Chàng sinh viên 19 tuổi quê Quảng Ninh, sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội, đã cùng bạn thuê căn phòng rộng 35 m2, bên trong lắp sẵn hai giường, tủ quần áo cho bốn người ở, từ cuối tháng 7.
"Ở đây rộng rãi, thoáng mát, an ninh tốt, lại yên tĩnh, rất phù hợp để chúng tôi ôn bài thay vì lên thư viện của trường. Tôi không nghĩ có thể tìm được một căn phòng đẹp như vậy khi lên Hà Nội", Chiến nói.
Trước khi thuê ở đây, Chiến từng ở trong một căn phòng cấp 4 lợp tôn, rộng 10 m2, giá gần 2 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể điện nước ở Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), nhưng khoản tiền này trở thành gánh nặng khi cậu vẫn nhận trợ cấp từ bố mẹ. Vài tháng sau, cậu được bạn bè giới thiệu đến thuê phòng được cải tạo từ các biệt thự bỏ hoang ở huyện Hoài Đức, giá thấp hơn 15-20%. "Một phòng được ở tối đa bốn người. Tính ra mỗi người một tháng chỉ tốn hơn một triệu đồng bao gồm cả điện, nước và ăn uống. Chúng đáp ứng được tiêu chí rẻ, đẹp, gần trường mà tôi mong muốn", Chiến nói.
Cùng phòng với Chiến, Voòng Văn Mạch, 18 tuổi, nói rằng lần đầu được sống trong một phòng trọ nằm trong biệt thự. Thời gian đầu mới chuyển đến, Mạch nói dễ bị lạc do chưa thông thạo đường trong khu đô thị. "Nhưng ở lâu thành quen, giờ tôi còn biết cả lối tắt. Chưa kể khí hậu ở đây trong lành, ít xe cộ, chiều tan học có thể xuống đường tập thể dục, có lẽ tôi sẽ gắn bó lâu dài", anh nói.
Đinh Thị Trang, 20 tuổi, chuyển đến sống trong phòng trọ biệt thự được ba tháng. Trước đó cô từng thuê các căn hộ mini tại phường Mỹ Đình, giá từ 2,9 triệu đồng đến 4,2 triệu đồng.
"Nhiều người có thể dè chừng bởi nơi đây hoang vu, ít người qua lại nhưng tôi lại thích vì được ở một mình. Phòng đầy đủ tiện nghi mà giá rẻ hơn nhiều so với các chỗ trọ trong khu đông dân cư. Tôi không nghĩ các căn biệt thự bỏ hoang có thể tu sửa sạch, đẹp đến vậy", cô nói.
Những căn biệt thự bỏ hoang được cải tạo thành nhà trọ giá rẻ thường nằm trong các dự án đô thị ven đô như Nam An Khánh, Vân Canh, Lideco hay Geleximco Lê Trọng Tấn... Các biệt thự này được xây dựng từ năm 2008, từng được định giá từ 5 tỷ đến 40 tỷ đồng mỗi căn, với kỳ vọng mang đến trải nghiệm cuộc sống mới, cao cấp và tiện nghi hơn. Nhưng hầu hết các căn nhà này chỉ dừng lại sau khi hoàn thiện phần thô.
Hiện, số lượng biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang ở Hà Nội lên đến hàng nghìn căn, đa phần đã xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm cao đến hai mét bịt kín lối đi, trong khi tình trạng thiếu phòng trọ, chỗ ở cho sinh viên, người lao động vẫn diễn ra.
Nắm bắt được thực tế này, một số đơn vị đã tiến hành tu sửa, biến biệt thự bỏ hoang thành phòng trọ cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp thuê. Anh Lê Văn Hòa, 38 tuổi, Tổng Giám đốc một công ty chuyên cung cấp phòng trọ giá rẻ ở Hà Nội, cho biết đơn vị đã đưa 115 căn biệt thự và nhà liền kề trở thành hơn 1.000 phòng trọ tại các khu đô thị Vân Canh, Tân Tây Đô, Lideco, Nam 32.... vào hoạt động từ tháng 10/2019. Giá thuê phòng đầy đủ nội thất từ 2 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng, diện tích 20-40 m2, ở tối đa bốn người.
Như căn biệt thự mà Chiến và Mạch đang thuê nằm trong khu đô thị HUD Vân Canh, gồm 4 tầng, 8 phòng trọ, dưới sân có lắp camera giám sát để đảm bảo an ninh. Các phòng đều quét sơn sạch sẽ, sàn ốp gạch, đa phần có ban công phơi quần áo hoặc nấu nướng. Giường, tủ, bình nóng lạnh có sẵn, riêng điều hòa, tủ lạnh sẽ lắp theo yêu cầu.
Ngoài tiền phòng, mỗi tháng người thuê trọ phải trả tiền điện sinh hoạt 3.000 đồng/kWh, 90.000 đồng tiền nước, 100.000 đồng tiền Internet, 40.000 đồng phí dọn dẹp hành lang, nhà vệ sinh, sân vườn và được hỗ trợ sửa chữa miễn phí khi các thiết bị trong phòng gặp sự cố.
Sau ba năm đưa vào triển khai, đơn vị của anh Hòa ước tính phục vụ hơn 6.000 khách đến thuê. Sinh viên chiếm 70%, còn lại là người lao động có thu nhập thấp. "Trong giai đoạn dịch bệnh lượng khách thuê phòng giảm nhẹ. Nhưng đầu năm nay đã quay trở lại mức cũ, tỷ lệ lấp đầy phòng ở mức 90%, thời gian thuê tối thiểu 6 tháng", anh Hòa nói.
Đặc biệt trong đợt cao điểm khi sinh viên nhập trường, tình trạng hết phòng thường xuyên diễn ra. Như giai đoạn cuối tháng 7, đầu tháng 8, mỗi ngày đơn vị của anh Hòa tiếp nhận hơn 100 yêu cầu xem phòng. Nhiều giai đoạn không còn phòng trống, buộc phải tạm dừng nhận đơn đăng ký.
Ngoài cho thuê phòng có sẵn, trung bình mỗi tháng công ty anh Hòa cung cấp 70-80 phòng mới tại các biệt thự, nhà liền kề ra thị trường. "Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cung ứng khoảng 3.000 phòng trọ cao cấp, giá rẻ. Việc này không chỉ giải quyết bài toán thiếu phòng mà còn giúp các chủ sở hữu không bị xử phạt hành chính nếu không đưa các biệt thự vào sử dụng khi đến kỳ hạn, theo đề xuất của thành phố Hà Nội trình Bộ Tài chính hồi tháng 6/2021", anh Hòa nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết cải tạo biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang thành phòng trọ cho thuê là giải pháp hay, cần được khuyến khích, nhân rộng để giải quyết nhu cầu bức thiết của xã hội và thị trường, nhất là trong bối cảnh thiếu chỗ ở gia tăng.
"Nhưng trước khi triển khai các đơn vị kinh doanh cần phải đăng ký và xin được cấp phép với chính quyền địa phương. Việc xin cấp phép và đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, thoát nạn thoát hiểm... theo quy định, sẽ đảm bảo sự an toàn cho chính người thuê và đơn vị cung cấp dịch vụ", ông Đính nói.
Quỳnh Nguyễn