-
10h09
Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. Với tư cách là Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang và TP HCM, trải qua hơn 5 tháng dịch bệnh căng thẳng và khốc liệt, vào lúc này, ông có thể đánh giá ngắn gọn về làn sóng dịch vừa qua ở nước ta?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Xin trân trọng chào độc giả của VnExpress. Ngày hôm nay tôi rất vui khi được trao đổi trực tiếp với độc giả.
Làn sóng dịch Covid-19 của chúng ta bắt đầu từ ngày 27/4, nhanh chóng lan rộng trên địa bàn cả nước. Phải nói là trong hơn 5 tháng vừa qua, tất cả chúng ta đều rất vất vả chống dịch, phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân bị đảo lộn.
Nhìn lại, ta đều biết làn sóng Covid-19 này do chủng virus mới là Delta, chủng có nhiều đặc tính nguy hiểm hơn so với biến chủng trước đây. Nồng độ chủng virus trên dịch hô hấp của người mắc lớn hơn 1.000 lần so với trước đây và chu kỳ lây lan nhanh hơn rất nhiều, chỉ khoảng 2-3 ngày có một chu kỳ mới. Như vậy, một người có thể lây cho 9-10 người. Đặc biệt một tỷ lệ lớn bệnh nhân không triệu chứng, nếu ta để F0 tại cộng đồng, không phát hiện được, thì khả năng lây lan lớn, rất nguy hiểm.
Dịch xuất hiện đầu tiên tại Hải Dương, sau đó đến Bắc Giang, Bắc Ninh. Thời gian đầu, chúng tôi hết sức khó khăn vì chủng virus này không chỉ lan rộng trong cộng đồng mà còn tại các phân xưởng, nhà máy, nhà trọ đông công nhân. Số lượng người mắc tăng lên, xin lỗi, phải dùng chữ "chóng mặt". Chính vì vậy, nhiệm vụ của hệ thống chính trị, chính quyền, người dân ở Bắc Giang được nâng lên mức cao nhất. Bộ phận thường trực đặc biệt với vai trò hỗ trợ chống dịch cũng đã thực hiện các biện pháp khuyến cáo, đề xuất chính sách, cách ly, xây dựng bệnh viện hồi sức trong thời gian rất ngắn. Sau một tháng thì tình hình dịch ở Bắc Giang tương đối ổn.
Tiếp tục là đầu tháng 6 tại TP HCM, chúng tôi được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, vào hỗ trợ ban chỉ đạo TP HCM trong công tác phòng chống dịch. Đây có thể nói là thời gian hết sức căng thẳng đối với bộ phận thường trực của chúng tôi từ trước đến giờ: Chưa bao giờ thấy số ca mắc lên tới hàng chục nghìn, tỷ lệ tử vong có ngày lên đến 340 ca, số lượng người trở nặng vào viện rất lớn.
Cho nên, chính vì điều đó, chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, họp với Thủ tướng và cả Ban chỉ đạo và được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Thành ủy, UBND TP HCM, sau đó thực sự vào cuộc. Tôi là một thành viên của Tổ công tác đặc biệt.
Ngày 25/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia được kiện toàn, Thủ tướng làm Trưởng ban, cũng đã đem lại nhiều thay đổi, xoay chiều cho công tác phòng chống dịch cho TP HCM nói riêng và 19 tỉnh thành phía Nam nói chung.
Lúc đó, chiến lược xét nghiệm nhanh, rộng, đi tắt đón đầu là hết sức cần thiết. Bởi vì chúng ta đi vào trận mà không biết địch ở đâu, thì không thể đánh. Hệ thống y tế của chúng ta có một thời gian hết sức bất ngờ trước số lượng người nhiễm đông như vậy. Thứ hai là việc phủ vaccine chưa bao phủ toàn thể theo tinh thần của Nghị quyết 21, vì vậy số lượng người mắc tăng lên rất lớn.
