“Hương ngửi xa, hoa ngửi gần” là câu tục ngữ mà các cụ truyền lại như một kinh nghiệm để đời sau có thể thưởng thức các mùi hương một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, điều đó lại không có vẻ đúng với con trai tôi, bởi cháu bị dị ứng với phấn hoa.
Lần đầu tiên tôi phát hiện ra con trai lớn bị dị ứng với phấn hoa là vào lúc cây hoa sữa trước sân nhà ra hoa, tỏa hương nồng nặc, thằng cu thấy ngưa ngứa nơi khóe mắt và lấy tay dụi vào mắt, nước mắt nước mũi chảy ra, nặng thì ho hen sụt sịt. Khi đem đến bác sĩ khám thì mới biết là bị dị ứng với phấn hoa.
Sau khi lo thuốc thang cho cháu qua khỏi bệnh lần đó, việc đầu tiên là chặt ngay cây hoa sữa để khỏi là tác nhân gây dị ứng cho cháu. Sau này, chúng tôi dặn cháu đi học hay đi ra ngoài thấy cây hoa sữa là phải tránh xa.
Để tránh hóa sữa và các loại phấn hoa khác, tôi luôn trang bị kính và khâu trang cho con mỗi khi ra ngoài đường. Bôi một loại kem xung quanh lỗ mũi để ngăn chặn phấn hoa có thể lọt vào cơ thể qua đường hô hấp.
Ăn nhiều mật ong và tỏi có thể giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng từ môi trường. Khi cho con ăn mật ong thì còn dễ vì nó ngọt có thể pha với nước ấm cho con uống. Tuy nhiên tập cho con ăn tỏi là một điều vô cùng khó vì trẻ em không mấy khi thích mùi này, việc ăn tỏi chủ yếu là đưa vào khi chế biến các món ăn hoặc pha chế nước chấm.
Cho bé dùng thuốc kháng để trị dị ứng ngay từ trước khi xuất hiện triệu chứng dị ứng vì thuốc này thường hoạt động trên nguyên tắc ngăn chặn cách phản ứng hóa học trong cơ thể trước khi dị ứng xảy ra.
Ngoài ra, tôi còn vệ sinh nhà cửa chăn màn sạch sẽ và có chế độ ăn uống hợp lý giúp con khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch cũng có thể tránh xa được dị ứng.
Đỗ Minh Thuyết