Nhóm kiểm soát chuyến bay tại Houston cho biết, hai phương tiện của nhiệm vụ Artemis I gồm tàu vũ trụ Orion và hệ thống phóng không gian (SLS) hoạt động bình thường trong hành trình bay lên quỹ đạo kéo dài 12 phút.
Sau 3 phút rời khỏi bệ phóng, tầng đẩy rắn của tên lửa SLS bắt đầu tách ra. Ngay sau đó, hệ thống hủy phóng và vỏ bảo vệ của module thiết bị cũng tách khỏi tàu vũ trụ Orion. 9 phút sau, tầng cốt lõi của tên lửa SLS tách khỏi tầng đẩy đông lạnh tạm thời và tàu vũ trụ Orion.
Mốc quan trọng tiếp theo là triển khai pin mặt trời của tàu Orion. Việc này được tàu Orion hoàn tất sau 37 phút bay. Bộ pin đang thu thập năng lượng và dữ liệu ban đầu cho thấy thiết bị hoạt động tốt.
54 phút sau khi phóng, thao tác nâng quỹ đạo hoàn thành. Tầng đẩy đông lạnh tạm thời khai hỏa trong hơn 20 giây để nâng điểm thấp nhất trong quỹ đạo Trái Đất của tàu Orion, chuẩn bị cho quá trình khai hỏa chuyển tiếp quan trọng đưa Orion tới Mặt Trăng.
1 tiếng 57 phút sau khi phóng, tầng đẩy đông lạnh tạm thời (ICPS) hoàn thành quá trình khai hỏa phóng chuyển tiếp Mặt Trăng (TLI) kéo dài khoảng 18 phút, tàu Orion cũng tách khỏi tầng này. Con tàu kích hoạt các động cơ đẩy phụ trợ để di chuyển đến khoảng cách an toàn, tránh khỏi ICPS, và bắt đầu hành trình tới Mặt Trăng.
Lần phóng này cũng vấp phải một số trở ngại. Khoảng 3 giờ trước lúc phóng, nhà chức trách phát hiện tình trạng rò rỉ không liên tục ở van bổ sung hydro lỏng trên tháp phóng di động của Artemis I. NASA cử một đội chuyên gia tới tháp phóng để vặn chặt đai ốc ép kín nhằm ngăn rò rỉ. Quá trình kéo dài khoảng một giờ.
Sau khi xử lý sự cố đó, một vấn đề nhỏ xảy ra khi tín hiệu từ một vị trí radar liên quan đến hệ thống phóng bị mất do lỗi bộ chuyển mạch. Vấn đề được khắc phục khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược 10 phút trước lúc phóng.
Cuối cùng, hệ thống phóng thành công sau nhiều nỗ lực và đây là lần thứ 4 bộ đôi này lên bệ phóng. Hai lần đầu diễn ra vào tháng 3 và tháng 6 để thử nghiệm nạp nhiên liệu trước khi phóng, lần thứ ba vào giữa tháng 8 để phóng lên không gian nhưng bị hoãn do sự cố rò rỉ hydro lỏng và động cơ quá nhiệt. Bộ đôi tên lửa SLS và tàu Orion được đưa trở lại Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện (VAB) của Trung tâm Vũ trụ Kennedy hồi cuối tháng 9 để tránh bão Ian, sau đó thực hiện những công đoạn bảo dưỡng, sửa chữa và thử nghiệm nhỏ.
Tên lửa SLS và tàu Orion là hai trong số những thành phần cốt lõi trong kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng của NASA. SLS là tên lửa mạnh nhất mà NASA từng chế tạo, nặng khoảng 2.500 tấn và cao gần 100 m. Trong khi đó, tàu Orion nặng 23 tấn và có đường kính 5 m.
Artemis I là nhiệm vụ mở đầu cho chương trình Artemis của NASA nhằm đưa con người lên Mặt Trăng sinh sống và làm việc lâu dài. Trong nhiệm vụ dự kiến kéo dài 42 ngày. Trong chuyến bay, tàu vũ trụ Orion sẽ bay 64.000 km phía ngoài Mặt Trăng, xa hơn 48.000 km so với kỷ lục lập bởi tàu Apollo 13. Lộ trình này mô phỏng chuyến bay mà phi hành đoàn Artemis II sẽ thực hiện vào năm 2024. Đây sẽ là quãng đường xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ chở người nào từng bay, theo NASA.
Mục tiêu chính của sứ mệnh là chứng minh cả hai phương tiện đã sẵn sàng để bắt đầu phóng phi hành gia lên Mặt Trăng cũng như các điểm đến không gian sâu khác. Theo đó Orion mang theo phi hành đoàn mô phỏng gồm ba người, được trang bị các cảm biến để đo mức bức xạ và những thách thức mà phi hành gia sẽ phải trải qua.
Chuyến bay lần này cũng nhằm kiểm tra độ bền của tấm chắn cách nhiệt của Orion trong quá trình ma sát với bầu khí quyển Trái Đất với tốc độ gần 40.000 km/h, lớn gấp 32 lần tốc độ âm thanh. Tấm chắn nhiệt được thiết kế để chịu được nhiệt độ tăng lên tới gần 2.760 độ C.
Artemis I cũng sẽ triển khai các vệ tinh Cubesat và thực hiện một loạt thí nghiệm khoa học để phân tích bề mặt Mặt Trăng và nghiên cứu cách bức xạ không gian ảnh hưởng đến sự sống của tế bào.
Theo lộ trình, chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artemis được chia làm ba giai đoạn. Nếu mọi việc thuận lợi, sau nhiệm vụ Artemis I không phi hành đoàn, Artemis II sẽ đưa các phi hành gia bay quanh Mặt Trăng vào khoảng năm 2024 và phi hành gia sẽ hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng năm 2025 ở Artemis III.
NASA ước tính sẽ chi tổng cộng 93 tỷ USD cho chương trình Artemis từ năm 2012 - 2025 và mỗi vụ phóng SLS/Orion sẽ tốn khoảng 4,1 tỷ USD.
Ban Khoa học (Theo Space/NASA)