Chào bạn Kiwi. Trước đây tôi không biết nhiều về bạn lắm, chỉ nhớ bạn là loài chim biểu tượng của đất nước New Zealand. Cho đến khi tham gia cuộc thi “New Zealand – Chân trời mới”, tôi mới tìm hiểu kỹ về bạn.
- Đúng là tôi nổi tiếng ở New Zealand, nhưng đất nước này khá xa xôi đối với Việt Nam. Chỉ những người muốn du học, du lịch hoặc sinh sống ở nước tôi mới quan tâm tôi là ai. Vì thế, trước tiên cho tôi gửi lời cám ơn tới ban tổ chức cuộc thi này đã tạo một “cú huých” cho tôi được nổi tiếng hơn.
- Tại sao bạn được chọn là biểu tượng của đảo quốc New Zealand?
- Vì tôi là sinh vật đặc hữu của quốc gia này. Tức là chỉ New Zealand mới có Kiwi. Và nói đến Kiwi là người ta nghĩ ngay đến New Zealand. Khi ai đó nói “Tôi là chim Kiwi” cũng có nghĩa “Tôi là người New Zealand” vậy.
- Người ta gọi bạn là chim mà sao bạn không bay được nhỉ?
- Vì tôi thuộc họ đà điểu mà. Tôi là loài nhỏ nhất trong dòng họ này. Đảo quốc của tôi cách biệt với các châu lục, nên Kiwi cũng như nhiều động thực vật khác có những nét độc đáo và kỳ thú.
- Con người New Zealand có như vậy không?
- Có. Đó là người Maori bản địa, là dân tộc thiểu số đông dân cư nhất ở đây. Họ là người Polynesia định cư tại New Zealand vào năm 1250 - 1300 sau Công nguyên và phát triển văn hóa Maori đặc trưng. Họ có ngôn ngữ riêng, một kho thần thoại phong phú, các nghề thủ công và nghệ thuật trình diễn đặc sắc.
- Tôi bắt đầu thấy tò mò về dân tộc này đấy. Họ có vai trò như thế nào trong xã hội New Zealand?
- Năm 1769, thuyền trưởng James Cook thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã đến thám hiểm, đổ bộ lên đảo và tuyên bố New Zealand là đất của Anh. Người Anh kéo đến định cư ở đảo này đã bị người Maori chống lại. Cuộc đấu tranh của người Maori kéo dài gần một thế kỷ, kết quả là hai bên đã thỏa hiệp và ký Hiệp định Waitangi ngày 6/2/1840. Theo đó, người Maori công nhận việc Hoàng gia Anh bảo hộ New Zealand để đổi lại việc Hoàng gia Anh thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người Maori.
Quá trình thuộc địa hóa New Zealand của đế quốc Anh ở đầu thế kỷ 19 đã gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu giữa người Maori và chính quyền thuộc địa. Người Anh chiếm đất hoặc lừa người Maori mua rẻ bán đắt. Người Maori đoàn kết chống lại. Trước sức mạnh cơ giới của người Anh, dân tộc Maori thắng ít thua nhiều nhưng cũng có lúc giáo mác thô sơ đánh thực dân Anh chạy không còn manh giáp... Sự dũng cảm của dân Maori đã làm cho chính quyền thuộc địa nhân nhượng rất nhiều trước những đòi hỏi chính đáng của họ.
Cho đến ngày hôm nay người Maori vẫn kiên trì đòi hỏi chủ quyền đất đai. Họ có một địa vị đặc biệt trong xã hội New Zealand và có đóng góp to lớn trong lĩnh vực văn hóa và chính trị. Kỳ nữ Kiri Te Kanawa, niềm tự hào của người Maori, là một danh ca nhạc viện nổi tiếng thế giới. Ngoại trưởng Winston Peters của chính phủ là người gốc Maori. Ở những cơ quan công quyền và đại học, chữ Anh và chữ Maori La-tinh hóa được dùng cùng một lúc trong văn thư và trên những tấm biển chỉ dẫn.
- Như vậy là ngày nay, con người và văn hóa Maori đã được tôn trọng và có chỗ đứng trong xã hội New Zealand rồi phải không?
- Đúng vậy. Tất cả những người New Zealand văn minh hiểu rằng, sự bình đẳng giữa các dân tộc dựa trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt là một điều tốt đẹp, thúc đẩy xã hội phát triển và hòa bình. Hơn nữa, việc bảo tồn và biểu dương văn hóa Maori càng làm giàu thêm nền văn hóa của đất nước chúng tôi.
- Văn hóa Maori và chim Kiwi, cái nào đặc trưng hơn khi nói về đất nước New Zealand?
- Cũng khó mà so sánh, bởi một cái là văn hóa, một cái là tự nhiên. Hai cái bổ sung cho nhau tạo nên bản sắc của đảo quốc chúng tôi.
- Có người gọi bạn là “loài chim khiếm khuyết”, bởi một lý do là bạn không biết bay. Cách gọi này có khiến bạn tủi thân hay mặc cảm không?
- Thứ nhất là tôi không mặc cảm hay tủi thân gì cả. Thứ hai là tôi không nghĩ mình khiếm khuyết. Nếu thế thì các bạn gà, vịt, ngan, ngỗng không biết bay ở nước bạn cũng là những loài khiếm khuyết à? Và cứ phải biết bay mới là “loài chim đầy đủ” à? Ở nước tôi chẳng ai gọi đà điểu là loài chim khiếm khuyết cả. Mỗi loài có một nét riêng, tạo nên sự đa dạng của thế giới. Tôi tự hào vì nét riêng biệt của mình, và người New Zealand cũng tự hào nói: “Tôi là chim Kiwi”.
- Cảm ơn bạn Kiwi. Tôi ước mong một lần được ghé thăm đất nước bạn, một xứ sở thần tiên mà tôi mới chỉ biết qua sách báo và truyền hình.
Mai Huy Thăng