Trả lời:
Hệ hô hấp được tính từ cửa mũi trước đến các phế nang trong phổi, chia thành đường hô hấp trên và dưới. Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản, có chức năng lấy không khí bên ngoài cơ thể, sưởi ấm, làm ẩm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Do trực tiếp tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nên đường hô hấp trên dễ bị các mầm bệnh xâm nhập.
Trẻ bị viêm đường hô hấp trên thường có biểu hiện ho, viêm họng, sổ mũi và sốt. Bệnh thường tái phát 8-10 lần mỗi năm ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và 6-8 lần đối với trẻ lớn hơn. Một số trẻ gặp các đợt tái phát chỉ cách nhau 1-2 tuần.
Các triệu chứng này dễ dàng kiểm soát bằng các thuốc ho, thuốc viêm họng từ dược liệu thiên nhiên như húng chanh (tần dày lá), núc nác, mật ong, tỳ bà diệp… Ở những trẻ có sức đề kháng tốt, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trẻ có sức đề kháng kém dễ bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây sốt cao, co giật, thậm chí suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Bệnh viêm đường hô hấp trên dễ mắc và dễ tái phát. Dưới đây là một số nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc và tái phát bệnh mà chị cần quan tâm.
- Thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho siêu vi trùng phát triển mạnh trong khi cơ thể chưa kịp thích nghi, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Môi trường ô nhiễm do bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá, khí thải công nghiệp, mật độ giao thông dày đặc.
- Cơ địa dễ dị ứng với sự thay đổi thời tiết đột ngột.
- Do lây nhiễm dịch bệnh như cúm, viêm mũi, họng từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Thời tiết thay đổi, chị nên chú ý giữ ấm cơ thể cho bé bằng quần áo, khăn, tất, giày, mũ, chăn, găng tay, khẩu trang... Nên cho bé uống đủ nước và bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, nên khuyến khích bé vận động mỗi ngày, tập thể dục thể thao cùng cha mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh
Chuyên gia của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC