Đây là khuyến cáo của GS.TS.BS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam trong chương trình "Sống vui khỏe cùng đái tháo đường ở người lớn tuổi", phát sóng tối 10/11 vừa qua trên Fanpage VnExpress.net. Chương trình thuộc chuỗi Tư vấn trực tuyến về Đái Tháo Đường "Hiểu đường huyết – Sống vui khỏe" do Tổng Hội Y Học Việt Nam cùng công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam thực hiện.
![GS.TS.BS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam, chia sẻ trong chương trình Sống vui khỏe cùng đái tháo đường ở người lớn tuổi.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/11/18/anh-4637-1637226236.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8OCTjKsqMUveXZmgfxfeeQ)
GS.TS.BS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam, chia sẻ trong chương trình "Sống vui khỏe cùng đái tháo đường ở người lớn tuổi".
Trong buổi tư vấn, GS.TS.BS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam đã có những chia sẻ giúp bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi hiểu rõ cách theo dõi, chăm sóc và điều trị phù hợp để quản lý được tình trạng đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Mối nguy kép với bệnh nhân lớn tuổi trong Covid-19
Theo thống kê của Liên Đoàn Đái Tháo Đường Quốc tế vào năm 2019, có khoảng 3,8 triệu người Việt mắc đái tháo đường, chiếm tỉ lệ 5,7% , trong đó hơn 50% bệnh nhân chưa được chẩn đoán.
Đái tháo đường là tình trạng tăng glucose trong máu. Việc không kiểm soát tốt đường máu đối với người mắc bệnh đái tháo đường sẽ dẫn đến tình trạng đường máu cao, gây ra rất nhiều hậu quả, biến chứng trên nhiều cơ quan khác nhau như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, tai biến mạch não (đột quỵ), tắc mạch chi dưới gây ra tình trạng đi khập khiễng, thậm chí là đoạn chi (cắt cụt chi), mù mắt, viêm thần kinh, suy thận...
Bệnh nhân đái tháo đường khi mắc Covid-19 dễ có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong. Giáo sư Dàng cho biết người mắc bệnh đái tháo đường khi nhiễm Covid-19 có tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường 7%, trong đó những người không kiểm soát tốt đường huyết có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người kiểm soát tốt. Biện pháp tối ưu để bảo vệ bệnh nhân đái tháo đường trước tình hình dịch bệnh là kiểm soát đường huyết tốt và tiếp tục tuân thủ điều trị đái tháo đường kèm theo sự tư vấn của bác sĩ.
Cách phòng ngừa và điều trị đái tháo đường ở người lớn tuổi
Thống kê cho thấy 95% người lớn tuổi mắc đái tháo đường là bệnh nhân típ 2. "Tuy nhiên, người mắc đái tháo đường típ 2 không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, rất khó phát hiện và đa số xảy ra ở người thừa cân, béo phì", GS.TS Dàng nhấn mạnh.
Giáo sư khuyến cáo những người có nguy cơ mắc bệnh hoặc những người trung niên từ 45 tuổi trở lên nên đi xét nghiệm đường máu định kỳ (ít nhất mỗi năm một lần) để được chẩn đoán chính xác và phát hiện kịp thời.
"Việc điều trị đái tháo đường sớm và đúng cách là biện pháp tốt nhất để có một cuộc sống khỏe mạnh gần như người bình thường và là cách phòng bệnh cho chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng", Giáo sư Dàng nói thêm.
Theo Giáo sư Dàng, người lớn tuổi cần lưu ý những điểm sau trong việc điều trị insulin:
Ở mức độ nhẹ, người bệnh cần duy trì một lối sống lành mạnh: kiểm soát tốt cân nặng, ăn uống khoa học và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát đường huyết tốt.
Ở mức độ bệnh nặng hơn, không chỉ phải kiểm soát đường huyết bằng thuốc uống mà còn kết hợp insulin một mũi chậm hoặc dùng insulin nhiều mũi (1 mũi nền và 3 mũi trước bữa ăn) để có thể kiểm soát tốt đường huyết.
![Người lớn tuổi cần kiểm soát tốt cân nặng, ăn uống khoa học và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát đường huyết tốt. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/11/18/anh1-6855-1637226236.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zYClz-swz8cgoMY9Lp7OeA)
Người lớn tuổi cần kiểm soát tốt cân nặng, ăn uống khoa học và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát đường huyết tốt. Ảnh: Shutterstock
Quá trình điều trị đái tháo đường là lâu dài và cần tuân thủ tuyệt đối theo chế độ điều trị với sự tham vấn của bác sĩ, tránh trường hợp người bệnh không uống thuốc đúng theo chỉ định hoặc uống quá liều dẫn đến hạ đường huyết, gây nguy hiểm tính mạng.
Trong buổi tư vấn trực tuyến về đái tháo đường, Giáo sư Dàng đã bày tỏ lo ngại khi nhiều người Việt Nam, nhất là những người lớn tuổi, thường có tâm lý "giấu bệnh" hoặc không quan tâm bởi vì bệnh không có những triệu chứng lâm sàng rõ ràng, đến khi phát hiện ra bệnh với những biến chứng nặng thì đã muộn. Do vậy, để chữa trị đái tháo đường, không chỉ cần sự hỗ trợ từ phía bác sĩ mà còn phải có sự tham gia của bệnh nhân và người thân trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng.
"Người nhà bệnh nhân, người thân xung quanh cần có kiến thức để giúp đỡ người bệnh trong suốt quá trình điều trị đái tháo đường, bởi đây là căn bệnh kéo dài suốt đời, việc chữa trị không hề đơn giản như những bệnh khác", Giáo sư Dàng cho hay. "60-70% người lớn tuổi mắc đái tháo đường phải chịu đựng nhiều biến chứng khác như tăng huyết áp, mờ mắt, thần kinh ảnh hưởng..., cần dùng thuốc để chữa biến chứng. Đứng trước những khó khăn bệnh tật, người đồng hành chính là điểm tựa giúp ổn định đường huyết, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, tránh mắc phải các bệnh tâm lý, kéo dài tuổi thọ và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra".
Độc giả có thể xem thêm phần giải đáp thắc mắc về bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi tại đây, hoặc xem lại buổi tư vấn trực tuyến "Sống vui khỏe cùng đái tháo đường ở người lớn tuổi" tại đây.
Anh Ngọc