![]() |
Nguyễn Hữu Ất chuẩn bị làm bài thi. Ảnh: Dân Trí. |
Sau kỳ tốt nghiệp THPT, cậu học sinh mù bẩm sinh Nguyễn Hữu Ất, của THPT Quỳnh Lưu 1, Nghệ An đã tới gặp lãnh đạo Bộ GD&ĐT để xin thi đại học. Bộ nhất trí cho Ất thi ở phòng riêng và theo đề bình thường.
Trong buổi thi đầu, sau khi cặm cụi đánh vật với các con số, Ất bước ra khỏi phòng với vẻ mặt buồn bã. "Em thấy chưa thỏa mãn với bài giải môn Toán. Đề thi không khó nhưng do tâm lý không được tốt nên kết quả sẽ không cao", cậu học trò 7 năm liền là học sinh giỏi này buồn buồn.
Trao đổi với VnExpress, Hiệu phó ĐH Khoa học Tự nhiên Bùi Duy Cam cho biết, phòng thi đặc biệt này có 2 giám thị, 1 giám sát và một công an. Ất làm bài trên giấy bằng chữ nổi (Braille). Thời gian thi môn Toán kéo dài thêm 10 phút, môn trắc nghiệm thêm 30 phút để giám thị đọc đề. Tất cả được máy quay và cassette ghi lại.
Đến cuối buổi thi, thí sinh đặc biệt này đọc nội dung bài làm để giám thị ghi lại trên giấy. Để quy trình làm bài được minh bạch, trường đã bố trí một giám sát làm nhiệm vụ quay camera, còn công an làm nhiệm vụ theo dõi diễn biến trong phòng. Túi đựng bài thi của Ất có bài làm bằng chữ nổi, bài làm do giám thị chép lại và băng ghi âm lời đọc cũng như đĩa video quay cảnh trong phòng.
Theo ông Cam, khi biết tin cậu học sinh khiếm thị này muốn thi vào khoa Quản trị Kinh doanh, lãnh đạo trường đã nhiều lần liên hệ với Ất để trao đổi. Lúc đầu, trường rất lúng túng bởi chưa nghĩ ra cách tổ chức thi. "Nếu để em cùng thi với những thí sinh khác thì việc đọc đề sẽ rất mất thời gian và ảnh hưởng tới các em khác. Do vậy, để khách quan, trường quyết định bố trí Ất ở một phòng thi riêng", ông Cam nói.
Vụ trưởng Vụ ĐH & sau ĐH Trần Thị Hà: Từ năm sau, tất cả các hội đồng thi phải tạo điều kiện để các thí sinh khuyết tật, thiệt thòi được dự thi, đảm bảo công bằng với các thí sinh khác. |
Trước ngày thi, trường điều một ôtô cùng 3 cán bộ coi thi, 1 đài catsette, một chục cuộn băng, 2 máy quay phim (một máy cơ, một máy kỹ thuật số) để phục vụ cho phòng thi đặc biệt này. Vào đến nơi, các giám thị mới phát hiện là đài đó không có chức năng thu âm và phải đi mua một chiếc đài khác để ghi âm lời đọc của Ất.
Chi phí cho phòng thi đặc biệt này khoảng 6,5 triệu đồng nhưng ông Hiệu phó cho rằng: "Với học sinh Ất, không có gì là tốn kém. Trường cố gắng tạo mọi điều kiện để em thi tốt. Khuyết tật là thiệt thòi lớn. Ất đã quyết tâm vượt lên số phận nên cần phải được ủng hộ".
Tuy nhiên, theo lời ông Cam, việc cậu học trò khiếm thị này có được ưu ái hay không còn phụ thuộc vào quy định của Bộ. "Tôi nghĩ, Bộ nên có cơ chế, chính sách đào tạo đặc biệt đối với những trường hợp này", ông Hiệu phó nêu ý kiến.
Tiến Dũng