Trong cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ dành cho học sinh toàn quốc năm 2019, Thừa Thiên Huế có 6 đề tài tham gia, trong đó trường THPT Quốc Học có 4. Ngoài đề tài nghiên cứu vi khuẩn gây hư sữa trong việc xử lý nước thải của em Đỗ Hoàng Thế Phúc và Lê Hữu Nhật Phương giành giải ba, trường Quốc Học giành thêm một giải tư với đề tài nghiên cứu hệ quan sát giao thoa Nirvana.
Trường THPT Quốc Học có 6 phòng thực hành, thí nghiệm dành cho học sinh chuyên sinh học, hóa học, vật lý. Các loại hóa chất, dụng cụ thực hành được xếp ngăn nắp trên giá gỗ. Hệ thống bồn rửa cũng được lắp đặt ngay trong phòng để học sinh vệ sinh sau khi thực hành.
Để thực hiện đề tài vi khuẩn gây hư sữa trong việc xử lý nước thải, Đỗ Hoàng Thế Phúc và Lê Hữu Nhật Phương thường đến phòng thí nghiệm của nhà trường, thực hiện hàng chục lần thí nghiệm pha chế hỗn hợp, xem chất nào phù hợp. Sau hơn 5 tháng nghiên cứu, hai em tìm ra được công thức ưng ý nhất trong việc xử lý nước thải từ vi khuẩn gây hư sữa.
"Các trang thiết bị ở phòng thí nghiệm, thực hành của trường đã đáp ứng được 80% nhu cầu của chúng em. Phần còn lại, em nhờ phòng thí nghiệm của Đại học Nông lâm", Thế Phúc nói.
Cũng nhờ phòng thí nghiệm của trường, Nguyễn Gia Phương, học sinh lớp 10 trường THPT Quốc Học cùng với 9 người bạn tìm ra được phương pháp sản xuất bánh xà phòng từ đậu đỏ, nha đam và tinh dầu dừa. Sản phẩm với hình dáng ngộ nghĩnh được bạn bán cho bạn học, người thân. Biết đến xà phòng không làm hại da của nhóm học sinh, một công ty ở Đồng Nai đã ra trường Quốc Học gặp các em, đặt vấn đề hợp tác sản xuất đại trà.
Gia Phương kể, tháng 12/2018, em và nhóm bạn cùng trường tham gia khóa tập huấn của Hội đồng Anh về một thế giới không rác thải. Sau ba ngày tập huấn, Phương và các bạn đã thực hiện đề tài làm xà phòng từ hương liệu thiên nhiên không ảnh hưởng da và môi trường.
Để làm ra xà phòng, các em đến phòng thí nghiệm, thực hành của trường, phân chia nhau thực hiện các công đoạn. Theo học chuyên sinh, Phương và hai người bạn phụ trách bào chế hương liệu. Các bạn học chuyên lý, hóa được giao nhiệm vụ nghiên cứu độ đông của xà phòng sau khi đun nóng.
Sau hơn hai tháng với nhiều lần thí nghiệm, các em tìm ra tỷ lệ cũng như phương pháp điều chế xà phòng từ đậu đỏ, nha đam. Nước đậu đỏ sẽ được nung với phôi xà phòng trong 30-40 phút để tạo ra một hỗn hợp. Hỗn hợp sau đó được hòa với tinh dầu dừa hoặc bạc hà tạo ra mùi thơm trước khi đổ vào khuôn tạo hình, để trong ngăn mát của phòng thí nghiệm 1-2 tuần.
"Nhiều công đoạn làm xà phòng từ đậu đỏ và nhà đam được nhóm thực hiện trong phòng thí nghiệm của trường Quốc Học và trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Đến nay, nhóm sản xuất và bán được 36 đơn hàng với 140 bánh, mỗi bánh xà phóng giá 8.000 đồng", Gia Phương bật mí.
Với niềm yêu thích khoa học, Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Thị Diễm Thúy (lớp 11B1, trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) cũng thực hiện thành công đề tài nghiên cứu giấy chống thấm từ bã mía tại phòng thí nghiệm của nhà trường. Đề tài của hai em đoạt giải tư cuộc thi Khoa học công nghệ dành cho học sinh cấp quốc gia.
Quá trình thực hiện đề tài, hai phòng thí nghiệm, thực hành rộng gần 50 m2 của trường THPT Phú Bài là địa điểm mà hai em thường xuyên có mặt. "Sau khi nhặt bã mía và vỏ tôm, hai đứa em thường đến phòng thí nghiệm để thí nghiệm. Nhờ đó chúng em tìm ra phương pháp làm được giấy chống thấm từ bã mía và vỏ tôm", Kỳ Duyên chia sẻ.
Thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Quốc Học Huế cho biết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã bố trí 6 phòng thực hành, thí nghiệm. Ngoài các trang thiết bị do Sở Giáo dục đầu tư, nhà trường đã mua thêm thiết bị để phục vụ việc nghiên cứu của học sinh. "Hiện nay trang thiết bị ở phòng thí nghiệm của nhà trường đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu nghiên cứu khoa học của học sinh", thầy Thọ đánh giá.
Thầy Tôn Thất Viễn Tương, Trưởng phòng Trung học phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế) cho hay, trước đây rất ít trường học có phòng thực hành, thí nghiệm. Năm 2016, các trường thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó bắt buộc có phòng thực hành, thí nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục. Trung bình, mỗi trường THPT có 5 phòng thực hành, thí nghiệm bộ môn cho học sinh. Giáo viên phụ trách đều được đào tạo.
Thầy Tương cho rằng, phòng thí nghiệm ở các trường hiện nay chưa giúp học sinh có những nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật hoàn chỉnh, các em vẫn phải tìm đến phòng thí nghiệm ở các trường đại học nhờ hỗ trợ. Nhiều học sinh, giáo viên phải tự bỏ tiền mua thêm trang thiết bị để thực hiện nghiên cứu. "Tương lai, nếu có sự hỗ trợ của nhiều nguồn lực, xây dựng các phòng thí nghiệm, thực hành hoàn chỉnh, học sinh chắc chắn sẽ có nhiều nghiên cứu hay đưa vào cuộc sống", thầy Tương nói.