Rất vui mừng là sau hơn 4 tháng với TP HCM, sau khi thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, triệt để giãn cách xã hội, huy động tất cả mọi nguồn lực y tế, quân đội, công an và các tình nguyện viên vào TP HCM với số lượng khổng lồ nhất từ trước đến giờ. Với nhân viên y tế, chúng tôi huy động khoảng 25.000 lượt cán bộ, trong đó có các em sinh viên, giảng viên trường đại học, các thành viên ưu tú nhất của hệ thống hồi sức, hệ thống bệnh viện trung ương, các địa phương... cùng với lực lượng quân y, sự hỗ trợ của quân đội, công an.
Nhờ đó, chúng ta thực hiện được hai chiến lược hết sức quan trọng: Đó là chỉ đạo của Thủ tướng "phường xã là pháo đài, người dân là chiến sĩ" và thành quả chống dịch đó là thành quả của nhân dân. Và tất cả trường hợp F0 khi được cách ly tại nhà được hỗ trợ gói thuốc, y tế, các gói an sinh xã hội hết sức kịp thời. Vì vậy, chúng ta đã giúp cho người dân đảm bảo tính mạng an toàn khi theo dõi sức khỏe tại nhà.
Thứ hai là chiến lược xét nghiệm diện rộng, đón đầu dịch ở các vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, 48 giờ một lần xét nghiệm.Chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 23/9 đến 30/9, ở TP HCM tỷ lệ ca nhiễm giảm xuống rất nhiều, từ 3,7% vào đầu tháng cho đến cuối 30/9 còn khoảng 0,1%, đây là số lượng rất ấn tượng. Các trường hợp trở nặng, tử vong trong bệnh viện giảm xuống dưới hai con số. Đây là điều chúng tôi cảm thấy rất tự hào.
Tôi nghĩ là tạo được chiến thắng này trong đợt dịch Covid-19 làn sóng thứ tư, ở các địa phương, có sự chỉ đạo rất chính xác, kịp thời của Đảng, Chính phủ, của Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Bên cạnh đó ngành y tế tập trung rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho TP HCM. Vấn đề nữa đó là sự tuân thủ của người dân, ý thức của người dân. Và chúng tôi rất là vui mừng khi đến cuối tháng 9, lượng người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại TP HCM, sau khi được hướng dẫn, lên tới hơn 50%, khoảng 60% rồi. Chính vì vậy chúng ta thực hiện chiến dịch này hết sức nhanh, gọn, đem lại trạng thái bình thường mới vào ngày 1/10. Trân trọng cảm ơn mọi người cùng tham gia vào chiến dịch này.
-
10h20
-
10h20
Xin hỏi GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, người được Bộ Y tế giao điều phối chiến lược xét nghiệm ở nhiều tỉnh thành phía Nam, bà đã trải qua thời gian vừa qua như thế nào?
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ trung ương: Như người dân TP HCM và người dân cả nước đã theo dõi, chúng ta vừa trải qua các cung bậc, giai đoạn rất khó khăn, như thiếu nhân lực, nguyên vật liệu xét nghiệm, rồi sau đó huy động được sự hỗ trợ lớn của các tỉnh khác, của quốc phòng. Đặc biệt, sự chủ động tham gia của người dân TP HCM đã quyết định chiến lược xét nghiệm được triển khai nhanh nhất, nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Từ đó, bóc tách được tất cả nguồn lây nhiễm mạnh ra khỏi cộng đồng, tiến tới khống chế dịch bệnh, mở cửa được sớm nhất và là tiền đề để có thể sống chung với Covid-19.
-
10h21
Xin hỏi bác sĩ Cấp, cảm xúc của ông khi trở về Hà Nội sau nhiều tháng chi viện miền Nam?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương: Trong gần hai năm qua, những người làm công tác chống dịch như chúng tôi, cứ chỗ nào có dịch là đi thôi. Sau khi trở về và xuất hiện điểm dịch mới, chúng tôi lại đi đến điểm mới. Chúng tôi thường xuyên như thế từ khi xuất hiện cụm dịch đầu tiên ở Hải Dương. Sau khi kết thúc cụm dịch Hải Dương, Đà Nẵng, thì lại xuất hiện cụm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang, sau đó là cụm dịch tại các tỉnh miền Nam. Thế nên những người chống dịch cứ trở về rồi lại tiếp tục ra đi. Đó là cuộc chiến chúng ta phải tiếp tục chiến đấu cho đến khi đủ điều kiện chuẩn bị về mặt xã hội, về mặt y tế để chung sống một cách an toàn với dịch.
