Sau tốt nghiệp, Meng Ling đi làm và sớm gặp phải vấn đề nhiều thế hệ người lao động ở Trung Quốc phải đối mặt. Dù đã thỏa thuận mức lương và trách nhiệm với công ty ở Thâm Quyến, nhưng ngày lĩnh lương, cô gái 22 tuổi bị trừ vài nghìn tệ.
"Quản lý nói tôi không đủ kỹ năng nhận mức lương cao như vây, dù đã thỏa thuận khi phỏng vấn", Meng nói. Họ từ chối ký hợp đồng với cô.
Thay vì lặng lẽ chấp nhận mức lương thấp hơn thỏa thuận, cô gái thuê luật sư, cung cấp bằng chứng sai phạm của chủ. Kết quả, công ty phải bồi thường cho cô 16.000 tệ.
Meng chia sẻ chiến thắng của mình trên mạng xã hội Trung Quốc bằng cách sử dụng hashtag "#-'00s chấn chỉnh nơi làm việc".
Những nhân viên Gen Z như Meng những tháng gần đây đã gây chấn động lớn ở đất nước tỷ dân. Năm 2022, nhóm người đầu tiên sinh sau 2000 tốt nghiệp đại học, đi làm và nhanh chóng tạo ra ảnh hưởng khiến xã hội nhận ra sự hiện diện của mình.
Các công ty tư nhân Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với văn hóa làm việc bóc lột. Nhân viên thường xuyên phàn nàn về hệ thống phân cấp văn phòng cứng nhắc, buộc làm thêm giờ, cắt giảm lương vô lý. Nhưng những người sinh sau năm 2000 ít tuân theo quy định ngầm này hơn các thế hệ trước.
Những người hậu 2000 tự đẩy lùi các phương thức làm việc bóc lột bằng cách sử dụng hashtag # "hậu '00s chấn chỉnh nơi làm việc" để chia sẻ câu chuyện có phần nổi loạn của mình và trao đổi mẹo để bảo vệ quyền lợi.
Người sử dụng lao động phàn nàn rằng thế hệ hậu '00s' không thể quản lý được. Với một số người khác, phong trào phản ánh sự thay đổi cơ bản trong xã hội Trung Quốc, khi một thế hệ mới lớn lên trong bối cảnh thịnh vượng chưa từng có từ chối những điều kiện khắc nghiệt áp đặt những người lớn tuổi hơn họ. Nhưng cũng có người cho rằng hậu '00s' không làm gì mới và sẽ sớm phải thay đổi cách thức.
Thuật ngữ "hậu '00 chấn chỉnh nơi làm việc" lần đầu xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc vào nửa đầu năm 2022. Mặc dù không rõ ai là người đặt ra cụm từ này, nhưng một số phương tiện truyền thông trong nước khẳng định nó bằng đầu bằng bài đăng ẩn danh trên ứng dụng xã hội Wechat.
"Chỉ những người sau những năm 2000 mới chấn chỉnh nơi làm việc. Tôi làm việc một năm, đã xử lý bốn công ty và kiện hai công ty. Tôi là chính tôi", bài viết có đoạn. Từ đó, thuận ngữ này bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn. Trên Weibo, hashtag được xem hơn 12 triệu lần.
Nhiều người Gen Z đăng ảnh chụp màn hình các cuộc tranh luận của họ với sếp, khởi kiện người sử dụng lao động và thảo luận về việc từ chối làm thêm giờ không lương.
Bằng cách đó, những người thuộc thế hệ sau 2000 hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người khác noi gương.
Yun, quản lý nhân sự tại một công ty ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đã trực tiếp làm việc với nhân viên hậu '00s. Yun cho biết, đến gần đây, công ty vẫn không đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên mới, dù pháp luật quy định. Nhưng khi tuyển một số người sau năm 2000, họ thách thức công ty về chính sách này, buộc doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm y tế cho mọi nhân viên.
Yun thừa nhận phong trào này là điều tốt, khi nhắm vào các chính sách bất hợp pháp của doanh nghiệp. Nhưng anh lo ngại một số vấn đề trong văn hóa làm việc của Gen Z. "Họ khá thiếu tôn trọng đồng nghiệp và cấp quản lý. Họ lấy cớ chấn chỉnh văn hóa làm việc cho sự bất lịch sự. Gen Z có thể thấy đúng lúc này, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, họ có thể hành động theo cách tốt hơn", Yun nhận xét.
Trong một cuộc trao đổi lan truyền trên mạng xã hội, một nhân viên Gen Z đã thắng trong cuộc tranh chấp với một công ty về khoản lương chưa trả. Khi người quản lý gửi tiền lương cho họ qua WeChat, nhân viên đó cũng nhân cơ hội để lăng mạ sếp cũ.
Nhưng Erica, 22 tuổi, ở Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, khẳng định không phải tất cả những người sau những năm 2000 đều chấn chỉnh công sở theo cách thô lỗ như vậy.
Công việc đầu tiên của Erica là trong một phân khu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba. Cô thường xuyên xung đột với công ty khi phải làm ngoài giờ không lương, sếp hay hút thuốc lá trong văn phòng. "Có một văn hóa là 'nếu ông chủ chưa về, bạn cũng vậy'. Có lần, tôi làm việc đến nửa đêm mà không có lý do", cô kể.
