Chuyên mục Kid Lab là dự án phối hợp giữa VnExpress và Naooka - Viện Hàn lâm khoa học Nga, gồm chuỗi video các thí nghiệm khoa học an toàn cho trẻ 5 đến 7 tuổi. Cùng những chỉ dẫn cụ thể, phụ huynh có thể đồng hành cùng con tạo ra một "phòng thí nghiệm" nhỏ với vật dụng phổ biến như bóng bay, viên kẹo, giấy, nước rửa bát... Qua đó, trẻ vừa học vừa chơi, tìm thấy niềm vui khi khám phá những hiện tượng thú vị trong cuộc sống hàng ngày. Phụ huynh sẽ hướng dẫn trẻ cách phân biệt trứng chín và sống mà không phải bóc vỏ; làm thế nào để nến tắt mà không cần thổi, ảo thuật biến chất lỏng đổi màu ba lần, hay sự hình thành của cầu vồng...
Để xem toàn bộ kho video trên chuyên mục Kid Lab, độc giả đăng ký tài khoản trên VnExpress và thanh toán phí theo các gói cước đề nghị, một tháng trị giá 39.000 đồng; gói 3 tháng 99.000 đồng, gói 6 tháng 189.000 đồng.
Giao diện chuyên mục Kid Lab.
Chia sẻ về các nội dung sản xuất cho Kid Lab, đại diện Naooka cho hay đây là những thí nghiệm đã được Viện dành nhiều năm nghiên cứu để phù hợp với trẻ nhỏ. Thông thường các thí nghiệm này đòi hỏi sự tham gia của một giáo viên được đào tạo đặc biệt. Tuy nhiên, Naooka thay thế giáo viên bằng các hướng dẫn, cung cấp cho phụ huynh - người có thể đóng vai trò như một giáo viên trong khi thực hành các thí nghiệm cùng trẻ. Ở nhà, bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể là một giáo viên khi được hỗ trợ bằng phương pháp thích hợp.
Quy trình triển khai thí nghiệm cùng trẻ:
Các thí nghiệm được mô tả qua video chỉ là phương pháp để cung cấp thông tin và video chỉ là một phần của quá trình đào tạo. Để có hiệu quả tốt nhất, phụ huynh nên tham gia và hướng dẫn trẻ thực hành theo các bước sau:
Bước 1: Cha mẹ xem video mà không có con, sau đó chuẩn bị tất cả vật liệu cần thiết (thông thường đều đơn giản và rẻ tiền).
Bước 2: Cha mẹ hỏi trẻ về những đồ vật mà con nhìn thấy và chức năng của chúng. Sau đó, phụ huynh mô tả những gì sẽ làm với đồ vật này và hỏi con điều gì sẽ xảy ra sau đó. Việc này giúp trẻ hình thành kỹ năng phân tích và làm gia tăng sự hiếu kỳ của trẻ, khiến chúng cảm thấy mình như một nhà nghiên cứu - chứ không chỉ là người quan sát.
Bước 3: Cha mẹ bắt đầu thí nghiệm để kiểm tra lý thuyết và các dự đoán. Nếu con đủ kỹ năng để tự thực hiện tất cả hành động cần thiết, tốt nhất là để con tự làm. Tuy nhiên cha mẹ nên thực hiện hầu hết hoạt động phức tạp, sự tham gia của trẻ càng nhiều càng tốt trong vai trò như một trợ lý.
Bước 4: Sau khi kết thúc thí nghiệm, bố mẹ cần hỏi trẻ một loạt câu hỏi xem con đã rút ra bài học gì, như "con đã học được gì hôm nay", "chuyện gì đã xảy ra trong thí nghiệm"... Phụ huynh cũng cần đặt các câu hỏi mở để con đưa ra câu trả lời phức tạp hơn, thay vì trả lời "có" hoặc "không".
Bên cạnh xem Video, đội ngũ biên tập sẽ liên tục đưa ra các nội dung đồng hành cùng cha mẹ và trẻ để khai thác hiệu quả phòng thí nghiệm này.
VnExpress