-
10h21
-
10h25
Thưa quý độc giả, tính đến sáng nay, đợt dịch thứ 4 ghi nhận hơn 840.000 ca nhiễm, gần 785.000 người đã được công bố khỏi bệnh. Đặc biệt, ngày 12/10, lần đầu tiên VN ghi nhận số ca mắc mới dưới 3.000 sau 90 ngày. Số ca nhiễm mới, số ca bệnh nặng, số người tử vong liên tục giảm trong 10 ngày qua. Vậy, Thứ trưởng đánh giá tình hình dịch bệnh lúc này như thế nào? Có phải chúng ta đã vượt qua thời khắc đen tối nhất?
Thứ trưởng Sơn: Về mặt y tế, theo chúng tôi thấy cơ bản đã vượt qua thời gian đen tối. Thứ nhất, chúng ta trải qua những đợt cao trào, các biện pháp áp dụng cách ly F0 tại nhà, xét nghiệm được thực hiện hiệu quả. Thứ hai, sự tích cực vào cuộc của y tế, quân đội đã góp phần kiểm soát dịch trong thời gian ngắn, tạo tiền đề đem lại trạng thái bình thường mới, TP HCM chuyển sang thực hiện Chỉ thị 18, các tỉnh thành bắt đầu nới lỏng. Thứ ba, có thể thấy ý thức của người dân tự bảo vệ mình, cùng tham gia phòng dịch.
Đây là những điểm khả quan, cho thấy đây là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, khi vaccine được bao phủ, các hoạt động kinh tế trở lại, mong người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch dù đã tiêm hai mũi vaccine, bởi vaccine chỉ giúp giảm tỷ lệ trở nặng, chứ không phải tránh được lây nhiễm. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn với đại dịch, trong đó có hướng dẫn về sinh hoạt, điều trị, mong các địa phương sớm triển khai.
-
10h28
Nhìn lại thời điểm tháng 5, khi số ca nhiễm ở Bắc Giang đang theo cấp số nhân với hàng nghìn F1, F2 được cách ly, cơ quan chức năng đã quyết định phong tỏa toàn bộ vùng có dịch tại các khu công nghiệp, xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, xét nghiệm nhiều vòng và lặp lại. Đây có phải là biện pháp căn cơ giúp chúng ta kiểm soát được Covid-19 tại đây? Những bài học nào được rút ra từ việc dập dịch ở Bắc Giang - Bắc Ninh? (Nguyễn Hoàng Ngân, Đống Đa, Hà Nội)
Thứ trưởng Sơn: Xin chào bạn Hoàng Ngân. Câu hỏi rất thú vị, giúp chúng tôi hồi tưởng lại thời điểm cách đây gần 5 tháng.
Dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh thời điểm đó có nhiều điểm mới với dịch ở Đà Nẵng trước đó. Dịch xảy ra ở khu vực nhà trọ của công nhân, các nhà máy đã được phong toả, dịch vẫn tiếp tục len lỏi, càng xét nghiệm càng phát hiện nhiều người dương tính. Thời điểm tại Bắc Giang có những bài học rất quan trọng cho nhiều tỉnh thành sau này, đó là việc thực hiện giãn cách xã hội hết sức nghiêm chỉnh, sự tuân thủ của người dân.
Thứ hai, chúng ta đã thực hiện hình thức cách ly y tế cho cả một khu, ví dụ khu vực Núi Hiểu, khu Quang Biểu ở Bắc Giang. Chúng ta cách ly y tế, có tiếp tế đồ ăn giống như ở TP HCM thời gian qua.
Thứ ba, vấn đề xét nghiệm nhanh, quét nhanh, quét liên tục nhiều ngày, giúp chúng ta phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tổ chức cách ly, đưa đi điều trị nhanh nhất. Đây chính là chìa khóa then chốt. Khi ở Bắc Giang, ngành y tế bắt đầu áp dụng test nhanh kháng nguyên, bên cạnh RT-PCR. Đây chính là xét nghiệm giúp phát hiện nhanh và sớm F0.
