thể thao kết hợp bơi - chạy - xe đạp). Ngoài ra, còn kiểm tra phần giao tiếp. Những thí sinh đạt những tiêu chuẩn đó coi như trúng tuyển. Trên thực tế tuyển chọn vừa qua, nhiều thí sinh lọt vào những tiêu chí này nhưng trong quy chế đã đề ra chỉ chọn có 1 người nên ban tổ chức phải chọn 1 người ưu tú nhất trong số những người ưu tú này và Vũ Thành Long đã đạt thành tích cao nhất (sức khoẻ tốt, tiếng Anh giỏi, qua các thử thách đều đạt loại tốt). Tổng cộng toàn diện các điểm là người có số điểm trội hơn nên được chọn.
-
Anh nghĩ gì về trách nhiệm của mình trước và sau khi trở về trong lần bay vào vũ trụ này?
(Nguyễn Văn Sơn, 30 tuổi, Thường Xuân - Thanh Hóa)Thanh Long:
Trách nhiệm trước và sau khi bay, theo anh sẽ giống nhau, đó là giúp khẳng định vị thế của đất nước với bạn bè thế giới.
-
Câu hỏi cho anh hùng Phạm Tuân:
(Việt Anh, 33 tuổi, Singapore)
1. Ông có thể chia sẻ gì về thí sinh Vũ Thanh Long? Lý do gì khiến Long là người thắng cuộc?
2. Từ khi ông là người VN đầu tiên bay vào vũ trụ đến nay đã hơn 30 năm. Trong khoảng thời gian ấy ông đánh giá ngành hàng không vũ trụ VN có những bước tiến gì? Vì sao đến tận thời điểm này VN mới có thêm cơ hội đưa người thứ 2 lên vũ trụ?
3. Ông có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ, những người đam mê khoa học, đặc biệt là khoa học hàng không vũ trụ nhưng chưa đạt được thành công?Trung tướng Phạm Tuân:
1. Cuộc thi tuyển này có những tiêu chí rất cụ thể: 18-35, sức khoẻ tốt, trình độ văn hoá từ tốt nghiệp cấp 3, trình độ tiếng ANh. Vũ Thành Long đã hội tụ đủ 3 tiêu chí trên và vượt qua rất nhiều thử thách của cuộc thi và trở thành người Việt Nam thứ 2 bay vào vu trụ
2. Chuyến bay của tôi trong điều kiện phe Xã hội chủ nghĩa còn rất mạnh, lúc đó Việt Nam tham gia cùng các nước Xã hội chủ nghĩa cùng các anh em để bay vào vũ trụ. Chuyến bay này vừa có ý nghĩa về khoa học công nghệ vừa có ý nghĩa chính trị rất cao. Liên Xô lúc bấy giờ là nước đứng đầu phe Xã hội chủ nghĩa, từng giúp Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Sau khi Việt Nam giải phóng, Liên Xô muốn giúp nước ta trên mọi lĩnh vực nên mong muốn đưa mối quan hệ của hai nước không chỉ ở mặt đất mà cả trên vũ trụ. Chuyến bay được thực hiện như thế. Còn thực tế để chúng ta để bay vào vũ trụ một cách độc lập thì Việt Nam chưa có điều kiện. Chính vì vậy sau khi Liên Xô tan rã, chương trình Intercosmoc cũng không tiếp tục hoạt động. Hàng không vũ trụ của chúng ta chuyển sang một hướng khác đó là tận dụng những thành tựu vũ trụ của các nước đi trước để ứng dụng cho sự phát triển kinh tế của đất nước chúng ta. Vừa qua, chúng ta đã tham gia phóng các vệ tinh. Chúng ta chưa có các đề tài nghiên cứu vũ trụ lớn nên chưa có điều kiện bay vào vũ trụ. Tôi nghĩ rằng đến lúc nào đó các nhà khoa học của Việt Nam sẽ có những đề tài nghiên cứu về vũ trụ, và cần phải có người bay vào vũ trụ để thực hiện. Khi đó, chúng ta sẽ chuẩn bị các đội bay và chắc chắn chúng ta sẽ làm được những điều đó
3. Bay vào vũ trụ và nghiên cứu vũ trụ là một lĩnh vực khoa học rất mới không phải bất kỳ người nào cũng có điều kiện để tham gia. Nếu ai chưa có điều kiện trúng tuyển vào vũ trụ nhưng đam mê ngành này thì hãy tiếp tục đam mê ngành hàng không vũ trụ nhưng có thể tiếp tục học tập, rèn luyện để trở thành những nhà khoa học vũ trụ, tiếp tục đóng góp cho ngành hàng không vũ trụ của đất nước.
-
Anh Long ơi! Anh có người yêu chưa? Tiêu chí chọn bạn gái của anh là gì?
(Thu Hương, 17 tuổi, Hà Nội)Thanh Long:
Chào em! Em hỏi vấn đề này làm anh hơi... ngại. Hihi.
Anh không yêu cầu gì nhiều ở bạn gái, chỉ cần người đó hiểu anh là được. Thế mà không hiểu tại sao đến giờ anh vẫn ế :( .
-
Anh Long ơi, cảm xúc của anh như thế nào khi ban giám khảo xướng tên anh trong đêm chung kết tối 27/10.
(Phạm Vân Chi, 18 tuổi, Hà Nội)Vũ Thanh Long - Du học sinh 20 tuổi có cơ hội vào vũ trụ:
Anh cảm thấy rất ngạc nhiên về kết quả và đồng thời cũng tự hào và thấy mình đang mang một trách nhiệm lớn khi đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam sánh vai với bạn bè thế giới.