Erica lại từ chối làm thêm và công ty cuối cùng chấp thuận. Nhưng cô khẳng định không đòi hỏi một cách thiếu lịch sự. Erica chỉ đơn giản giải thích đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ và công ty sẽ phải trả tiền cho cô ấy nếu làm thêm giờ, theo quy định của pháp luật.
"Chúng tôi đang bày tỏ những ý tưởng và khái niệm của mình về nơi làm việc. Nếu các điều kiện bất lợi, chúng tôi không cần phải chấp nhận", cô nói.
Đối với nhiều người, thế hệ sau những năm 2000 của Trung Quốc nổi loạn hơn các thế hệ trước vì một lý do đơn giản: họ có đủ khả năng để trở nên nổi loạn. Maggie, một thanh niên 22 tuổi, ở Quảng Đông, nói rằng sự thoải mái về vật chất, tư tưởng giúp thế hệ của cô đẩy lùi bất công.
Các thế hệ trước phải làm việc để có cái ăn, cái mặc nên chịu nhẫn nhục để có công việc, bất chấp bị bóc lột. Nhưng thế hệ của cô được hỗ trợ nhiều hơn, khi lựa chọn nghề nghiệp đa dạng, cha mẹ có điều kiện kinh tế để giúp đỡ con mình. "Chúng tôi có cơ sở để thách thức văn hóa làm việc và rời bỏ nếu thấy nó không phù hợp", cô nói.
Giáo sư Wang Kan, đại học Quan hệ lao động Trung Quốc cho rằng, thời đại trước, người lao động Trung Quốc tự hào về chiku, cụm từ chỉ khả năng chịu đựng khó khăn. Nhưng ngày nay, sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc tầng lớp trung lưu không có nhu cầu kiếm tiền lập tức.
Kinh tế được cải thiện, lương hưu tăng và nguy cơ rơi vào cảnh nghèo cùng cực giảm xuống. Nhiều cha mẹ không tạo áp lực quá lớn cho con trong tìm việc làm. Phụ huynh ở thành phố lớn thấy nếu con không hạnh phúc hoặc thiệt thòi, chúng luôn có thể trở về nhà.
Theo giáo sư Wang, sự hỗ trợ này cho phép thế hệ hậu '00s có cơ sở chọn yêu cầu công việc phù hợp với họ. Theo một báo cáo năm 2022, những nhân viên sinh sau 2000 coi trọng chọn công việc mang lại cho họ cảm giác bản thân có giá trị và xem đó là yếu tố chính khi chọn việc.
Nhưng một số người đặt câu hỏi rằng phong trào "chấn chỉnh nơi làm việc" sẽ thực sự thay đổi đến mức nào. Rốt cuộc, thế hệ trước, những người mà gen Z buộc tội dễ dãi đã từng nổi loạn.
"Thế hệ trước cố điều chỉnh văn hóa làm việc. Họ chú trọng đến quyền là điều kiện làm việc. Thế hệ mới thì thách thức hệ thống cấp bậc, văn hóa làm việc kỳ lạ và coi trọng giá trị bản thân hơn", ông nói.
Theo giáo sư Wang, một điểm khác biệt lớn giữa thế hệ sau những năm 2000 và thế hệ trước là giới trẻ ngày nay dùng mạng xã hội nhiều nên thu hút sự chú ý hơn. Những người sinh sau thập niên 80 cũng đã cố chấn chỉnh doanh nghiệp bằng cách tổ chức biểu tình và đình công khi còn trẻ. Nhưng những hoạt động như vậy hiếm khi được đưa lên truyền thông thời điểm đó.
"Khi những người hậu 2000 già đi, có khả năng cũng giống những người sinh sau những năm 80. Họ sẽ dịu lại và bắt đầu đi đúng hướng, khi có nhiều thứ sợ mất", Wang nhận định.
"Khi mọi người chưa kết hôn, họ háo hức sửa đổi nơi làm việc... Nhưng khi lớn tuổi hơn và cần nghĩ về nợ mua nhà, vợ con, họ không còn quá coi trọng bản thân", chuyên gia nói.
Điều đó không có nghĩa là cuộc chiến mang lại sự thay đổi của Gen Z sẽ vô ích. Wang cho biết, những nỗ lực của những năm sau thập niên 80 và sau thập niên 90 đã mang lại những cải thiện đáng kể về điều kiện lao động, chẳng hạn như buộc các công ty cung cấp hợp đồng lao động chính thức và cho phép người lao động đưa tranh chấp lao động ra tòa.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Gen Z đang đạt được tiến bộ. Đầu năm nay, một công ty du lịch cho phép nhân viên làm việc tại nhà, sau khi một cuộc khảo sát cho thấy gần 90% nhân viên ủng hộ sự thay đổi này. Chính phủ cũng nghiêm khắc hơn với các doanh nghiệp sử dụng lịch làm việc "996" (làm việc 9h sáng - 9h tối, sáu ngày mỗi tuần".
"Nơi làm việc đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi. Các doanh nghiệp biết rằng nếu họ không lắng nghe nhân viên, năng suất sẽ giảm và cuối cùng họ sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh", giáo sư Wang nói.
Nhật Minh (Theo Sixthtone)