Cuối cùng, bài học rất hay ở Bắc Giang, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ở Núi Hiểu, các đơn vị đã thực hiện không chỉ phát hiện F0 mà còn giãn dân, đưa đến cơ sở cách ly khác, kể cả người không bị mắc Covid-19 để giảm mật độ người dân. Đây cũng là bài học mà TP HCM áp dụng thời gian qua. Những bài học này rất hiệu quả trong phòng chống dịch.
-
10h30
-
10h30
Theo ông, có những khác biệt gì trong bối cảnh và đặc điểm dịch ở Bắc Giang - Bắc Ninh so với khi dịch bùng phát ở phía Nam, đặc biệt là ở TP HCM?
Thứ trưởng Sơn: Dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh khởi phát chủ yếu từ các cơ sở công nghiệp, còn TP HCM khởi phát từ hội nhóm truyền giáo. Những người tham gia tổ chức này đã đi rất rộng, đến nhiều địa bàn trên cả nước. Khi phát hiện thì dịch đã thấm nhuần ở rất nhiều nơi. Bên cạnh đó, dịch cũng lan đến các khu chợ như chợ đầu mối Bình Điền, rồi các khu công nghiệp, khu dân cư, xóm trọ đông đúc... TP HCM có địa bàn rộng, mật độ dân cư đông... là những điểm khác biệt giữa địa phương này và các nơi khác.
-
10h35
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên mới đây nói, thời điểm đầu, chính quyền sử dụng "vũ khí chậm PCR" chưa hiệu quả, có ngày lấy 40.000 mẫu nhưng năng lực trả kết quả chỉ khoảng 10.000. Kết quả xét nghiệm phải chờ đợi 24-48 giờ, có lúc kẹt máy phải 7 ngày mới trả, khi đó kết quả không còn giá trị. Quan điểm của Giáo sư Mai về vấn đề này như thế nào? Việc áp dụng chiến lược test nhanh kháng nguyên sau đó được thực hiện như thế nào và hiệu quả của nó ra sao? (Nguyễn Tùng Lâm, Quận 4, TP HCM)
GS Mai: Bí thư Nên nói thế là hoàn toàn chính xác. Ngày đầu tiên chúng tôi có mặt tại TP HCM, khi tiếp cận thông tin chúng tôi rất băn khoăn, bởi biến chủng Delta có chu kỳ rất ngắn, chỉ 48-72 giờ đã tạo ra vòng lây mới, trong chu kỳ này nếu không tách được nguồn lây nhiễm thì sau một chu kỳ số ca nhiễm không biết sẽ lên tới bao nhiêu. Nếu xét nghiệm bằng RT-PCR thì trả kết quả sau tối thiểu 12-24 giờ. Lúc này, thành phố thực hiện xét nghiệm mẫu gộp, nếu dương tính phải tách gộp, xét nghiệm đơn từng mẫu. Do đó, thời gian xét nghiệm kéo dài, khiến tốc độ trả kết quả xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan của virus.
Chúng tôi đã triển khai thử nghiệm test nhanh ở khu vực Núi Hiểu, Bắc Giang trong giai đoạn đầu nên chúng tôi hiểu hiệu quả tốt nhất của test nhanh là để bóc nguồn lây nhiễm nhanh.
Chúng ta có thể yên tâm vì hầu như người nhiễm virus giai đoạn đầu có nồng độ virus trên ngưỡng phát hiện được, nên chúng ta phát hiện được trên 80%, còn sót 20% nhưng có xét nghiệm lặp lại, sàng lọc tiếp, khẳng định lại bằng RT-PCR.
Mặc dù vậy, thời điểm đó, khả năng cung ứng test nhanh khá hạn chế. Vì vậy, chúng tôi phải ra chiến lược test nhanh mẫu gộp để đảm bảo tốc độ xét nghiệm. Đồng thời, ngoài TP HCM, lúc này nhiều tỉnh thành khác cũng có dịch. Để không địa phương nào bị "bỏ rơi", chúng tôi khuyến khích TP HCM test nhanh mẫu gộp.