Chris, một chuyên gia công nghệ thông tin người Mỹ từng làm việc với hai ông sếp tồi tệ. Một người sẽ không trả lương khi nhân viên nghỉ ốm, trong khi người còn lại chỉ trả cho một tuần nghỉ phép, sau đó phải quay lại làm, bất chấp còn ốm hay đã khoẻ. Chính sự hà khắc trong chế độ đãi ngộ khiến anh nghỉ việc.
Nhưng đến khi làm việc tại bộ phận hỗ trợ khách hàng của một công ty bảo hiểm, suy nghĩ bỏ việc của Chris lại nhen nhóm. Với mức lương ít hơn 13 USD mỗi giờ, anh phụ trách công việc xác minh khách hàng. Nhưng anh tiết lộ, bản thân sẽ bị sa thải nếu cung cấp cho khách hàng những thông tin bất lợi với công ty, như hạn cuối phải nộp hồ sơ.
"Có những người đã khóc và van xin tôi cứu sống họ trên điện thoại, nhưng tôi không thể làm gì vì các quy tắc ngầm. Điều đó khiến tôi cảm thấy bất lực, muốn rời xa môi trường làm việc mất đi sự đồng cảm và lòng tốt của con người", Chirs nói.
Đại dịch khiến nhiều nhân viên trên toàn cầu mệt mỏi, sức khỏe tâm thần giảm sút khi khối lượng công việc lớn nhưng lương giảm. Điều này khiến số người rời bỏ việc để tìm kiếm các lựa chọn tốt hơn hoặc trở thành một phần của phong trào bỏ việc gia tăng.
Vài năm trước, phản đối làm việc là một tư tưởng cực đoan, nhưng đại dịch khiến phong trào này phát triển nhanh và trở nên nổi tiếng. Ngày nay càng nhiều nhân viên chia sẻ câu chuyện bỏ việc và tạo tác động lớn đến các cuộc đình công đang diễn ra trên khắp thế giới. Trong khi các tổ chức lao động phải gồng mình giữ chân nhân viên.
Doreen Ford, quản trị viên của hội nhóm "antiwork" (ghét công việc), cho biết chỉ từ 100.000 người đăng ký hồi tháng 3/2020, nay nhóm đã có 1,7 triệu thành viên. Lượng người theo dõi tăng đều đặn từ 20.000 người đến 60.000 người mỗi tuần. Hàng ngày có hàng trăm bài chia sẻ và bình luận về lý do nên nghỉ việc hoặc mẹo để thương lượng mức lương cao với nhà tuyển dụng.
"Covid-19 khiến công việc bị gián đoạn, nhưng đây là cơ hội để nhiều người nhận ra cơ chế quản lý hà khắc và kiểm soát nhân viên", Tom Juravitch, giáo sư nghiên cứu về lao động tại Đại học Massachusetts, Amherst, Mỹ, nhận định.
Có thể nói, dịch bệnh đã vạch trần những bất bình đẳng sâu sắc giữa nhà quản lý và người lao động như lương thấp, không được trả lương hoặc làm việc trong môi trường thiếu an toàn. Thậm chí, họ bỏ mặc người lao động tự vận lộn để giải quyết áp lực công việc và trách nhiệm với gia đình khi trường học đóng cửa.
Tuy nhiên, Kate Bronfenbrenner, giám đốc nghiên cứu giáo dục lao động, đồng thời là giảng viên cao cấp tại Đại học Cornell, Mỹ, lưu ý dịch bệnh có thể là một yếu tố khiến tình trạng phản đối làm việc gia tăng, nhưng phong trào này đã ngầm diễn ra từ rất lâu.
Trong quá khứ, phản đối làm việc từng xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ trước, thời kỳ lạm phát và suy thoái kinh tế ở Mỹ khiến nhiều lao động đình công, bỏ việc và yêu cầu được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ thay vì chỉ tăng lương. Nhưng phong trào này không đạt được ảnh hưởng mạnh mẽ khi tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng và mức thu nhập giảm sút.
Còn với Chris, anh chỉ xem phong trào là một phần nhỏ trong những gì bản thân kỳ vọng có thể thay đổi thực trạng công việc hiện nay, ngay cả khi không được thụ hưởng. "Tôi hy vọng có thể tạo ra những điều kiện làm việc thuận lợi hơn cho những người đến sau", anh nói.
Minh Phương (Theo BBC)