Vài năm nay, khu nhà trọ 17 phòng của gia đình ông Lê Văn San (60 tuổi) ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh thường chỉ có một nửa số phòng có người ở. Bất chấp khu trọ này có không gian khá thoáng đãng, sạch sẽ, giá thuê khoảng 500.000 đồng mỗi tháng nhưng "chỉ thấy người chuyển đi chứ không ai đến". Ông San giữ chân người thuê bằng chiêu khuyến mãi thuê một phòng, cho mượn thêm một phòng để ở cho rộng rãi.
Cách chừng 300 mét, khu trọ 9 phòng của gia đình ông Hoàng Công Sỹ (72 tuổi) lâu nay chỉ có hai phòng ở cố định. Ông đã hạ giá xuống mức thấp nhất, 300.000 đồng một phòng - bằng giá của cả chục năm trước - vẫn không có ai ngó ngàng. "Ngày trước công nhân đi chật cả đường, nhưng giờ họ đi đâu hết. Năm lần bảy lượt treo biển cho thuê phòng bị gió mưa đánh tả tơi, nhà tôi chán chẳng buồn treo nữa", ông cho biết.
Thôn Bầu cùng với thôn Nhuế và Hậu Dưỡng (xã Kim Chung) từng là "thủ phủ phòng trọ". Sự ra đời của khu công nghiệp Bắc Thăng Long hai chục năm trước đã giúp đời sống người dân của xã cải thiện nhờ cho thuê phòng trọ và hàng quán, dịch vụ phục vụ công nhân.
Gia đình ông San là một trong những hộ đầu tiên xây nhà trọ vào năm 2003, mỗi phòng 10 m2. Ngày ấy lương công nhân 360.000 đồng mỗi tháng, tiền trọ 150.000 đồng bốn, năm người chia nhau. "Xây phòng trọ cỡ 2-3 năm là lấy lại được gốc", ông chia sẻ.
Về sau, các khu trọ được xây rộng đẹp hơn, có vệ sinh khép kín thu hút khách thuê. Nhà cấp bốn dần bị quay lưng. Gia đình ông San, ông Sỹ giữ giá thuê ổn định cả chục năm nay, một số nhà khác hạ giá hơn để thu hút khách nhưng nhiều khu gần như bỏ hoang.
Ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết thời những năm 2010, toàn xã có hơn 1.000 hộ xây nhà trọ cho thuê. "Giờ những phòng ấy ngày càng không ai ở", ông nói.
Lý giải về thực trạng này, ông Khang cho biết một phần do các phòng xuống cấp, phần lớn là do thu nhập của công nhân ngày càng cao, có điều kiện để thuê phòng trọ đầy đủ tiện nghi, khép kín. Bên cạnh đó, các công ty có chính sách đưa đón công nhân trong bán kính 50 km, giúp người lao động có thể đi về dễ dàng thay vì phải ở trọ.
Toàn xã còn gần 900 hộ duy trì dịch vụ cho thuê trọ. Các chủ nhà biết "phòng cũ đuổi khách" nhưng chỉ có thể hoạt động cầm chừng hoặc phá dỡ chứ không thể cải tạo bởi lãi suất ngân hàng cao, thu hồi vốn chậm.
Tình trạng thừa phòng thiếu khách cũng diễn ra tại các khu trọ kiểu cũ ở cận và nội đô. Ba năm trước, dãy 5 phòng trọ cấp bốn, vệ sinh ngoài của gia đình bà Mai Hoa (50 tuổi) ở quận Cầu Giấy luôn kín chỗ, nhiều thời điểm khách phải đặt trước vài tháng bởi gần trường đại học, chợ lại thuận tiện di chuyển. Nhưng nay chỉ còn hai người thuê cố định, các phòng còn lại thi thoảng có công nhân xây dựng thuê ngắn hạn.
"Một số khách đặt điều kiện thuê lâu dài nếu tôi lắp thêm điều hòa, giường ngủ, số khác lại muốn có nhà vệ sinh khép kín. Điều kiện kinh tế của gia đình có hạn nên tôi chấp nhận hạ giá chứ không thể nâng cấp", bà Hoa nói.
Ở làng Tân Mỹ (Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) hai phòng trọ 16 m2, giá thuê một triệu mỗi tháng, của gia đình bà Lê Tuyền (55 tuổi) đã bỏ trống hai năm với lý do tương tự. Từng tính phương án tu sửa để thu hút khách, nhưng bà Tuyền nhẩm tính phải chi cả trăm triệu.
"Quá tốn kém nên đành chịu", bà Tuyền thở dài. Sau thời gian treo biển nhưng khách xem đều lắc đầu bỏ đi, bà đành cất biển, để trống phòng.
Hoàng Linh, 33 tuổi, chuyên viên môi giới bất động sản có thâm niên hơn chục năm tại Hà Nội cho biết khi điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu của người đi thuê trọ không còn là giá rẻ, mà là không gian đẹp, hiện đại dù giá thuê cao. Nhu cầu phòng trọ đầy đủ tiện nghi không chỉ trong giới nhân viên văn phòng mà cả ở sinh viên và công nhân. Nhiều người sẵn sàng chi tới 1/2 mức lương để thuê một chỗ ở ưng ý.
"Cứ 10 khách tìm phòng trọ, có 7 người yêu cầu một chỗ ở khang trang, sạch sẽ và đủ tiện nghi, dù mức giá thuê hiện tăng 30-50% so với các năm trước", anh Linh nói.
Nắm bắt được nhu cầu này, một số chủ trọ bắt đầu nâng cấp phòng ốc, trang bị thêm nhiều tiện ích. Khảo sát nhanh của VnExpress tại xã Kim Chung (Đông Anh), phường Mỹ Đình 1, 2 (quận Nam Từ Liêm), phường Yên Hòa, Dịch Vọng Hậu, Dịch Vọng (quận Cầu Giấy); phường Thượng Đình, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) các chủ trọ đang cung cấp phòng cho thuê đầy đủ tiện nghi, có gác lửng, vệ sinh khép kín, giá dao động 2,5-5 triệu đồng.
Gia đình chị Thanh Nghi (38 tuổi) thuê nhà tại Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, cho biết trước đây dãy trọ có giá chỉ hơn một triệu đồng mỗi tháng. "Vài tháng nay chủ trọ đã quét sơn lại, mỗi phòng lắp thêm giường, tủ, điều hòa. Giá nâng lên gần 3 triệu đồng, hiện đã kín phòng", chị Nghi nói.
Riêng tại "thủ phủ phòng trọ" xã Kim Chung, đầu tư xây mới hoặc cải tạo là bài toán nan giải. Nhà ông San quyết định giữ nguyên hiện trạng, tận thu được đồng nào hay đồng ấy.
Nhà ông Sỹ lại có nỗi buồn sâu sắc hơn. Hai năm trước, ông bà rời quê lên thành phố sống cạnh con cháu, đầu tư 800 triệu đồng mua khu trọ 300 m2 này, với hy vọng có đồng ra đồng vào. Cặp vợ chồng đầu tư thêm xây một phòng tạm bợ để sống bên cạnh dãy trọ. Nhưng song hiện mỗi tháng họ chỉ thu được 600.000 đồng từ cho thuê. Mục tiêu thu hồi vốn không có khả năng.
"Giờ chỉ mong có khách trọ cho bớt vắng vẻ, cô đơn", ông Sỹ nói.
Quỳnh Nguyễn - Phan Dương