Việt Nam vừa trải qua 5 tháng chống đại dịch Covid-19, đến nay, về cơ bản đã khống chế thành công. Đến ngày 13/10, đợt dịch thứ 4 ghi nhận hơn 840.000 ca nhiễm, hơn 20.700 ca tử vong. Nhiều mất mát, đau thương đã đến và đã qua. Cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, sống chung với Covid. Các tỉnh thành bắt đầu mở cửa trở lại, giao thông tái khởi động, người lao động quay lại làm việc sau nhiều ngày tháng giãn cách xã hội.
Để chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành cùng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch đã và đang đưa ra những quyết định cấp thiết, trong những thời khắc quan trọng, thực hiện nhiều biện pháp chưa từng có.
Nhằm giúp công chúng hiểu hơn về câu chuyện chưa kể của những người trong công cuộc chỉ huy phòng, chống dịch, VnExpress tổ chức Tọa đàm trực tuyến: 5 tháng trong đại dịch. Ba khách mời gồm Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp. Họ đều làm việc với vai trò là tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Độc giả đặt câu hỏi cho khách mời tại đây.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận nhiệm vụ Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ TP HCM chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, vào giữa tháng 6, khi thành phố đã trải qua nửa tháng bùng phát các chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Thời điểm nửa đầu tháng 6, số ca nhiễm Bộ Y tế ghi nhận hàng ngày trên cả nước chỉ vài chục ca, ở 5-6 tỉnh thành, trong đó chủ yếu tại TP HCM liên quan nhóm truyền giáo và lây nhiễm rải rác một số địa phương. Sau đó, dịch bắt đầu lây lan rộng, âm thầm nhiễm trong cộng đồng, số ca ghi nhận hàng ngày nhanh chóng tăng 2 con số, 3-4 con số; ca tử vong liên tục tăng cao; nhiều quận huyện phong tỏa các cụm dân cư, khu phố, chung cư; hàng chục bệnh viện dã chiến được thành lập cấp tốc vẫn không đủ thu dung bệnh nhân, lập đến đâu đầy đến đó...
Thứ trưởng Sơn, với vai trò "tư lệnh chiến trường", thay mặt Bộ Y tế điều phối hoạt động chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, phối hợp Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia, Ban chỉ đạo chống dịch thành phố đưa ra nhiều quyết sách, triển khai nhiều chiến lược, chiến thuật, áp dụng mô hình điều trị 3 tầng... Ông đưa ra lời hiệu triệu, kêu gọi tất cả lực lượng y tế kể cả người về hưu, sinh viên, tình nguyện chung tay hỗ trợ TP HCM chống dịch.
Trong suốt 5 tháng chống dịch, vai trò của các nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu - đặc biệt quan trọng. Gần 200.000 y bác sĩ, nhân viên y tế, bao gồm đội ngũ tại chỗ (huy động từ các bệnh viện công - tư - phòng khám - trạm y tế cơ sở); hơn 29.000 nhân lực từ các đơn vị thuộc Bộ Y tế tại TP HCM, các bệnh viện Trung ương, bệnh viện các tỉnh thành cả nước chi viện... Họ góp công lớn trong việc khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và ca tử vong.
Một trong những mũi chiến lược quan trọng để nhanh chóng khoanh vùng dập dịch là xét nghiệm, "thần tốc xét nghiệm", Bộ Y tế xác định như vậy. Khi dịch bắt đầu bùng phát ở TP HCM, giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai được Bộ Y tế điều phối vào Nam hỗ trợ.
Bà Mai là chuyên gia về xét nghiệm và dịch tễ. Hai năm qua bà luôn là một trong những người đầu tiên có mặt ở những vùng dịch nóng nhất, tham gia chỉ huy hoạt động lấy mẫu xét nghiệm. Trong đợt dịch thứ 4 tại miền Nam, bà tham gia điều phối chiến lược xét nghiệm ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai...
Chiến thuật xét nghiệm thời gian qua nhiều lần được thay đổi cho phù hợp với diễn biến dịch, có khi gây tranh cãi. Từ xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng sang xét nghiệm cộng đồng có trọng điểm, xét nghiệm tận nhà, test nhanh mẫu đơn hay mẫu gộp, mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay PCR, cho người dân tự test nhanh...
Đến nay, khi dịch đã được kiểm soát trong thích ứng mới, xét nghiệm vẫn là mũi chiến lược quan trọng nhằm sàng lọc, phát hiện F0 để kịp thời cách ly khỏi cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trong nhóm chuyên gia đầu tiên chi viện Đồng Tháp đầu tháng 7. Khi ấy, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu bùng phát dịch, đặc biệt số ca tử vong tại Đồng Tháp tăng cao và rất nhanh.
Bác sĩ Cấp tham gia điều trị bệnh Covid từ đầu năm ngoái, khi những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Vào Đồng Tháp, ông nhận thấy thực tế là năng lực điều trị hồi sức tích cực ở tỉnh này, cũng như các tỉnh miền Tây, rất thiếu thốn cả về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Đây cũng là lý do khi ấy số tử vong tại Đồng Tháp rất cao, chỉ vài ngày đã mất đi mấy chục người. Bác sĩ Cấp, cùng các đồng nghiệp chi viện, đã từng bước vừa điều trị bệnh nhân nặng, chặn tử vong, vừa huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật hồi sức tích cực cho đội ngũ y tế địa phương để nâng cao năng lực chuyên môn.
VnExpress